Kỳ Anh là một xã anh hùng của tỉnh Quảng Nam thời chống Mỹ. Bây giờ đất Kỳ Anh cũ phân chia các địa bàn thuộc 3 xã Tam Thăng, Tam Thanh và Tam Phú của TP.Tam Kỳ. Nghe nhiều chuyện về Kỳ Anh đã lâu nhưng nay tôi mới được đến lần đầu.
Nhà văn Đỗ Xuân Đồng, tác giả tiểu thuyết “Cây dừng thiêng” (NXB Quân đội nhân dân, năm 2008) là dân Kỳ Anh (nay thôn anh thuộc về xã Tam Phú), đang công tác ở văn phòng đại diện Ngân hàng Công thương tại miền Trung đã đưa chúng tôi về thăm Kỳ Anh. Trên xe có chị Tám Lý, nguyên cán bộ ở Ban dân y Quảng Nam; chị Xuân, nguyên cán bộ Hội phụ nữ Bắc Tam Kỳ; anh Luân, cán bộ ngành điện lực vừa mới về hưu. Đỗ Xuân Đồng vạch ngay một kế hoạch đi tham quan từ trên xe. Chị Xuân, người thôn Thạch Tân xin tình nguyện lo việc tìm người dẫn đường để chúng tôi thăm địa đạo huyền thoại ở Kỳ Anh…
Địa đạo ở thôn Thạch Tân
Trong chống Mỹ, ở Kỳ Anh đều có địa đạo luồn từ thôn này đến thôn nọ. Nhưng vì đây là vùng cát nên sau này, ở nhiều nơi địa đạo bị sụp hết. Bây giờ, chỉ còn địa đạo ở thôn Thạch Tân. Bà con kể rằng, địa đạo ở đây vẫn còn vì dưới lớp cát là lớp đất dẻo (đất đá ong) nên địa đạo không sụp được. Những cụ già râu tóc bạc phơ trầm trồ rằng, dưới lòng đất này còn chi chít các nhánh địa đạo và rủ chúng tôi xuống thăm lại, ở trong lòng đất mát lắm. Có một điều bất ngờ, mà ngày xưa địch không hề biết, đó là miệng hầm chính của địa đạo nằm ngay dưới chân tường đình Thạch Tân, để rồi từ đó kéo ra nhiều nhánh khắp làng. Thời ấy, đình Thạch Tân bị hư hỏng nhiều, ngói vỡ, tường sụp từng mảng. Có ai ngờ đâu, dưới một mảng tường đổ lại là miệng hầm chính của địa đạo. Bà con trong làng bắt đầu đào địa đạo từ đầu năm 1965, khi Mỹ vào. Từ khi có địa đạo, lúc giặc càn đến, cán bộ, du kích của xã và cấp trên về công tác chui xuống địa đạo và sẽ “nổi” lên ở khu vực nào đó để đánh địch rồi “lặn” xuống. Ban đầu, hầm địa đạo chưa chia ngách mà chỉ đào vòng quanh làng. Vì thế, có một lần, địch tìm được một miệng hầm, đã hun khói làm chết ngạt 15 người. Từ đó, bà con và anh em du kích, cán bộ rút kinh nghiệm: cần làm rẽ nhiều nhánh, nhiều ngách. Khi giặc hun khói, ta bịt lại từng ngách, nên tránh ngạt thở. Vào năm 1968, có một tên đào ngũ ở đơn vị V12 (bộ đội huyện Bắc Tam Kỳ) dẫn địch lên chỉ một cửa hầm địa đạo. Địch tập trung quân đánh suốt một ngày nhưng không sao tiêu diệt “cộng sản”, đã phải rút.
Dân Kỳ Anh từ già đến trẻ luôn bảo vệ địa đạo. Đỗ Xuân Đồng kể rằng, có một lần, địch bắt đứa em họ của anh chỉ hầm chúng sẽ thưởng. Em nói: “Dạ cháu còn nhỏ không biết gì”. Chúng biết sẽ không khai thác được gì, đã tra tấn em hộc máu mũi, máu miệng, gãy cả mấy xương sườn em vẫn một mực: “Tôi không biết, tôi không biết”. Chúng đã giận dữ xả súng bắn em chết.
Trong những năm sau này, khi xóm làng bị phá trụi, những cán bộ, du kích vẫn nhờ địa đạo mà bám trụ. Những người dân địa phương bị dồn vào các khu dồn, khi đi làm đồng vẫn tìm cách liên lạc đem lương thực tiếp tế. Cán bộ, du kích, ngày ở hầm, đến đêm lại lên gặp gỡ bà con, đánh địch. Bọn biệt lập đóng trên nổng cát ở Kim Đới luôn kinh hồn bạt vía khi bị vấp mìn trên đường càn quét, có khi bị mìn nổ ngay ở chân đồn, lúc ăn lúc ngủ đều nơm nớp lo sợ.
Đất mẹ Kỳ Anh vẫn âm thầm che giấu đàn con trong những căn hầm địa đạo.
Bây giờ, đình Thạch Tân đã được sửa lại, khang trang, đẹp đẽ, là nơi thờ cúng của làng. Bên cạnh đình, bà con đang xây một cái giếng to để lấy nước uống. Riêng miệng hầm chính của địa đạo đã được sửa lại. Người ta trám xi măng để đất khỏi trùi, có dựng một cái thang để bước xuống. Theo một thanh niên rọi đèn pin đi trước, Đỗ Xuân Đồng và chúng tôi xuống địa đạo, đi một đoạn, hưởng cái mát mẻ khi trên mặt hầm cát trưa nóng hực…
Nổng cây dừng thiêng
Nhà văn Đỗ Xuân Đồng còn nhớ rằng, khi còn nhỏ, ba anh đi tập kết, nhà khó khăn quá, mẹ gửi anh về ở với bà ngoại tại thôn Kim Đới, cách nhà bốn cây số để học ở trường tiểu học.
Từ làng của Đồng về nhà bà ngoại phải qua một nổng cát rộng không một bóng cây. Sát rìa làng mới có những bụi sim, bụi móc và lác đác dăm ba cây dương liễu còi cọc. Xen giữa những bụi cây ấy là vô số ngôi mộ xây, mộ đất nằm ngang dọc. Mùa hè, gió cát bay mù mịt, nhất là những cơn gió xoáy cuốn tròn cao hàng chục mét rồi đổ xuống phủ tối tăm mặt mũi những ai có việc phải đi qua đó. Nhiều hôm, trời nắng như đổ lửa, khi qua động cát phải chạy lúp xúp rồi đứng lại dúi chân xuống dưới lớp cát nóng cho đỡ bỏng, tốt nhất là cầm theo tàu chuối, chạy một đoạn đặt xuống để chân lên nghỉ rồi phóng tiếp. Còn vào mùa mưa, gió thông thốc thổi từ biển vào làm rát cả mặt, người đi ngả nghiêng theo gió, có lúc đang đi phải ngồi thụp xuống để tránh gió mạnh. Điều kỳ lạ nhất là giữa nổng cát trống trải hiện lên một cây dừng đứng chơ vơ, đơn độc. Nó có từ thời nào chẳng ai biết rõ, vì thế dân làng thường gọi đây là nổng Cây Dừng. Nhiều cụ già kể rằng: Vào những năm 1470 - 1472, vua Lê Thánh Tông trên đường chinh Nam bằng đội chiến thuyền, khi đi qua vùng biển này thì đúng vào lúc hoàng hôn, cảnh vật rất đẹp. Nhà vua thi sĩ cảm hứng ra lệnh cho chiến thuyền dừng lại để tướng sĩ nghỉ ngơi qua đêm. Khi đội thuyền dừng lại, nhà vua nhìn về phía tây thấy một dãi cát trắng phau chạy dọc theo bờ biển nhấp nhô như sóng lượn. Trên đỉnh đồi, có một cây to, cành lá sum sê đứng hiên ngang như thách thức với đất trời. Bỗng nhiên, nhà vua thấy một luồng ánh sáng màu hồng rực rỡ từ phía tây chiếu thẳng vào cây, tỏa ra như ánh hào quang rực rỡ. Nhà vua quyết định lên đến nơi xem sự thể. Nhà vua cưỡi con ngựa hồng mao lúc nào đi chinh chiến cũng mang theo phóng lên đỉnh đồi. Khi vua đến nơi, luồng ánh sáng trên cây vụt tắt. Con ngựa hồng hí lên một tiếng vang dậy trời đất. Từ trong thân cây, một con hồng mao khác y hệt con ngựa nhà vua vụt bay ra, nhằm thẳng hướng nam kéo theo vầng hào quang rực rỡ. Cũng ngay lúc đó, con ngựa của nhà vua quỵ bốn chân xuống, lún dần lún dần vào lòng cát. Hiểu ngay ý trời, nhà vua quay lại chiến thuyền và đốc quân sĩ hành quân tức tốc.
Cây dừng thiêng này có thân xù xì, to đến hai người ôm, vươn cao hàng chục mét. Tán cây rộng, che mát cả một vùng. Có lời truyền rằng, ai đến đây nghỉ mát đều phải lạy ba lạy rồi nói: “Nơi đây bóng cả che đời. Con xin ngồi nghỉ cho vơi nhọc nhằn”. Nếu không, nghỉ xong, khi về sẽ bị cây “quở trách” gây đau ốm, bệnh tật.
(Còn nữa)
Bút ký của THANH QUẾ