Sau hai lần tái bản cuốn “Có 500 năm như thế” nỗi thôi thúc tôi dai dẳng nhất là câu hỏi đã đặt ra trong sách: Người Chàm đã biến đi đâu sau khi Gia Long lên ngôi? Liệu chúng ta có thể vẽ lại cái mô hình da báo xen lẫn các làng Chàm - Việt vào giai đoạn như lúc Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam năm 1602 được không? Các tư liệu hầu như không còn, chính sách đề cao lễ giáo Nho gia của Minh Mạng “Cùng chung văn hóa, cùng chung luân lý” với những thiết chế mạnh mẽ như “Thập điều” buộc mọi người dân theo cùng một nền nếp chuẩn mực lễ tục văn hóa khiến người Chàm có ở lại nhiều bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ quên ngay gốc gác chỉ sau một hai thế hệ.
May mắn là gần đây, qua việc dịch và công bố tư liệu về địa bạ triều Nguyễn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chúng ta thấy khá nhiều vùng là man, sách, tộc, trại,... vốn là những đơn vị hành chính triều Nguyễn đặt ra để quản lý những dân tộc thiểu số. Thường các man, sách, động ở miền núi, đầu nguồn là nơi cư trú của các dân tộc miền núi; nhưng trong tư liệu địa bạ này, phần lớn việc kê khai đất đai đều lại thuộc vùng đồng bằng, đất đai thuần thục, vẫn có những man, sách, tộc nằm xen kẽ với những làng xã thuần Việt, hoặc Việt lâu đời đặt ra những vấn đề lý thú giúp giải đáp phần nào những ưu tư trên.
Trong các “man sách” được ghi trong địa bạ chúng tôi thấy “Phú Tài tứ chánh man sách” khá đặc biệt. Theo địa bạ, làng Phú Tài địa giới một mặt giáp sông Cẩm Lệ, 3 mặt còn lại giáp xã “Hóa Khuê Trung - Tây”, thuộc quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng nay. Có nghĩa là làng Phú Tài lọt thỏm giữa xã Hóa Khuê Trung Tây nhưng trong khi Hóa Khuê Trung Tây thuộc tổng Bình Thái Hạ, huyện Hòa Vang thì “Phú Tài tứ chánh man sách” lại thuộc về Thuộc Võng Nhi.
Điều lý thú là ngay gần đó, chỉ chừng 5 cây số đường chim bay, ta lại có một man sách nữa là Liên Trì Man Sách, nay thuộc phường Phong Lệ Bắc, huyện Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng). Đây là nơi có họ Ông nổi tiếng và gia phả của họ tự nhận rằng tiền hiền của họ là một người Chàm.
Theo Nguyễn Đình Đầu thì hai từ “man” và “mọi” đều cùng một nghĩa, nếu man là cách nói của người có chữ thì mọi là cách nói của đời sống cộng đồng, hoàn toàn không có nghĩa miệt thị như sau này nhiều người nghĩ.
Quang cảnh sông Cẩm Lệ hiện nay. |
Liệu có thể biết vào thời đó, tức lúc lập địa bạ năm 1812, những làng “man sách” này chiếm vị trí gì trong cộng đồng dân cư nói chung ở khu vực Đà Nẵng này không?
Năm 1888 Đà Nẵng mới thành thuộc địa của Pháp và bắt đầu xây dựng khu vực trung tâm thành phố như hiện nay, chứ lúc đó, 1812, thì khu vực sầm uất nhất của Đà Nẵng chính là bến đò Cẩm Lệ chứ không phải khu vực chợ Hàn chợ Cồn như hiện nay.
Để thêm hình dung về khu vực này chúng tôi xin giới thiệu hai tấm ảnh (1&2). Một do bác sĩ William Alexander (1767-1816) - bác sĩ, luật gia, họa sĩ, thành viên của phái bộ đi trên tàu của John Barrow vẽ bến đò Đò Xu, Cẩm Lệ năm 1793, nơi rất gần với khu vực làng “Phú Tài tứ chánh man sách”. Và một là bức bưu ảnh chụp một nhóm người An Nam ở Đà Nẵng năm 1906.
Ở ảnh 1, tác giả chú thích là thuyền bè trên sông Faifo, thế nhưng nhìn hình dáng các núi và thế sông cũng như logic về con đường thiên lý Bắc Nam phải băng qua sông Cẩm Lệ (trong Phủ biên tạp lục thuế đò bến sông Cẩm Lệ thu được cao nhất vùng Quảng Nam), và nhất là hai ngọn núi phía sau, một là Hòn Tàu và một là núi Chúa ta biết đó là vị trí nhìn ở ngã ba sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ và sông Hàn nay. Hình như con tàu của Barrow đã dừng ngay vị trí cầu Tuyên Sơn hiện nay để vẽ bến đò này.
Ở Hội An các ngọn núi này hiện ra với hình dáng khác đi nhiều.
Rõ ràng đây là một khu thị tứ đông đúc và sầm uất. Vấn đề đặt ra là tại sao một làng man lại nằm ngay cạnh cái bến đò thị tứ sầm uất này? Liệu chăng qua điều này chúng ta vẫn có thể hình dung được phần nào sự tôn trọng của người Việt đối với những cộng đồng dân tộc khác ở ngay bên cạnh mình.
Một câu hỏi khác cần phải trả lời là “Phú Tài tứ chánh man sách” ấy dân tộc nào lại định cư ngay trên điểm “yết hầu” của con đường cái quan huyết mạch Bắc Nam như vậy? Thật khó có thể nghĩ đó là một làng người Cơ Tu hoặc Mơ Nông ở giữa một làng Việt vào năm 1812 như vậy. Chưa có điều kiện để khảo sát thật kỹ làng Phú Tài này nhưng các tư liệu về làng Khuê Trung đều cho thấy đây là một điểm dân cư đông đúc của người Chăm xưa với dày đặc các phế tích Chăm như tháp Chăm Hóa Quê, giếng Chăm, bia Chăm Khuê Trung và ngay Man Sách Liên Trì ở cách đó vài cây số cũng vậy, nơi của họ Ông nổi tiếng và với phế tích ngôi tháp Phong Lệ lớn nhất Việt Nam vừa được phát hiện.
Trong sách “Di tích Chăm ở Đà Nẵng và những phát hiện mới” tác giả Võ Văn Thắng nhận định: “Các man, sách ở vùng đầu nguồn là nơi cư trú của các dân tộc miền núi; man sách ở ven sông, ven biển như “Phú Tài tứ chánh man sách” ắt phải là nơi cư trú các dân tộc miền biển”. Riêng tôi, với những cứ liệu có được, tôi nghĩ đó là một làng người Chăm vẫn bảo lưu lối sống của họ giữa một làng người Việt ở Khuê Trung cho đến lúc lập bộ địa bạ làng này vào năm 1812. Làng Phú Tài là một làng Chăm, không thể khác. Họ đã kiên trì gìn giữ ngôn ngữ, phong tục tập quán của dân tộc mình suốt từ 1306 cho đến lúc đó, 1812.
Và còn hơn thế nữa đến đầu thế kỷ 20, ở ảnh 2, chúng ta thấy hình như họ vẫn giữ gìn được những nét văn hóa bản sắc dân tộc mình chí ít là trong y phục cho dù dưới triều Nguyễn đã nhiều lần bắt dân mặc y phục theo quy định.
Liệu cách ăn cách ở, cái khẩu vị, cái yêu cái ghét của họ vẫn cứ còn đâu đó trong lối sống người Quảng Nam hôm nay; ngoài mắm cái mắm nêm tạo nên hồn cốt người Quảng Nam chắc chắn là của họ thì còn gì nữa mà sao họ như xa lạ với chúng ta hôm nay đến vậy?
HỒ TRUNG TÚ