Cách thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) về phía tây nam chừng 20km là khu du lịch sinh thái Khe Tân. Khe Tân vốn là một hồ nước khá rộng nằm ngay trên đầu hai xã Đại Thạnh và Đại Chánh. Cảnh trí núi rừng, khe suối của khu du lịch đại bộ phận nằm về phía tây và phía nam hồ Khe Tân. Men theo con đường phía Đại Thạnh để vào phía nam đập nước, du khách sẽ no mắt với bao nhiêu cảnh khe suối, núi rừng trùng điệp của Trường Sơn. Rừng An Bằng như một bàn tay chìa các ngón về phía hồ nước mà mỗi ngón là một dãy núi thấp, mỗi kẽ tay là một con suối đẹp. Nào là khe Mài, khe Dài, khe Cối, khe Khế… Khe suối nào cũng có hố sâu và rộng để ngâm mình. Dòng nước ngày đêm từ trên núi cao mang cái mát lạnh của mây trời leo qua các lèn đá nằm chắn giữa dòng tạo nên một màu trắng thác lãng mạn và những khúc nhạc rì rầm say đắm.
Một góc hồ Khe Tân. Ảnh: NHẬT DUY |
Ngược các dòng khe này, du khách sẽ gặp các điểm du lịch hấp dẫn như vũng Rùa, đập Hóc Tròn… Ngược sườn các dãy núi về phía thượng nguồn, khách sẽ được bồng bềnh trong mây trời dịu êm thanh thoát trên các đỉnh cao Ổ Cu, dốc Xối, trại Thượng, Dương Thông. Đặc biệt đỉnh Dương Thông to và cao trông giống như đỉnh Bà Nà. Trên ấy, đất tương đối bằng phẳng, được phủ một rừng thông với những cây cổ thụ và nhiệt độ thấp một cách lạ lùng. Đứng ở đây, khách có thể phóng tầm mắt nhìn ngắm thỏa thích đồi núi trùng điệp cảnh làng mạc yên bình. Dương Thông – “Bà Nà của Đại Lộc”, nằm kẹp sát giữa đập Khe Tân và sông Thu Bồn đủ điều kiện đáp ứng cho một khu du lịch nghỉ mát tốt mà du khách mong đợi.
Lội hết rừng An Bằng, thì đến một khu rừng sâu rộng và bí ẩn hơn, đó là rừng Phước Hương. Khu rừng này có hai con khe chạy dọc chiều đông tây vừa lớn vừa đẹp. Đó là Khe Tân và Khe Cái. Khe Tân nằm phía tây nam hồ chứa khá dài. Đập Khe Tân ngay buổi đầu được người Pháp thiết kế từ con khe này. Theo các kỹ sư Pháp, chỉ cần chắn cuối dòng khe này, nước cả hai khu rừng tích lại thành một hồ treo cao giữa sườn núi đủ sức tưới cho cả vùng B Đại Lộc. Sau ngày giải phóng, các nhà thiết kế đập đã đưa bờ chắn lui về phía hạ lưu chừng 3km ra đến tận giữa làng An Bằng (Đại Thạnh) và giữa làng Thạnh Tân (Đại Chánh). Do vậy, cao độ của mặt đập hạ xuống, mặt đập bây giờ thấp hơn đáy đập Pháp thiết kế trước đây, tuy nhiên lượng nước để tưới vẫn đủ và mặt hồ thì được mở rộng hơn ra gấp hàng chục lần tạo điều kiện tốt cho việc nuôi trồng thủy sản và khai thác du lịch. Trên dòng Khe Tân có rất nhiều cảnh lạ và đẹp như hang Giá, Lưỡi Liềm, bãi Đá, hố Xối, sình Trè, sườn Tranh, sườn Đá Lửa, Ụ Rơm… Mỗi vũng mỗi đồi đều có vẻ đẹp quyến rũ riêng.
Đứng ở độ cao 530m của Ụ Rơm, du khách nhìn toàn cảnh khu du lịch Khe Tân hiện ra như một bức vẽ với các gam màu của nước hồ, đảo cây, sườn núi, khe suối, và bờ đập. Hai dãy núi Thọ Lâm và Hữu Niên cao vọi nối thành một bức tường dài hàng chục dặm từ rừng Quế Sơn đến mỏ than Ngọc Kinh, mái núi thoai thoải hứng nước đổ vào đập. Từ đỉnh Ụ Rơm băng xuống chòi Sen - nơi chân núi đón du khách từ dưới đập theo con khe Cái ngược vào để cùng đi ngoạn cảnh. Từ chòi Sen, bước qua khe Cái leo lên mái rừng Thọ Lâm, vào du ngoạn trại Tiền, một cảnh đẹp tương truyền là chỗ ở của tiên, khách mặc sức say sưa đắm đuối. Lên tiếp là Ba Hang, tha hồ dò dẫm len lỏi với những hang động kỳ thú, bí ẩn. Rồi trèo dốc Gió, rúc Cửa Lò, lên đỉnh hòn Cối với độ cao 1.008m, ngất ngưởng cùng ngọn núi cao đẹp nhất vùng và nhấm nháp từng ngụm rét.
Với nhiều cảnh đẹp của trời mây, núi rừng, khe suối, hồ chứa Khe Tân là một khu du lịch sinh thái đầy triển vọng.
NGÔ HÀ PHƯƠNG