Tôi phải mất đến hơn 5 năm để viết được truyện ngắn “Chạp mả” in trong cuốn “Thằng nớ con nhà ai”. Thời gian dài ấy là những câu chuyện về tổ tiên, về các giai thoại trong các họ tộc của làng được nghe kể lại. Mỗi cá thể trong tộc họ không bao giờ là vô danh trong mối ràng buộc huyết thống, để mỗi tộc họ lớn lên cùng làng nước. Chạp mả cũng là cơ hội để các đời con cháu cùng nhau đi viếng, tu sửa mộ tổ tiên, ông bà rồi quây quần bên nhau để tìm biết mối liên quan thân thích, tạo ra hòa khí.
Chuyện xưa
Phan Kế Bính khi viết “Phong tục Việt Nam”, ông chỉ đề cập ngày Tết Thanh minh mà Tố Như tiên sinh đã nhắc “Thanh minh trong tiết tháng ba” theo tục Tàu trong Truyện Kiều. Tài tử giai nhân đi tảo mộ trong hội “đạp thanh” chứ không dùng khái niệm “Chạp mả” như người Quảng. “Tảo mộ là đi thăm mộ tiền nhân, cỏ rậm thì phát cho quang, đất khuyết thì đắp bồi lên, rồi về nhà làm cỗ cúng gia tiên”. Điều này tương ứng với chạp mả ở Quảng Nam và Đàng Trong. Phan Kế Bính cũng nhắc đến các tộc họ đi đắp mả tổ và lễ hợp kỵ: “Đến tháng Chạp lại có một tuần hợp tế các tổ tông trong họ tộc, thì cũng họp đông như giỗ tổ…”. Ở vùng Điện Bàn, thường ngày này được các tộc họ chọn vào ngày Đông chí, gọi là chạp mả tộc. Nói chung, ở xứ Quảng, ngoài một số địa phương vẫn thực hiện vào tháng ba âm lịch, còn đại đa số thường tổ chức từ tháng 10 âm lịch đến những ngày gần Tết Nguyên đán. Có lẽ đây là chọn lựa phù hợp với giai đoạn nông nhàn, trước khi vụ canh tác đông xuân bắt đầu và cũng với niềm tin rằng con cháu đón năm mới thì cũng phải lo cho ông bà như vậy!
Ông bà, con cháu quây quần bên nhau gói bánh chuẩn bị cho ngày chạp mả. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Theo các nhà nghiên cứu phong thủy, tục tảo mộ cuối năm không chỉ là một phong tục phổ biến của người dân Việt khắp mọi miền đất nước mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc. Những dòng tộc lớn thường quy định rất cụ thể trong gia phả về ngày chạp mả như một truyền thống để con cháu ở các thế hệ sau tiếp tục thực hiện nhằm thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết đồng thời cũng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Có nơi quy định ngay trong các tộc ước về ngày chạp mả tộc trước rồi mới đến chạp mả ở từng chi phái và gia đình sau đó, để tỏ sự tôn kính trên dưới.
Làng tôi có câu chuyện cảm động thời chiến tranh. Hồi đó, nhiều gia đình tản mác đi khắp nơi để lánh nạn bom rơi đạn lạc, khi đi các nhà trưởng nam thường mang theo gia phả, lư hương, chân đèn bằng đồng ra lập bàn thờ tạm tại chỗ ở mới. Mỗi xóm chỉ còn lại năm ba hộ bám trụ. Cho nên vào ngày chạp mả, chỉ làm được vài mâm cơm cúng và quy tụ không nhiều bà con ngoài thành phố. Việc giẫy (sửa sang, dọn cỏ…) mả tổ tiên, ông bà giao hẳn cho những người bám trụ. Trong thời chiến, việc làm này cũng không chu đáo, chỉ giẫy qua quýt rồi đốt vài nén hương vào buổi sáng. Nhiều gia đình ở lại nông thôn, đa số là những người lớn tuổi, vào dịp chạp mả thường phải đi giẫy mả nhà mình, vừa phải thăm viếng, hương khói cho gia đình bên vợ, thật cảm động và âm thầm. Do vậy những câu chuyện kể ông bà, tổ tiên cũng dễ bị quên lãng…
Chuyện nay
Khi hòa bình lập lại và nhất là từ sau đổi mới, các tộc họ và cả chi phái đều đã xây dựng lại nhà thờ và cả sửa sang mồ mả tổ tiên khá khang trang. Do đó, ngày chạp mả, con cháu thường quay về làng khá đông. Việc giẫy mả đã bớt nặng nhọc hơn nên sau việc cúng bái tổ tiên ở nhà thờ, phần hội chiếm khá nhiều thời gian và rộn ràng hơn cả. Có những gia đình, chi phái đông con cháu nội ngoại, phải dựng thêm rạp, thuê thêm bàn ghế mới đủ chỗ. Có nơi mua bò, heo về mổ mới đủ phần ăn. Nhiều gia đình giàu có, sau tiệc còn có liên hoan ca nhạc, karaoke vui vẻ.
Ở huyện Thăng Bình, tôi được dự một ngày hợp kỵ một tộc, không những có cả con cháu đi làm ăn xa quay về, mà còn ra mắt cả “câu lạc bộ các nàng dâu” với chương trình phát học bổng và văn nghệ phong phú. Trong ngày chạp mả cuối năm, nhiều tộc họ hoặc chi phái còn lên kế hoạch hoạt động cho năm tới về khuyến học, về tôn tạo mồ mả tổ tiên, sửa chữa từ đường khá nền nếp. Trong các mâm tiệc, thường con cháu vui vẻ vừa đủ, mà dành nhiều thời gian để giới thiệu nhân thân, nghề nghiệp, học hành của các con cháu nội ngoại để mọi người đều biết. Có một trường hợp hy hữu: Trong một lần chạp mả, một đôi trai gái yêu nhau cùng đưa về dự và đã được các cụ già phát hiện là cận huyết thống, không thể nào “kết chỉ xe duyên” được. Hai bạn trẻ này và gia đình đã phải chấp hành…
Đó là những nét đẹp văn hóa tộc họ mà ngày nay chúng ta còn giữ được và cần được phát huy. Tộc họ đoàn kết là cơ sở cho làng xã vững mạnh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những mặt cần được xem xét, điều chỉnh. Trước hết là mức đóng góp vật chất cho những lễ hội này cần được tính toán hợp lý để vừa sức những hộ nông dân sinh sống tại làng, để tránh tình cảnh xảy ra so bì hay mặc cảm tự ti của những hộ nghèo. Việc ngày nay có nhiều nơi đốt vàng mã, giấy tiền vàng bạc, có cả đô la lên đến bạc triệu cũng là một lãng phí cần điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc ăn uống no say cũng đã xảy ra những trường hợp cãi vã, khích bác lẫn nhau gây mất tình toàn kết. Cụ Phan Kế Bính viết Phong tục Việt Nam từ những năm 1913-1914 mà cũng đã dự báo những chuyện này. Bên cạnh việc tỏ bày lòng thành kính, cụ Phan Kế Bính luôn khuyên người đương thời nên lấy sự tiết kiệm và lòng khoan hòa mà đối đãi lẫn nhau. Đã hơn một thế kỷ trôi qua, những lời khuyên ấy vẫn còn mang tính thời sự là vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG