Thay vì đi du lịch hay dành trọn thời gian cho những trò vui chơi giải trí, sum vầy cùng người thân, bạn bè, tết năm nay nhiều người đã bỏ phố về quê để tìm học lại những nghi lễ truyền thống của dân tộc, như một cách để “hành hương”, “về nguồn” cho tâm hồn mình...
Suốt từ 30 tháng Chạp cho đến hết Tết Ất Mùi, tại khắp các đình, chùa, nhà thờ chi phái, tộc họ đâu đâu cũng tưng bừng cờ xí và nhộn nhịp người vào ra. Trong dòng người đi lễ ấy dễ thấy những người vừa từ nơi xa trở về, với một chút mãn nguyện, một chút hồi hộp, một chút lóng ngóng... trên gương mặt, trong cử chỉ, hành động. Ông Lê Phước Chỉ, hiện sống ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tuổi đã ngoài 60, dù đã rất nhiều lần về thăm quê Đại Cường (Đại Lộc) nhưng lần nào cũng vậy, hễ bước chân ra tới đình làng là tim cứ đập rộn lên. Ông giải thích: “Vì đình làng là chốn linh thiêng, là nơi có rất nhiều bài học làm người cực kỳ tinh tế mà mình học cả đời không hết. Thêm nữa, đó còn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm của một thời tuổi nhỏ ở quê nhà, nhìn thấy đình là như thấy cả một ký ức, không xúc động sao được”. Cũng vì lẽ đó, tết này ông Chỉ dắt đứa cháu nội mới hơn 10 tuổi về quê. “Để thằng nhỏ nhận biết quê hương và học dần dần những lề thói, lễ nghi làng nước...” - ông Chỉ nói.
Ngày tết là dịp tốt nhất để mọi người tìm về, học tập và thực hành các nghi lễ truyền thống. Ảnh: P.C.A |
Không chỉ có những người lớn tuổi mới cất công tìm về họ mạc, xó làng, tham gia các cuộc “hành hương” cho tâm hồn dịp tết này còn có cả những người trẻ tuổi. Ví như anh Phan Vũ Huy Thịnh, 20 tuổi, hiện sinh sống tại Biên Hòa, từng 3 lần về quê nội, nhưng năm nay là lần đầu tiên anh dành hẳn 10 ngày để về Quảng Nam ăn tết. Trước tết, anh theo chân anh em họ tộc đi sửa sang mồ mả ông bà, thăm viếng bà con hàng xóm cũ của... cha mẹ mình. Ba ngày tết, “lịch” của anh kín mít: tham gia dâng hương và lễ tạ các bậc khai canh ở đình làng, viếng mộ ông bà tổ tiên, đi chùa lễ Phật, đi chúc tết các cụ cao niên trong làng và đặc biệt là phải đi thăm cho bằng hết bà con anh em trong họ... Nói về cái tết nhiều trải nghiệm này, anh Thịnh tâm sự: “Một cái tết quá vất vả nhưng bổ ích. Nhờ vậy mà tôi biết “bái” khác với “lạy” thế nào, biết đốt nến dâng hương, biết tôn ti trật tự trong gia tộc, biết thế nào là nghĩa xóm tình làng...”. Còn anh Nguyễn Công Toàn, 32 tuổi, lần đầu về quê nội Điện Bàn, đã dành hẳn ngày mùng Một để trực nhà thờ tộc, phụ giúp các cụ cao niên đốt nhang, pha trà, dâng lễ, tiếp khách. Anh kể, ngoài việc được các cụ chỉ bảo, phân lập ngôi thứ, nhận mặt họ hàng, suốt thời gian trực lễ ở nhà thờ tộc anh còn học được nhiều điều hay, từ cách chào hỏi, đi đứng, nói năng đến cách dâng hương, bái lạy... Anh Toàn cho biết thêm, gia đình anh ở TP.Hồ Chí Minh cũng có thờ vọng ông bà, lễ tết đều cúng kiếng đầy đủ, nhưng lễ bái bài bản và tươm tất như anh được chứng kiến trong lần về tết này thì chưa bao giờ. “Bây giờ thì tôi học thêm được chút ít lễ nghi rồi, sau này có dịp tôi lại về quê học tiếp, để khỏi thất lễ với tổ tiên, để mình không bị xa lạc với truyền thống họ tộc xóm làng...”.
BẢO ANH