Về lại Quảng Nam...

THANH XUÂN 08/09/2022 06:29

Một cuộc gặp mặt xúc động của cựu chiến binh các đơn vị thuộc Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ cứu nước đã diễn ra vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2.9 vừa qua. Đất Quảng một lần nữa được đón nhận những người con từ đất Bắc trở về.

Cựu chiến binh về chiến trường xưa ở đồi Toàn, Tiên Phước.
Cựu chiến binh về chiến trường xưa ở đồi Toàn, Tiên Phước.

Chiến thắng nào mà không có hy sinh, trong đoàn quân đi giải phóng miền Nam ngày ấy, chỉ rất ít người còn sống trở về. Những chàng trai, cô gái ngã xuống trên mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn nhưng nơi này đã hóa thành quê hương, là đất mẹ Tổ quốc Việt Nam.

Dù đã hy sinh hay may mắn còn sống, những người con đất Bắc đã là con một nhà của người xứ Quảng, để trong niềm vui sau nhiều năm giải phóng họ về với Quảng Nam như về với mẹ thân yêu.

Ký ức vì miền Nam ruột thịt

Trở về với Quảng Nam trong lần gặp mặt này, những người con đất Bắc năm xưa nay cũng đã ở vào cái tuổi chặng cuối đời người. Các cụ giờ mỗi người một phương nhưng đã trở về với đất Quảng ngay khi còn có thể để được gặp lại đồng chí đồng đội.

Đã đi qua chiến tranh, qua hơn 47 năm hòa bình, những chàng trai của hơn nửa thế kỷ trước nay đã trở thành các cụ, tay run, mắt mờ, giọng nói nhiều khi đứt quãng nhưng những câu chuyện của họ thì vẫn như mới hôm qua.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên (quê ở xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) nhập ngũ năm 1969 và lên đường vào Quảng Nam tháng 3.1970, biên chế vào Tiểu đoàn pháo binh 74 - Tỉnh đội Quảng Nam.

Ông vẫn còn nhớ như in khó khăn gian khổ tại chiến trường Quảng Nam: “Nói đến Quảng Nam là tôi nhớ đến 4 điều. Đó là đói, lạc, sợ và nếu tinh thần không vững thì mình sẽ trở thành kẻ đào ngũ. Và chính từ chiến trường Quảng Nam này dạy cho tôi một cách sống, một nghị lực để đến khi hoàn thành nhiệm vụ trở về lại quê nhà tôi không còn nuối tiếc điều gì nữa”.

Với khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt, mà giai đoạn ác liệt nhất là từ năm 1965, miền Bắc đã trở thành hậu phương lớn của miền Nam, để “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường miền Nam.

Giai đoạn đó, miền Bắc đã đưa hơn 300.000 cán bộ, bộ đội vào Nam tham gia chiến đấu. Trong đó đã có rất nhiều người tham gia trên chiến trường Quảng Nam. Ngày ấy họ mới tuổi mười bảy, đôi mươi, được biên chế vào các đơn vị bộ đội của tỉnh như Tiểu đoàn 11, Tiểu đoàn 70, 72, 74…, đóng quân ở vùng núi Tây Nam, nơi nước độc rừng thiêng, thiếu thốn về mọi mặt.

Thế nhưng với tâm thế “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, thế hệ thanh niên miền Bắc ngày ấy đã dám “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mỗi huân huy chương đỏ thắm treo trên ngực áo bộ đội là mỗi chiến công, là mỗi lần đổ máu, là để lại một phần thân thể trên chiến trường để làm nên những chiến thắng lẫy lừng.

Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa. Ảnh: T.X
Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa. Ảnh: T.X

“Đất đã hóa tâm hồn”...

Ông Nguyễn Văn Ngọ (thương binh hạng 2, quê ở tỉnh Hà Nam) được biên chế vào Tiểu đoàn 72 - Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ. Ông đã cùng đồng đội chiến đấu nhiều trận và đã để lại trên chiến trường một phần thân thể của mình.

“Sau khi đánh rất nhiều trận thì trận cuối cùng là trận chiến chiến đấu vào năm 1973 ở xã Bình Sa, huyện Thăng Bình và tôi bị thương mất một chân. Thời kỳ chiến đấu ở Quảng Nam tất cả anh em tuổi còn trẻ, chiến đấu với tinh thần không sợ chết. Thế rồi chiến tranh ác liệt, anh thì hy sinh, anh thì bị thương, người may mắn lắm mới được lành lặn trở về. Bây giờ về lại Quảng Nam, thấy đất Quảng thay đổi phát triển, chúng tôi rất vui mừng” - ông Ngọ nói.

Vùng Sơn - Cẩm - Hà (nay là các xã Tiên Cẩm, Tiên Sơn, Tiên Hà huyện Tiên Phước) là nơi đóng chân của các đơn vị bộ đội tỉnh thời chống Mỹ, cảnh vật đã có nhiều đổi thay và ngày càng phát triển. Những khởi sắc của vùng đất từng là chiến trường xưa khiến các cựu binh không khỏi xúc động, tự hào. Bởi trong sự đổi thay ấy có phần máu xương của bao thế hệ cha anh.

Ông Trần Văn Giống (Tiểu đoàn 72, Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ) bồi hồi xúc động: “Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”. Thế nên với Quảng Nam, chúng tôi không chỉ ở mà chiến đấu sát cánh cùng dân, quân Quảng Nam. Chúng tôi nhớ những ngày gian khổ, ăn từng hạt gạo, củ sắn củ khoai của đồng bào Quảng Nam nên chúng tôi rất xúc động. Về lại với Quảng Nam là về lại quê hương thứ hai của chúng tôi”.

Với nghĩa tình đồng đội sắt son, Ban liên lạc Tiểu đoàn 74 Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ cứu nước gồm những người dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn quyết tâm tổ chức chương trình gặp mặt các đơn vị để đồng chí đồng đội được hạnh ngộ.

Ông Nguyễn Xuân Khả - nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 74, Tỉnh đội Quảng Nam thời chống Mỹ và là Trưởng ban liên lạc Tiểu đoàn 74 hiện ở TP.Tam Kỳ, nói: “Với tâm nguyện vì nghĩa tình đồng đội, vì anh em ngày càng lớn tuổi, khó có thể được gặp lại nhau nên chúng tôi quyết tâm tổ chức gặp mặt lần này. Và cũng mong muốn sau mỗi lần gặp mặt, anh em động viên nhau tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trong mọi lĩnh vực đời sống”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về lại Quảng Nam...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO