Về Ka Đắp, mùa này…

TUỆ LÂM 17/06/2015 10:46

Nằm cách thị trấn P’rao chưa đến 2km, thế nhưng thôn Ka Đắp, xã Arooih, huyện Đông Giang lại hoàn toàn biệt lập với bên ngoài bởi dòng A Vương chia cắt. Gần 30 năm từ khi lập làng (1982), Ka Đắp vẫn như một “ốc đảo” giữa đại ngàn.

Chúng tôi đến Ka Đắp vào một buổi sáng sớm, khi ánh nắng vừa chênh chếch phía núi, dòng A Vương hiền hòa nhẹ nhàng cuộn lấy Ka Đắp vào lòng. Phía bên kia, từng khoảnh ruộng vàng óng bởi ánh nắng, từng nhánh lúa trĩu xuống đầy hạt và sương sớm.

Bản nhỏ giữa đại ngàn

Dòng A Vương chia cắt nhưng bù lại phù sa, giúp cây cối, lúa rẫy của Ka Đắp luôn xanh tốt. Bởi vậy, dù bị cô lập, khó khăn đi lại nhưng chưa bao giờ người dân Ka Đắp phải thiếu đói. “Bao nhiêu lâu rồi, không nhớ nữa. Từ khi lập làng đến nay, người dân vẫn nương tựa vào nhau để sống. Lúa, bắp làm ra cũng đủ ăn. Trời thương, nên lúa được mùa, nương rẫy ít khi bị chuột phá hoại nên cứ thế mà sống thôi…”- bà Alăng Rong, 70 tuổi cười nói.

Người dân thôn Ka Đắp vượt sông chủ yếu bằng những chiếc bè bằng tre.
Người dân thôn Ka Đắp vượt sông chủ yếu bằng những chiếc bè bằng tre.

Trưởng thôn Ka Đắp, Arất Nghênh cho biết, người dân ở đây rất tự hào vì làm lúa nước được nhất so với toàn xã. “Nhờ vào đồng ruộng, bà con mình không bị đói. Nhất là vào mùa mưa lũ, khi bị chia cắt với bên ngoài dân mình cũng chẳng sợ. Quen rồi, lúa dự trữ trong bồ còn, không lo thiếu gạo ăn đâu”- Arất Nghênh nói.

Ka Đắp là một trong những thôn làm lúa nước được nhất của xã Arooih. Trung bình mỗi mùa vụ, người dân thu hoạch khoảng 45 tạ/ha. “Đấy là một con số rất ấn tượng đối với một thôn, xã miền núi. Thường thì ở những nơi khác chỉ đạt mốc chừng 36 tạ/ha, nhưng với Ka Đắp, người dân chịu khó học hỏi kỹ thuật trồng lúa mới, cộng với thiên nhiên ưu đãi nên năng suất đạt được rất cao” - ông Phan Hữu Thành, Phó phòng Nông nghiệp huyện Đông Giang cho biết.

Theo ông Thành, Ka Đắp là một trong những thôn áp dụng thành công nhất kỹ thuật, phương pháp trồng lúa nước của Nhật Bản (mô hình trồng lúa chất lượng cao SRI). “Đây được coi là vựa lúa của xã Arooih cũng như huyện Đông Giang. Điều đáng ghi nhận nhất chính là tinh thần chịu khó học hỏi của người dân”- ông Thành nói.

Lúa nước ở đây phát triển rất tốt, giúp người dân có cái ăn đầy đủ. Ảnh: TUỆ LÂM
Lúa nước ở đây phát triển rất tốt, giúp người dân có cái ăn đầy đủ. Ảnh: TUỆ LÂM

Đồng bào dựa vào núi rừng, dựa vào ruộng lúa nước được mùa để sinh sống. Tuy cách biệt là thế, nhưng những mái ngói, mái tôn đỏ tươi vẫn mọc lên thay thế cho những mái tranh, vách nứa. “Từ khi lập làng đến nay, người dân quen với nếp sống cũ, luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau chứ không bất hòa. Lịch sử của làng chưa có một vụ gây gổ nào. Đó là niềm tự hào của làng. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng lắm!”- Già Alăng Rong cười bảo.

