“Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, câu ca xưa mô tả sự khó nhọc trong nghề nông tang của xứ Quảng, giờ được nhắc lại ở phố cổ Hội An không phải không có nguyên do…
Thêm một bất ngờ ở Hội An
Nhà thơ Phùng Tấn Đông hồi đầu năm gọi điện cho tôi rủ đi Hội An dự giỗ tổ nghề may. Cuối năm lại gọi vào chơi… làng dệt lụa. Quái! Tôi bảo nghề may phồn thịnh từ thời cảng thị cho đến thời di sản là chuyện không có gì ngạc nhiên ở Hội An. Người thợ may phố Hội ở những tiệm Yaly, Thu Thủy giờ chỉ cần nửa tiếng đã có những bộ vét, bộ kimono bằng lụa giao cho khách; hoặc may đo, bán hàng cho cả thế giới qua internet thì đã rõ. Hằng năm, giữa tháng giêng, họ đều cúng tổ thịnh soạn là vì vậy. Còn ươm tơ dệt lụa thì còn khuya! Tôi nói vậy vì anh bạn Sang Phước Thịnh của tôi mấy năm trước đã có một dự án về Quảng Nam khôi phục nghề này nhưng nửa chừng lại thôi để chuyển qua làm resort. Dường như làm resort còn dễ hơn phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa ở xứ này, dù nó đã có hơn 3 thế kỷ là nghề truyền thống của người Việt ở xứ Đàng Trong. Nếu kể luôn việc trồng dâu nuôi tằm của tiền nhân Chămpa ở xứ ni thì dữ dội hơn nhiều… “Khó còn hơn đốn tre, ve gái ông ơi…”, Sang Phước Thịnh thả tay với dự án của mình đã nói vậy khi tôi hỏi chuyện.
Một nong tằm là năm nong kén... |
Nhưng rồi tôi lại đi Hội An khi Phùng Tấn Đông gọi điện giục. Và tôi đã lầm với định kiến của mình.
… Đó là một khu đất chỉ vài hecta, không phải làng mạc, bãi biền ven sông mà ở ngay cửa ngõ vào Hội An, lại được đặt tên là “Làng Lụa”. Còn có cả tên Tây là Silk Village nữa mới oách chứ! Trong đó, có những ngôi nhà rường lợp ngói rầm rầm tiếng máy dệt Cửu Diễn. Có những phòng trưng bày mẫu hàng lụa Quảng, lụa Hà Đông, lụa Bảo Lộc, lụa Nam Vang… Có những lò ươm tơ, những xa quay, những chiếc nong thả tằm và cả những ruộng dâu với hàng chục cây dâu cổ thụ lá hình xương cá của người Chăm xưa…
Tiếng đồn Chiêm Sơn tơ lụa mỹ miều sớm mai cửi mắc; Lời khen Hy Giang gấm vóc rạng ngời chiều lại tơ giăng.
Giỏi đánh ống quay xa ngại chi chuyện chăn tằm cơm đứng; Thạo trồng dâu nuôi tằm quản đâu câu việc ruộng cơm nằm…
Kén vàng.Ảnh trong bài: Nguyễn HỮU SÁNG |
Đi bên tôi vào thăm mấy cô gái đang rải lá dâu vào nong tằm trong một ngôi nhà gạch ở Làng Lụa, Đông lẩm nhẩm đọc mấy câu trên, ra chiều đắc ý. Ai biên (viết) mà hay rứa? Tôi hỏi. Đông cười: Tui biên đó! Đó là mấy câu trong bài chúc văn bữa giỗ Bà chúa Tàm tang xứ Quảng Đoàn Quý Phi mấy tháng trước tại đây. Bữa nớ răng không thấy ông vô?
Thì ra là vậy. Cách nay bốn tháng, Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tổ chức buổi trao đổi về phục hồi nghề tơ lụa Quảng Nam do Quảng Nam Silk tài trợ tại chỗ tôi đang đến này. Tôi không vào, nhưng sau đó nghe nhà văn Nguyên Ngọc nói đang có một doanh nhân dự định thành lập một bảo tàng tơ lụa tại Hội An, thì tôi vẫn chưa tin. Cho đến hôm nay…
Vẽ trên lụa. |
Từ cây dâu cổ thụ của người Chăm
Bỏ hết nửa buổi đi và chụp hàng chục bức ảnh khắp Làng Lụa, chúng tôi quay về một ngôi nhà rường chỉ để mấy bộ bàn ghế cũ, mới gặp được Lê Thái Vũ, ông chủ của cơ ngơi đầy chất lãng mạn này. Tôi kể lại chuyện của Sang Phước Thịnh mấy năm trước và hỏi Vũ: Anh có ảo tưởng không? Vũ không trả lời, chỉ cười…
Vũ người Đại Lộc, ở dọc những bãi bồi ven sông Vu Gia, từ xưa đã nổi tiếng “Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Biền dâu Đại Lộc mờ mờ trong sương…”. Sau chiến tranh, nghề của ông cha phá sản. Mấy anh chị em bỏ vào Sài Gòn sinh sống rồi trở lại với nghề truyền thống. Những Phú Cường, Thái Dương, Nhất Hoa lần lượt ra đời ở TP. Hồ Chí Minh rồi Đà Nẵng, chiếm thị phần không nhỏ trên thị trường tơ lụa và giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động từ Bảy Hiền đến Duy Xuyên, Đà Nẵng… Vũ vừa đi học Đại học Kinh tế ở TP. Hồ Chí Minh vừa đi bỏ lụa cho các chợ để phụ các anh chị và kiếm tiền ăn học. Sau anh tự mở các phòng trưng bày lụa Quảng tại nhiều khách sạn 5 sao để quảng bá, tiếp thị…
Và Vũ phát hiện ra rằng, kinh doanh hàng tơ lụa ai cũng khá lên nhưng nghề trồng dâu nuôi tằm lại không phát triển. Có phải do giống dâu, giống tằm hay do phương án kinh doanh chưa thích hợp? Anh đi tham quan Thái Silk của Jim Thompson, sang Nhật nghiên cứu giống dâu lá hình chân chim… Anh học Thompson ở cách làm thương hiệu, xác lập phong cách sống và thiết kế đương đại. Nhưng bất ngờ lớn nhất là cái giống dâu tìm thấy ở Nhật lại là giống có lá hình xương cá của người Chăm từ mấy thế kỷ trước ở Quảng Nam. “Mình có giống dâu quý, cho ra tơ bền và mượt, lại để mất trong khi phải nhập cả giống dâu và tằm từ Trung Quốc, chất lượng kém hơn? “Có phải từ giống dâu chân chim ấy đã thúc đẩy tôi về lại Quảng Nam và đến nay cơ sở này ra đời không? Chắc chắn đó là một nguyên nhân lớn nhất. Nhưng vì sao lại chọn Hội An dựng cơ sở? Vì nó gắn với tiêu thụ sản phẩm, gắn với du lịch và các dịch vụ khác, theo phong cách Thompson…” - Vũ bộc bạch.
Sản xuất các sản phẩm du lịch từ tơ tằm. |
Cái may này tạo ra cái may khác. Vũ được Hội An cho thuê đất đến 50 năm và đến năm 2000, trong lúc đi tìm mua nhà rường ở các vùng Giao Thủy, Bình Định anh lại tìm được 5 cây dâu cổ thụ của người Chăm còn sót lại trong dân gian. Sau đó lại đến các vùng ngày xưa người Pháp đã lập các xưởng ươm tơ và tìm thấy mấy chục cây nữa. Đến nay, Làng Lụa của Vũ đã có đến 50 gốc dâu cổ thụ để nhân và phục tráng giống cũ… sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi tơ nguyên gốc Quảng Nam…
Thay lời kết
Làng lụa Hội An đến nay đã được đầu tư hơn 40 tỷ đồng, do anh chị em trong gia đình Lê Thái Vũ hùn hạp. Gần 70 nhân viên đã làm việc và đã đón các đoàn khách đến từ các công ty lữ hành lớn như Diethelm, Vitours, Saigon tourist, Hồ Gươm… Bình quân mỗi ngày có gần 100 khách nước ngoài đến đây. Con số này sẽ tăng lên trong mùa cao điểm. Một du khách Nga đến đây, tỏ bày vẻ thích thú: “Chúng tôi không phải đến các vùng nông thôn nhưng vẫn trải nghiệm tất cả công đoạn từ hái lá dâu đến ươm tơ, dệt lụa…Thậm chí ai viết vẽ cũng có thể biểu diễn tài năng của mình trên lụa và ăn những món ăn lạ từ con nhộng, rượu dâu dân dã của vùng đất nổi tiếng này…”. Một sinh viên người Na Uy, cô Katherine, mà tôi vừa gặp lại ở đây, thì sâu sắc hơn: “Điều quan trọng là tôi đã biết được có một sự tiếp biến về văn hóa rất sâu sắc giữa người Chăm và người Việt ở xứ sở này khi vào thăm các trưng bày về công cụ ươm tơ dệt lụa và những cây dâu cổ thụ…”.
Như vậy, thông tin rằng đang hình thành một bảo tàng ươm tơ dệt lụa ở đây, như nhà văn Nguyên Ngọc nói là có thật. Không uổng công những người “ăn cơm đứng” là vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG