Về Kỳ Anh (Tiếp theo và hết)

Bút ký của THANH QUẾ 27/05/2014 08:44

  • Về Kỳ Anh

Vào những năm 1969 - 1970, giặc quyết liệt “bình định” Kỳ Anh. Chúng lập vành đai trắng, san bằng tất cả. Chúng đã đốn cây dừng. Hôm ấy trời đang nắng như thiêu như đốt bỗng từ đâu mây đen ùn tới, sấm nổ đùng đùng. Khi mây tan mọi người thấy từ hướng tây một quầng ánh sáng màu hồng chiếu thắng vào đỉnh đồi có cây dừng vừa bị chặt. Mọi người xì xào: “Ánh sáng từ phía tây, phía cách mạng, ta sắp thắng lợi rồi!”.

Từ khi cây dừng bị đốn, chẳng rõ “hồn cây” quở trách gì mà những tên địch đã đốn cây đâm hoang mang lo sợ. Chuyện rằng, có một tên lính biệt lập giữa trưa đi ngang qua đỉnh đồi, bỗng dưng bị lún chân, rồi cả người bị vùi chôn trong cát. Nghe đồng bọn chết, ba bốn tên biệt lập nghênh ngang, xông lên đỉnh đồi thử ma quỷ dám làm gì, tới gần cây dừng cũ bỗng bị mìn clay-mo nổ, quạt chết cả 3 tên. Lại có chuyện rằng, một đêm bọn biệt lập đi phục kích về, qua nổng cát bỗng thấy nhiều bóng ma từ gốc cây dừng bò ra, sợ quá, cả đám bỏ chạy. Một tên chạy chậm quá, bị ma bắt mất tích… Chẳng rõ đó là chuyện thật hay huyền thoại mới xuất hiện từ khi cây dừng bị giặc đốn. Chỉ biết rằng, từ sau ngày giải phóng, từ gốc cây dừng còn sót lại sau khi bị đốn bỗng bật lên những cành lá, từ đó đến nay, một cây dừng con lớn lên, chưa bằng cây dừng mẹ, nhưng đã tỏa bóng mát chung quanh khi trưa nay chúng tôi dừng lại nghỉ…

Huyền tích ở Ngọc Mỹ

Làng Ngọc Mỹ, xã Kỳ Anh, có chiều dài gần một cây số rưỡi, bề ngang khoảng 200m. Trong làng, những ngôi nhà tranh, nhà ngói nép mình trong những lũy tre xanh. Phía trước làng, về hướng tây nam là cánh đồng lúa rộng hơn vài chục héc ta. Đi hết cánh đồng là đến chân núi Cấm cách núi An Hà về phía bắc khoảng gần một cây số. Núi An Hà cây cối xanh tốt còn núi Cấm cây cối thưa thớt, đất đỏ quạch như một cái đầu trọc to đùng. Hai hòn núi đứng cô đơn giữa bốn bề khu dân cư, đồng lúa… Thời chiến tranh, bọn Mỹ - ngụy đã đóng đồn ở núi Cấm, án ngữ phía đông thị xã Tam Kỳ, với một đại đội pháo 105 ly, dây thép gai bao bọc dày đặc cùng hệ thống lô cốt, hầm hào kiên cố.

Núi Cấm và núi An Hà mang trong lòng nó biết bao huyền thoại.

Chuyện rằng, trong làng có một đạo sĩ tên Lánh biết nhiều phép thuật cưỡi mây lướt gió. Một lần ông lên vùng núi Chúa để du ngoạn, thấy có hai hòn núi nằm kề nhau hình thù rất đẹp, cây cối um tùm, cành lá sum sê. Ông nảy ra ý định mang 2 hòn núi về làm bình phong che chắn gió và che lấp bớt cát khô cháy ở nơi đây. Ông lấy dây mây trên núi làm thành đôi gióng gánh về. Khi tới cánh đồng nằm giữa hai sông Trường Giang và Bàn Thạch gió bỗng nổi lên đùng đùng, hai dòng sông cuộn sóng như 2 con rồng nổi lên kéo hai đầu gióng xuống. Gióng đứt, hai ngọn núi rơi xuống giữa đồng tạo thành núi Cấm và núi An Hà.

Phía tây bắc làng là đầm nước rộng hàng trăm héc ta gọi là Đồng Đầm, ăn thông ra sông Bàn Thạch.
Sau làng là nổng cát có cây dừng thiêng huyền bí đã kể.

Làng này có khoảng 80 gia đình. Trong những năm chống Mỹ chỉ còn ông bà già và trẻ con. Lứa thanh niên và trung niên đều đi bộ đội, du kích, cán bộ hoặc sống bất hợp pháp. Những người dân trong làng rất mực trung kiên, đùm bọc nuôi giấu cán bộ từ những năm Mỹ - ngụy thực hiện “tố cộng, diệt cộng”. Ngày nay, giữa làng Ngọc Mỹ có một đài tưởng niệm hàng trăm người đã hy sinh. Ngôi làng nhỏ đó có 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó có mẹ chị Tám Lý cùng ngồi xe với chúng tôi. Chị vừa thắp nhang trước đài tưởng niệm vừa bùi ngùi nói: “Cha tôi, anh và em tôi đã hy sinh trên mảnh đất này, hy sinh lúc tôi đi miền Bắc để chữa bệnh, tôi chẳng được nhìn mặt ai lần cuối, chẳng được chôn cất ai hết. Mẹ tôi một thân một mình…”.

Ngôi nhà kỳ lạ

Một buổi sáng pháo địch từ các nơi, kể cả pháo từ biển dội liên tục xuống ngôi làng nhỏ bé này. Trên nổng cát phía sau làng, xe tăng lúc nhúc bò vào. Trên trời, trực thăng vừa lượn vừa bắn rốc két, đại liên xuống làng. Sau những đợt bắn phá dữ dội, bọn địch từ núi Cấm ồ ạt tràn vào. Đến đầu làng, bọn chúng vướng mìn du kích làm mấy tên Mỹ, ngụy chết và bị thương. Bọn chúng hung hăng nhả đạn vào làng rồi dùng súng phun lửa và bắn pháo cấp tập để dọn đường. Du kích ta chiến đấu rất quyết liệt. Nhưng quân địch quá mạnh, ta phải rút xuống các hầm bí mật để giữ lực lượng.

Bọn địch tiến vào làng, dùng xăng đốt sạch nhà cửa, chuồng heo, chuồng bò. Một số tên cùng chó bẹc-giê sục tìm hầm bí mật. May mà anh em ta rải củ nén, thứ chó rất kỵ trên miệng hầm, nên không bị phát hiện. Không những đốt nhà, địch còn chặt tre, đốt bờ rào. Cả làng tan hoang như bị một trận bom B52. Riêng chỉ có một ngôi nhà kỳ lạ - nhà ông Hương Phòng, một cán bộ lão thành tham gia cách mạng từ trước năm 1945, sau năm 1954, ông bị địch bắt thủ tiêu - vẫn tồn tại. Tại đây, khi bọn lính cầm cây bùi nhùi tẩm xăng mồi lửa đưa lên đốt nhà là tay chân chúng run lẩy bẩy, bùi nhùi rớt xuống đất, đầu chúng choáng váng muốn ngất xỉu. Hết tên này đến tên khác xông vào định đốt nhà đều bị “chứng” kỳ lạ ấy. Chúng sợ quá phải lùi ra.

Lúc bấy giờ, tên chỉ huy ra lệnh: “Chặt lùm tre trước nhà để phát quang, không cho bọn du kích làm hầm bí mật”. Theo lệnh, một số tên cầm rựa xông vào bụi tre. Nhưng rựa bỗng tuột ra khỏi tay chúng, tên nào tên nấy thấy lạnh buốt ở xương sống nên phải lùi xa bụi tre mới khỏi… Vậy nên ngôi nhà ấy vẫn đứng hiên ngang giữa một vùng trơ trụi. Bà con trong làng xì xào: “Ông Hương Phòng “sống khôn, thác thiêng” nên đã hiện hồn về bảo vệ ngôi nhà mình đó”.

Suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà đơn độc đó vẫn tồn tại giữa làng Ngọc Mỹ. Nhiều lần bọn địch đến đây định đốt phá nhưng lại gặp “chứng lạ” như trên nên đành để đó. Vì thế, nhiều cán bộ, du kích về đây đào hầm trú ngay dưới nền nhà và trong vườn nhà ông Hương Phòng.

Đến hôm nay, lúc tôi về thăm, ngôi nhà cũ được sửa chữa, sơn quét lại vẫn còn đứng đó như thách thức với mưa dông nắng lửa, như tấm lòng, ý chí kiên trung, bất khuất của người dân làng Ngọc Mỹ, xã Kỳ Anh, một trong những vùng đất anh hùng của tỉnh Quảng Nam…

Bút ký của THANH QUẾ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về Kỳ Anh (Tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO