Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ (kỳ 1)

PHÚ BÌNH 10/01/2023 14:22

(QNO) - Trong hai năm 2021 và 2022, xuất hiện nhiều bài báo giới thiệu nghiên cứu của tác giả Nghiêm Thị Hằng (Hà Nội) về mộ phần nữ sĩ Hồ Xuân Hương và người chồng sau của bà - được cho là ông Trần Phúc Hiển, một người ở Đàng Trong, từng làm quan trên đất Bắc. Hai phần mộ này được tác giả Nghiêm Thị Hằng chỉ ra là hai ngôi mộ đang có ở phường Hòa Hương và phường An Sơn TP.Tam Kỳ. Đây là những suy đoán thiếu căn cứ, có thể dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc về hai ngôi mộ mang nhiều dấu tích văn hóa ở TP.Tam Kỳ.

KỲ1: ĐIỂM QUA NHỮNG “PHÁT HIỆN” VỀ MỘ NỮ SĨ HỌ HỒ

Đến nay, nhiều trang báo mạng đăng tải các bài viết giới thiệu nghiên cứu của tác giả Nghiêm Thị Hằng trong cuốn “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” do NXB Hồng Đức phát hành năm 2021. Trong đó có nội dung liên quan đến mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được cho là ở TP.Tam Kỳ.

 

1. Trong bài viết “Thân thế của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được giải mã...” đăng trên website báo Văn nghệ ngày 4/12/2021 tại địa chỉ “http://baovannghe.com.vn/than-the-cua-nu-si-ho-xuan-huong-duoc-giai-ma-tiep-theo-ky-truoc-24162.html” nêu:

“Theo một cứ liệu cổ nhất còn lưu giữ ở Viễn Đông Bác Cổ, là tập hán văn viết tay “Dương Hạo đỉnh tập quốc sử di biên” số hiệu A-1045, do Thám hoa Phan Thúc Trực, nguyên tên là Dương Hạo người Nghệ An biên soạn vào năm 1862 nói đến việc quan Tham hiệp - Yên Quảng là Trần Phúc Hiển, do tham ô bị Gia Long kết án tử hình năm 1819.

Theo đó sách của Dương Hạo viết: “Quan Tham hiệp có người vợ bé tên là Xuân Hương, giỏi về văn chương và chính trị. Bấy giờ nổi tiếng là thi nữ, quan Tham hiệp thường sai nàng vào việc quan. Viên án thủ Dung vốn sợ và ghét nàng”.

Theo Đại Nam thực lục chính biên (trang 565 quyển 22, NXB Giáo dục năm 2007) thì Trần Phúc Hiển là con tướng Trần Phúc Nhàn võ quan thời Chúa Nguyễn Ánh (tử trận khi đánh vào thành Phú Xuân). Năm 1803 Vua Gia Long đền ơn cho Phúc Nhàn, phong cho Phúc Hiển chức Hàn lâm thị thư, sau đó được thăng làm Tri phủ Tam Đái. Phúc Hiển là người miền Trong, khi ra nhậm chức Tri phủ Tam Đái vợ con vẫn ở trong quê”.

Từ kết luận chồng bà Hồ Xuân Hương chính là ông Trần Phúc Hiển, bài báo cho biết, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã vào Tam Kỳ - nơi mà bà Hằng tin là quê của ông Hiển - để tìm mộ ông Trần Phúc Hiển và vợ thứ là Hồ Xuân Hương.

Và, cũng theo bài báo, bằng nhiều phương pháp khảo sát - kể cả tâm linh - bà Hằng đã kết luận: Ngôi mộ cổ ở phường An Sơn, TP.Tam Kỳ có tấm bia mang tên Huỳnh Hoàn Nhân chính là mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương được di dời về từ đất Bắc (và ngôi mộ bà họ Phan bên cạnh chính là mộ bà vợ cả của ông Trần Phúc Hiển).

2. Dẫn theo bài viết “Thân thế của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được giải mã...”, quá trình tìm mộ ông Trần Phúc Hiển trên trang Văn chương thành phố Hồ Chí Minh, tại địa chỉ “https://vanchuongthanhphohochiminh.vn/than-the-cua-nu-si-ho-xuan-huong-duoc-giai-ma” có đoạn như sau:

“Trước khi vào Tam Kỳ tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương và mộ ông Trần Phúc Hiển, tác giả đã nghiên cứu kỹ những ngôi mộ cổ gần 200 năm vô thừa nhận ở phường An Sơn và ngôi mộ Giày Thầy Lánh đầy màu sắc huyền thoại ở phường Hòa Hương.

Sau khi được cán bộ UBND phường Hòa Hương đưa đến viếng thăm ngôi mộ Giày Thầy Lánh vào cuối chiều ngày 30/12/2020, tác giả nhận định đây không phải là mộ chôn chiếc giày của Thầy Lánh theo huyền thoại mà dưới mộ là con người thật mang tên Nguyễn Đức Thêm và có hậu duệ ở làng Diêm Điềm, huyện Núi Thành thờ cúng.

Từ phát hiện này tác giả được chỉ dẫn đến thắp hương tại nhà thờ cổ (gần 200 năm) ở thôn Bản Long, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, thờ cúng cụ Nguyễn Đức Thêm. Tại nhà thờ cổ họ Nguyễn, tác giả đã gặp ông Nguyễn Văn Phúc hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Đức Thêm. Ông Phúc có người con trai là Nguyễn Trần Vĩnh Hiển.

Thêm một bí ẩn nữa được phát lộ, tác giả đang đi tìm phần mộ của cụ Trần Phúc Hiển, về chính ngôi nhà thờ cụ Nguyễn Đức Thêm, lại gặp hậu duệ của cụ (bố tên Phúc - con tên Hiển) như điềm báo đã tìm đúng hậu duệ của cụ Trần Phúc Hiển.

Sau khi cụ Trần Phúc Hiển là tội phạm của triều đình bị xử tội chết, thì con cháu đã đổi họ từ Trần sang Nguyễn, nhưng đến đời hậu duệ thứ 6, con ông Nguyễn Văn Phúc thì lại lấy họ Trần ghép sau họ Nguyễn để lại dấu tích người họ Trần”.

Sau tóm tắt trên, bài báo cho biết: “Từ đây những bí ẩn về dòng họ Trần, họ Nguyễn, từ Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam mở đất thế kỷ 16, được phong là Tiền hiền của làng Tam Kỳ cổ, có liên quan đến phần mộ tộc Trần và mộ Giày Thầy Lánh được làm sáng tỏ.

Mộ Giày Thầy Lánh được giải mã là mộ cụ Trần Phúc Hiển chôn ở bãi Sơn, trước khu lăng mộ tiền hiền họ Trần làng Tam Kỳ, được kiểm chứng đúng như thông tin của bà Nguyễn Thị Thùy chỉ dẫn. Mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương chôn ở phường An Sơn mang tên Huỳnh Hoàn Nhân có minh bia chữ hán ghi năm xây mộ 1850, đúng như thông tin của cô Trương Thị Diệp và bà Nguyễn Thị Thùy đã đưa ra từ tháng 8 và tháng 12/2020”.

Bài báo không cho biết các cô Trương Thị Diệp và Nguyễn Thị Thùy là ai?

3. Đáng quan tâm còn phải kể đến bài viết “Bước tiến quan trọng nghiên cứu thân thế cuộc đời nữ sĩ Hồ xuân Hương” của PGS-TS. Vũ Nho đăng trên trang “https://cand.com.vn/Ly-luan/buoc-tien-quan-trong-nghien-cuu-than-the-cuoc-doi-nu-si-ho-xuan-huong-i643533”.

Bài viết có đoạn:

“Một điểm đóng góp quan trọng nữa trong cuốn sách này là tác giả Nghiêm Thị Hằng đã “giải mã” nhân vật Mai Sơn Phủ, một người theo đuổi Hồ Xuân Hương là ai… Tác giả đã dựa vào câu thơ “Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu” trong bài thơ “Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn Phủ” để tìm ra quê của Mai Sơn Phủ là Tam Kỳ. Từ đó suy ra Mai Sơn Phủ chính là Trần Phúc Hiển. Ông đã lấy tên Mai của Xuân Hương (Hồ Phi Mai), ghép với danh xưng Trấn Sơn Tây, nơi ông làm Tri phủ Tam Đái thành biệt danh Mai Sơn Phủ.

Phần thứ tư của cuốn sách kể lại quá trình đi tìm mộ Hồ Xuân Hương. Tác giả đã nêu nguyên nhân vì sao cuộc tìm mộ nhà thơ Hồ Xuân Hương năm 2003 của con cháu không thành công. Với những cứ liệu lịch sử cùng với sự giúp đỡ của những người có khả năng đặc biệt, thấu thính, thấu thị, Nghiêm Thị Hằng đã xác định ngôi “Mộ Giày Thầy Lánh” chính là ngôi mộ ông Trần Phúc Hiển.

Còn hai ngôi mộ ghi số 1850 và 1857 (năm dựng bia trên hai ngôi mộ ở phường An Sơn TP.Tam Kỳ - NV chú thích) không có người hương khói với bài minh ghi là Huỳnh Hoàn Nhân và người đàn bà họ Phan đó là mộ Hồ Xuân Hương và mộ vợ cả ông Hiển. Lập luận của tác giả là khả thủ. Tuy nhiên, cần có sự khai quật ngôi mộ có số 1850 để khẳng định phán đoán của tác giả là chính xác”.

Ở trên, chúng tôi dẫn nguồn và trích dẫn một số nội dung trong 3 bài báo để giúp người đọc biết được những thông tin về việc tìm mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương và ông Trần Phúc Hiển ở Tam Kỳ cũng như những kết luận mà tác giả cuốn “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” đưa ra. Đây là những phát hiện chấn động! Nhưng sự thực có phải như vậy không, trong bài viết sau chúng tôi sẽ làm rõ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về mộ phần vợ chồng nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ: Phát hiện chấn động hay những suy đoán thiếu căn cứ (kỳ 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO