Về hai chữ trách nhiệm

THỤY BẤT NHI 12/11/2023 09:25

Dư luận những ngày qua lại xôn xao sự vụ một dự án đầu tư hạ tầng du lịch ngang nhiên xâm hại vùng biển di sản thế giới. Những hình ảnh nham nhở, xấu xí về tiến độ thi công lấn biển, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên được chia sẻ đang gây nên cơn sóng giận dữ và cơ quan quản lý chức năng đã phải lên tiếng đình chỉ dự án đầu tư, buộc những người tham gia phải sớm trả lời, có giải pháp bảo vệ những giá trị tự nhiên vốn có.

Dự án lấp biển đang uy hiếp Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. ảnh: Báo Tiền Phong
Dự án lấp biển đang uy hiếp Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Ảnh: Báo Tiền Phong

Tuy nhiên, dù sẽ có khắc phục đến thế nào, thì câu chuyện một vùng biển cảnh quan thiên nhiên bị phá hủy, bị xâm hại, cũng là điều không thể chối cãi được. Người ta nhìn nhận khả năng những tổ chức bảo vệ thiên nhiên, công nhận văn hóa di sản sẽ có thể đưa ra quyết định không tốt cho di sản văn hóa.

Câu hỏi cuối cùng không phải đánh giá mức độ bị xâm hại thế nào, ai đã cố tình gây ra việc ấy, mà dư luận đặt vấn đề: ai là người phải chịu trách nhiệm khi đã để hành vi xâm hại ấy xảy ra?

Trong tiếng Việt, trách nhiệm (責任) là một từ Hán Việt, gồm chữ trách, có chữ thích (tác động) và bộ bối (vỏ sò, tiền bạc) hàm nghĩa đòi hỏi lấy tiền bạc, trách móc kiếm chác; và chữ nhiệm gồm bộ nhân (người) và chữ nhậm (mượn âm đọc) chỉ vào hành động, công việc phải làm. Trách nhiệm, vì thế có nghĩa là đòi hỏi cần làm của một ai đó về phần hành, vấn đề thuộc về họ. Trách nhiệm, chính là bổn phận đương nhiên của một người khi đảm đương, phụ trách vị trí nào đó, thậm chí đó chỉ là vấn đề giá trị cốt lõi của ai đó, phải luôn bảo đảm.

Khi nói đến trách nhiệm, người ta thường nghĩ đến những người có cương vị, vai trò nhất định, đơn giản nhất là gia đình (trụ cột, lao động chính…) đến vị trí quán xuyến tổ chức, tập thể (quan chức, lãnh đạo, nhà quản lý…). Người có trách nhiệm, theo đó không đơn giản chỉ là người thừa hành một chủ trương hay kế hoạch, mà chính là người đã ban hành, phê duyệt chủ trương, kế hoạch đó, có vai trò chi phối, kiểm soát và đôn đốc.

Trong câu chuyện dư luận đang đặt ra, cơ quan, doanh nghiệp đề xuất và đang triển khai lấp đất lấn biển, lập dự án làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, môi trường hoàn cảnh vốn có, dĩ nhiên phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thiếu đi sự suy xét, không đoán trước được những gì sẽ xảy ra, gây nên tổn hại, tàn phá hủy hoại môi trường thiên nhiên, là sai phạm cụ thể đáng bị xử lý nghiêm. Nhưng phần trách nhiệm này mới chỉ ở biểu hiện hành vi, phần lỗi đo đếm được.

Phần trách nhiệm nghiêm trọng hơn, thuộc về những người “biết luật phạm luật”, là những người có vai trò quyết định, chỉ đạo, ban hành dự án, đưa ra quyết định dẫn đến, cho phép hành vi sai phạm diễn ra. Phần trách nhiệm này, không đơn giản thấy ngay, nhưng căn cứ những hậu quả từ hành vi vi phạm, có thể kết luận thấy mức độ tác hại nghiêm trọng đến thế nào.

Xử lý trách nhiệm rõ ràng, chính là phải tra cứu, luận xét thấu đáo phần trách nhiệm này. Người có trách nhiệm phê duyệt, quản lý, giám sát thực hiện, nhất là ban hành chủ trương thì phải chịu trách nhiệm lớn hơn. Thực hành trách nhiệm như vậy, mới đầy đủ và rõ ràng minh bạch với dư luận xã hội và đó chính là gốc nghĩa của từ trách nhiệm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về hai chữ trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO