Về làng Thanh Quýt

LÊ THÍ 02/09/2015 12:00

Làng Thanh Quýt nay thuộc xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn nổi tiếng không chỉ vì đang sở hữu 5 di tích văn hóa lịch sử mà còn rất nhiều điều đặc biệt khác.

Đình làng Thanh Quýt.
Đình làng Thanh Quýt.

Đôi nét lịch sử

Nhìn vào bề dày văn hóa người ta cứ nghĩ Thanh Quýt là một làng cổ của Quảng Nam ra đời vào thời Huyền Trân công chúa sang làm dâu Chiêm quốc năm 1306 hay ít ra là từ 1402 khi Hồ Hán Thương cử Phạm Nhữ Dực vào làm Chánh Đô án phủ sứ phủ Thăng Hoa khai khẩn vùng đất mới. Phần lớn các nghiên cứu đều cho rằng thủy tổ của 7 tộc họ lớn của làng (Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Văn, Nguyễn Bá…) đều là các quan đại thần theo Lê Thánh Tông trong cuộc bình Chiêm năm 1471 sau đó ở lại trấn nhậm vùng đất mới, lập nên làng Thanh Quýt. Vì thế lịch sử của làng chỉ mới bắt đầu từ giữa thế kỷ XV, chậm hơn so với một số làng khác gần một thế kỷ.

Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú khi nghiên cứu gia phả các tộc họ của Thanh Quýt chỉ thấy mới có 17, 18 đời và nhất là dựa vào giọng nói không giống các làng lân cận đã cho rằng làng được thành lập còn trễ hơn, vào đầu thế kỷ XVII, khi Nguyễn Hoàng vượt đèo Hải Vân vào Quảng Nam năm 1602 . Ông cho biết: “Khi các tộc họ vào Cẩm Sa và các vùng khác trong các năm từ 1402 đến 1471 thì đất Thanh Quýt người Chiêm đang ở. Và suốt 200 năm sau đó người Việt tôn trọng lãnh thổ của người Chiêm ở Thanh Quýt cho đến khi Nguyễn Hoàng vào Nam. Suốt 200 năm người Việt không xâm chiếm đất của người Chiêm đang ở mặc dầu họ phải ở nơi cát trắng khô cằn. Họ sống bên cạnh người Chiêm và không hề có ý định lấn đất dù họ nắm quyền lực. Ít ra là ở Thanh Quýt điều đó đã xảy ra” (Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb  Đà Nẵng năm 2012, trang 201). Luận điểm của Hồ Trung Tú không được số đông chấp nhận nhất là những người Thanh Quýt vì họ cho rằng chưa nói sớm hơn nhưng từ năm 1553, Dương Văn An trong “Ô châu cận lục” đã cho biết Thanh Quýt là một trong 66 làng của huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong với tên gọi là Kim Quất. Đến Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” viết năm 1776 thì Thanh Quýt có tên là Thanh Quất, một trong 18 làng thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (chứ không phải Điện Bàn).

Dưới thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ Dinh Quảng Nam được viết năm Gia Long thứ X (1812) làng Thanh Quýt thuộc tổng Thanh Quýt Trung, huyện Diên Khánh (năm 1822 đổi thành huyện Diên Phước) phủ Điện Bàn. Dưới thời Khải Định vào năm 1918, làng Thanh Quýt là một trong 15 xã thuộc tổng Thanh Quýt (bỏ chữ Trung).

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) Thanh Quýt thuộc xã Thanh An, huyện Điện Bàn, đến năm 1946 sau lần hợp xã lần hai lại thuộc xã Điện Hòa. Sau năm 1954, thuộc xã Thanh Trường.

Sau năm 1975, Thanh Quýt lại thuộc xã Điện Thắng, một trong 16 đơn vị hành chánh của huyện Điện Bàn. Theo Nghị định số 85/2005/NĐ/CP ngày 7.7.2005 xã Điện Thắng được chia làm 3 xã Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam. Thanh Quýt nằm trong địa bàn xã Điện Thắng Trung.

Dấu ấn đặc thù

Vì sao làng vốn có tên Kim Quất, một tên gọi có gốc Hán Việt rất… sang trọng lại bị đổi thành Thanh Quýt, một từ Nôm thuần Việt mang tính bình dân? Vấn đề này được lý giải tương đối hợp lý là vì kỵ húy tên gọi Nguyễn Kim, thân phụ của Nguyễn Hoàng. Còn việc dùng từ Nôm thuần Việt mang tính bình dân hơn từ có gốc Hán Việt, mang tính bác học cũng là điều dễ hiểu vì đó là đặc điểm chung của người Quảng. Hồ Trung Tú cho rằng: “Có đến 1/3 từ gốc Hán Việt, hoặc hơn nữa đã không được người Quảng Nam sử dụng. Có nghĩa là người Quảng Nam không thích nói chữ, tức không thích dùng từ gốc Hán, từ trong sách vở mà thích dùng các từ bình dân, thuần Nôm, đơn giản, thô mộc” (Sđd trang 161).

Vào thời chúa Nguyễn, làng Thanh Quýt thuộc huyện Lễ Dương phủ Thăng Hoa chứ không phải là huyện nào khác của phủ Điện Bàn. Điều này góp phần củng cố thêm nhận định bản đồ hành chánh của Quảng Nam thời các chúa Nguyễn rất khác so với thời nhà Nguyễn. (Ngược lại một số làng của huyện Lễ Dương phủ Thăng Bình thời nhà Nguyễn như  Liễu Trì, Thanh Ly, Tiên Đóa, Tuân Nghĩa, Trà Đóa, Cẩm Lậu lại thuộc tổng Mông Lĩnh, huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn dưới thời chúa Nguyễn).

Có điều rất lạ là giọng nói của người Thanh Quýt. Đây là một “ốc đảo thổ ngữ Quảng Ngãi” giữa lòng Quảng Nam.  Làng Thanh Quýt có giọng nói không giống với các làng lân cận, thậm chí không giống với giọng nói của đa số làng của Quảng Nam. Họ không nói mi, tau, răng, rứa, mô, tê… mà lại nói mầy, tao, đâu, kia, sao, vậy… rất giống với giọng nói của người Quảng Ngãi, Bình Định. Người đầu tiên giải thích hiện tượng này là Hồ Trung Tú. Theo ông sở dĩ như vậy vì làng Thanh Quýt  mới được thành lập, sau năm 1602 nên họ chuyển sang nói tiếng Việt chậm hơn, gần như đồng thời với Quảng Ngãi.  Ông viết: “Bảy tộc tiền hiền Thanh Quýt đến Thanh Quýt khi mà chính quyền và người Việt đã khá ổn định và đông đúc ở các khu thị tứ dinh trấn như Hội An, Cẩm Sa, Thanh Khê và tiếng Việt đã khá phổ biến. Theo Ô châu cận lục và tự điển của Alexandre De Rhodes thì giọng Quảng Nam lúc này đã khá rõ nét. Tuy vậy có một số làng Chăm vẫn không chịu nói tiếng Việt. Và lúc này Nguyễn Hoàng vào (1558 hoặc 1602 - NV) cùng với những thiết chế chính quyền mạnh mẽ, họ mới chịu chuyển sang nói tiếng Việt… Và thời điểm làng Thanh Quýt chuyển sang nói tiếng Việt gần như đồng thời với Quảng Ngãi” (sđd trang 201) . Người ta khó chấp nhận việc làng Thanh Quýt thành lập từ sau năm 1602 nhưng lại dễ chấp nhận luận điểm của Hồ Trung Tú về “ốc đảo thổ ngữ Thanh Quýt” vì trước và sau ông chưa có người nào đưa ra lời giải thích hợp lý hơn.

Đậm đặc di tích

Điều đặc biệt nhất là hiện nay Thanh Quýt là làng có nhiều di tích lịch sử  nhất tỉnh, với 5 di tích trong đó có 1 là cấp quốc gia và 4 là cấp tỉnh. Di tích cấp quốc gia là lăng mộ của Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy (1727-1800), người  từng làm quan dưới cả hai thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, là thầy của Nguyễn Phúc Dương. Ông được nhân dân Điện Bàn tôn kính về tài năng, sự thanh liêm và lòng thương dân. Mộ ông được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005 và cấp Quốc gia năm 2013.

Lăng mộ cụ Trương Công Hy.
Lăng mộ cụ Trương Công Hy.

Bốn di tích lịch sử cấp tỉnh là Nhà thờ Tiền hiền tộc Trương Công, Lăng mộ của tiền hiền tộc Trương Công là Trương Công Trung, đình làng Thanh Quýt và nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

Đình làng Thanh Quýt là dấu tích ngôi đình được làm bằng tranh tre vào đầu thế kỷ XVI để ghi nhớ công ơn các vị tiền hiền, thành hoàng đã có công khai khẩn lập làng, cũng là nơi hội họp sinh hoạt văn hóa của làng. Ngôi đình đã đi cùng những thăng trầm của làng suốt hơn 500 năm qua (được công nhận ngày 25.5.2008).

Di tích Nhà thờ tộc Trương Công là nơi thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền của một tộc họ lớn có nhiều đóng góp cho làng. Di tích mộ tiền hiền tộc Trương Công làng Thanh Quý là một di tích lịch sử mang tính tín ngưỡng của người Việt, nơi an táng vị thủy tổ Tiền hiền của tộc là Trương Công Trung, người đã có công khai khẩn đất hoang lập nên làng Thanh Quýt (cả hai được công nhận ngày 31.3.2012).

Di tích nhà mẹ Nguyễn Thị Thứ - là nơi thờ, lưu giữ những hình ảnh về Bà mẹ VNAH đặc biệt, “người mẹ muôn đời”, người có chồng, 9 người con, 1 người rễ và 2 cháu ngoại là liệt sĩ (được công nhận ngày  30.12.2011). Hiện nay Nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi cũng đang được hoàn tất hồ sơ để công nhận là Di tích cấp tỉnh.

Trước 1975, ở Thanh Quýt còn có lăng mộ của Nguyễn Phúc Kỳ, con trai trưởng của Nguyễn Phúc Nguyên và Mạc Thị Giai. Ông là chồng của Tống Thị Toại - người phụ nữ đặc biệt, được mệnh danh là Kỳ nữ họ Tống, với nhan sắc tuyệt vời đã làm chao đảo cả hai phủ chúa Nguyễn lẫn Trịnh. Nguyễn Phúc Kỳ cũng là Tổng trấn Quảng Nam thời mở cửa với cảng thị sầm uất Hội An và sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Thanh Chiêm. Rất tiếc sau năm 1975, lăng bị xâm hại để lấy đất sản xuất nên con cháu tộc Nguyễn Phước phải dời về Duy Sơn Duy Xuyên. Nếu không Thanh Quýt có khả năng có thêm một di tích thứ 7!

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về làng Thanh Quýt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO