Không lạ gì với các làng nghề nước mắm, nhưng ngay khi đặt chân vào Làng Chài Xưa - bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam đặt tại Phan Thiết, không dưng lại dậy lên niềm xúc động khó tả...
Có lẽ cách người Phan Thiết làm du lịch sẽ khiến nhiều người mê đi... quay trở lại. Bạn tôi dùng cụm “đến nơi đến chốn” để tỏ bày cảm nghĩ về vùng đất Chăm xưa này tiếp đãi khách phương xa.
Bảo tàng độc đáo
Trên một khu đất rộng, vốn dĩ là đất cũ của làng nghề mắm tại khu vực Phú Hài (Phan Thiết), Bảo tàng Làng Chài Xưa với tổng diện tích 1.600m2 và phân chia thành 14 không gian nhỏ với từng chủ đề riêng biệt.
Một làng chài Phan Thiết xưa, có tuổi chừng 300 năm, được tái hiện sống động theo chiều dọc thời gian, từ thời Champa, vua Nguyễn, thời Pháp thuộc và những thập niên 40 - 60 của thế kỷ 20.
Một lời giới thiệu cuốn hút từ tập cataloge đặt trong chỗ lưu trú: “Tại Bảo tàng Làng Chài Xưa, du khách không chỉ được ngắm nhìn các di vật mà còn được tương tác nhập vai làm dân chài lưới cá, đóng vai diêm dân trên những cánh đồng muối, thăm phố cổ Phan Thiết 300 năm, ghé nhà hàm hộ (đại gia nước mắm) xưa, khám phá nguồn gốc quy trình làm nước mắm, tên gọi nước mắm ngày xưa, lý do có tên gọi “nước mắm” như hiện nay”.
Và chúng tôi thật sự ngỡ ngàng với một bộ phim tài liệu được quay dựng công phu và chiếu ngay lúc du khách đặt chân vào bảo tàng. Đây chính là bước đầu tiên để du khách có thể hiểu cả quá trình và lai lịch của nghề làm mắm tại Phan Thiết, trước khi bước vào không gian sống động của hiện vật.
Câu chuyện của chủ nhân Bảo tàng Làng Chài Xưa cũng dễ khiến người ta xúc động. Một tiến sĩ kinh tế sau nhiều năm dong ruổi toàn cầu, quyết định trở về quê nhà, dựng lại... lịch sử nghề mắm làng mình.
Tiến sĩ Trần Ngọc Dũng - chủ nhân Bảo tàng Làng Chài Xưa, trong lời chia sẻ với báo giới, cho rằng nghề làm nước mắm hơn 300 năm qua đã gắn bó với lịch sử phát triển, với văn hóa Phan Thiết, không thể nào mất trắng.
Những nghiên cứu liên tục về các xu hướng phục hồi nghề truyền thống ở Pháp, Ý, Úc, Nhật và ông cho rằng, một bài học đáng giá là phải truyền tải cho được câu chuyện đặc sắc về lịch sử hình thành của chính sản phẩm, hay đúng hơn, nước mắm Phan Thiết phải có câu chuyện của riêng mình. Câu chuyện này được gói ghém trong một không gian lưu giữ mang tên Bảo tàng Làng Chài Xưa.
Người ta được tận mắt nhìn lại những hiện vật xưa của người Chăm trên đất này, lai lịch ngôi tháp Pô Sah Inư, những dáng hình người đàn bà Chăm xưa với cái cách ủ chượp truyền thống cho đến kỹ nghệ làm mắm trong thùng lều gỗ của người Kinh...
Mang về những hương vị
Lạ lùng thay, ở ngay không gian bảo tàng, người ta chứng kiến sự hồi sinh của thương hiệu “Nước mắm tĩn” - một loại nước mắm đã tạo nên huyền thoại theo những chiếc ghe bầu có mặt trên nhiều vùng đất Đông Nam Á.
Từ hơn 300 năm trước khi người dân làng chài xưa tại Phan Thiết thời bấy giờ kéo rút nước mắm rin nguyên chất (mắm nhỉ nước đầu tiên) từ thùng lều gỗ cho vào cái tĩn gốm (bình gốm) chở ghe bầu bán chạy nhất Việt Nam.
Chưa kể, cùng với hàng ngàn cổ vật, Bảo tàng Làng Chài Xưa còn xây dựng thêm nhà hát Fisherman Show - Huyền thoại Làng Chài - tái hiện sự tích cá Ông và cuộc sống ngư phủ bằng loại hình múa hát đương đại.
Mỗi du khách sau khi kết thúc tour tham quan bảo tàng sẽ được tặng kèm những chai mắm tĩn bé bằng một nắm tay - vừa đủ để vặn nắp ra thì hương bay ngào ngạt. Từ mùi hương này, sẽ kích thích họ móc hầu bao chi cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết. Để thấy Phan Thiết đang định hình du lịch với nhiều sản phẩm đa dạng, không chỉ riêng có đồi cát hay bãi biển.
Tôi bất chợt nhớ lại những lần về Cửa Khe - làng nghề nước mắm của xứ biển Quảng Nam. Đã có rất nhiều kỳ vọng, hoài bão của người trẻ ở đây về câu chuyện làm du lịch từ tài nguyên bản địa của quê mình. Nhưng hình như, bao năm qua, câu chuyện về nước mắm Cửa Khe vẫn chưa thể chuyển tải đến du khách, theo cách làm du lịch chuyên nghiệp và khoa học.
Tiềm năng khách du lịch của Cửa Khe khá lớn khi vị trí làng chài thuận lợi cho những kết nối tour tuyến từ Đà Nẵng, Hội An. Nhưng loanh quanh Cửa Khe, vẫn chỉ dừng ở bãi biển. Câu chuyện nước mắm xứ Trung Bộ này vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Cuối tháng 4 vừa rồi, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối từ miền Nam về Bình Thuận chính thức thông xe. Và trong những ngày đầu hè, nườm nượp xe du lịch biển số TP.Hồ Chí Minh đổ về vùng đất này.
Phan Thiết được định hướng sẽ phát triển thành đô thị du lịch biển tầm cỡ quốc gia, trước những thuận lợi về hạ tầng giao thông đang hoàn thiện, đây sẽ là điều nhanh chóng được hiện thực hóa.