“Toàn thôn giờ đã có điện lưới quốc gia thắp sáng. Hầu hết hộ gia đình đều đã có ti vi để tiếp cận với thông tin bên ngoài, những phương thức làm kinh tế mới. Thôn chỉ vọn vẹn 28 hộ với 116 nhân khẩu, trong đó chỉ có 4 hộ nghèo. Đó là điều không phải nơi nào của xã vùng cao cũng làm được…”- ông Hôih Bảy, Chủ tịch UBND xã Arooih cho biết.

Ngày mai, thôi chia cắt…

Khó khăn về vật chất, họ đã tìm cách để vượt qua, nhưng ước mơ lớn nhất của người Ka Đắp chính là có được cây cầu để khỏi biệt lập vào mùa mưa lũ. Dòng A Vương chỉ hiền hòa vào mùa khô, mùa mưa thì nó chuyển mình, trở thành hung dữ, sẵn sàng nuốt chửng những ai cố gắng vượt sông. “Mình già rồi, không sao cả, bao đời nay vẫn chịu được. Chỉ tội cho mấy đứa nhỏ, đi học vào mùa mưa hầu như là không thể”- già Rong bảo.

Liên tiếp trong hai năm 2003, 2004 đã có 2 người bị dòng nước cuốn trôi khi cố gắng để băng sông. Đó là ký ức hằn sâu vào lòng người Ka Đắp mỗi khi nhắc đến sự hung dữ của dòng A Vương. “Ngay sau đó, chúng tôi đã có khuyến cáo với bà con, đặc biệt là đối với các em học sinh không được vượt sông mỗi khi nước lớn. Ước mơ về một cây cầu bao giờ cũng hiển hiện đối với bà con nơi đây”- ông Hôih Bảy, Chủ tịch UBND xã Arooih cho biết.

Hiện nay, toàn thôn có 11 em nhỏ đang phải hàng ngày băng sông để theo học cái chữ. Đây là những em đã học lên đến lớp 6, phải qua học ở trường THCS Za Hung hoặc Trần Phú, còn lại ở thôn có một điểm trường dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3. Từ lớp 4 thì phải lên điểm trường ở trung tâm xã để học.

Phương tiện vượt sông của người Ka Đắp chỉ là những chiếc bè tre. “Mùa khô thì mới dám qua sông, chứ chỉ cần mưa lớn một chút thì chịu. Nước xiết lắm, bè tre không đi được...”- anh Riah Thuận cho biết.

Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: “Đây là thôn duy nhất của huyện bị cô lập vào mùa mưa bão, không có đường để giao thương với bên ngoài. Ai cũng mong muốn được làm cầu, bởi có được cây cầu thì đoạn đường nối với trung tâm huyện đối với Ka Đắp trở nên gần hơn bao giờ hết, người dân không phải đi đường vòng nữa. Nhưng kinh phí xây cầu quá lớn. Trước mắt, huyện đã huy động nguồn vốn để làm một tuyến đường giao thông dài 1,6km dọc theo đường Hồ Chí Minh cũ thông với thị trấn P’rao để giải quyết chuyện đi lại cho người dân...”- ông Tài cho biết.

Tuyến đường với kinh phí dự toán ban đầu gần 4 tỷ đồng, đã khởi công xây dựng từ ngày 8.6.2015. Người dân đã hiến đất, hoa màu của mình để tuyến đường nhanh chóng được hoàn thành. Mai kia mốt nọ, hình ảnh những chiếc bè chòng chành cố rướn mình vượt dòng A Vương sẽ không còn. Ngày mai, Ka Đắp sẽ thôi chia cắt.

TUỆ LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về Ka Đắp, mùa này…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO