Về một bản Tuyên ngôn chống Mỹ năm 1968

ĐỖ HÙNG LUÂN 29/01/2018 09:18

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, tuy trải qua nhiều gian lao, ác liệt nhưng cuối cùng đã đem lại thắng lợi hoàn toàn. Chính là nhờ ở sức mạnh tổng hợp. Câu chuyện kể về một tổ chức sinh viên Huế, năm Mậu Thân 1968 đã làm được một việc, tuy nhỏ nhưng góp thêm vào sức mạnh tổng hợp đó.

Hội thảo khoa học về phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ tại các thành thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 do Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức năm 2012. Ảnh: T.NGỌC
Hội thảo khoa học về phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức và văn nghệ sĩ tại các thành thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 do Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) tổ chức năm 2012. Ảnh: T.NGỌC

Cuộc tiến công Tết Mậu Thân ở Huế kết thúc, quân giải phóng rút về căn cứ, một số sinh viên hoạt động trong tổ chức cách mạng đã bị lộ diện, phải rời thành phố lên rừng. Số không bị lộ tiếp tục hoạt động hợp pháp, nhưng cũng rất khó khăn, vì không liên lạc được với các lãnh đạo. Trong số ở lại có 3 sinh viên là đoàn viên cốt cán, gồm Lê Phước Á, Nguyễn Khả Lân và Phan Văn Hoàng. Các anh bị đứt nguồn thông tin, nên bí mật nghe đài Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh Giải phóng để nắm tình hình trong nước và thế giới, rồi phổ biến lại cho sinh viên - học sinh trong tổ chức.

Phan Văn Hoàng (người Đà Nẵng) - nay là tiến sĩ sử học, đang ở tại TP.Hồ Chí Minh - những năm đó học Ban Pháp văn tại Trường Đại học Sư phạm Huế, chơi thân với một người Pháp tên là Ghislain Bellorget. Ông Ghislain Bellorget từng dạy ở trường Blaise Pascal Đà Nẵng, sau đó nghỉ dạy để làm phóng viên cho các tờ báo khuynh tả của Pháp. Ông viết bài ký tên Vo Chinh Phu (vô chính phủ) để phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và bày tỏ thiện cảm với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, ủng hộ các phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên ở các đô thị miền Nam.

Sau Tết Mậu thân, hai đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và chính phủ Hoa Kỳ họp tại thủ đô Paris (Pháp) để thương thuyết. Trong lúc đó tại Carrara (Ý) sắp diễn ra Đại hội quốc tế Các tổ chức phi chính phủ (diễn ra từ 31.8 đến 5.9.1968) mà Ghislain Bellorget là một thành viên đến dự. Biết được tin này, nhóm sinh viên Lê Phước Á, Nguyễn Khả Lân và Phan Văn Hoàng không chờ đợi nối lại liên lạc với cấp trên để xin ý kiến, mà chớp thời cơ viết ngay bản “Tuyên ngôn chống Mỹ của các tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam” để kịp nhờ Ghislain Bellorget gửi đến đại hội quốc tế này. Bản tuyên ngôn viết bằng tiếng Việt dài khoảng 3 trang giấy, được dịch sang tiếng Pháp, nội dung kể về quá trình xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đã ủng hộ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm xé bỏ Hiệp định Giơnevơ, không chịu tổng tuyển cử thống nhất đất nước; tiếp tục ủng hộ các chế độ quân phiệt Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, đàn áp, khủng bố, bắt bớ tù đày những người yêu nước Việt Nam; đưa nửa triệu quân Mỹ đổ vào miền Nam, gây ra cuộc chiến vô cùng ác liệt. Bom đạn Mỹ trút xuống xóm làng, gây đau thương chết chóc và tàn phá ruộng vườn nhân dân Việt Nam...

Kết thúc bản tuyên ngôn là lời kêu gọi các đại biểu tham dự Đại hội Carrara cũng như những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, đòi Mỹ rút hết quân về nước, ủng hộ nhân dân Việt Nam chiến đấu cho độc lập, tự do, hòa bình trên đất nước Việt Nam.

Bản tuyên ngôn được trịnh trọng đọc trước đại hội và đã làm vang lên tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ của các đại biểu dự đại hội Carrara về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Đồng thời tác động mạnh tới dư luận quốc tế, đặc biệt đến cuộc hội đàm ở Paris… Bản Tuyên ngôn ký tên là “Liên hiệp các lực lượng Thanh niên - sinh viên - học sinh miền Nam Việt Nam chống Mỹ xâm lược” và đại diện ký là: Nguyễn Phan Lê (ghép họ: Nguyễn, Phan và Lê của Nguyễn Khả Lân, Phan Văn Hoàng, Lê Phước Á).

-----------------------
(Tài liệu tham khảo: Kỷ yếu “Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên - học sinh - sinh viên tại các thành thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975” - Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng)

ĐỖ HÙNG LUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về một bản Tuyên ngôn chống Mỹ năm 1968
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO