Không biết tự lúc nào, làng Đại Bình (xã Quế Trung Nông Sơn) nổi tiếng là làng du lịch. Nhất là những năm gần đây, khách tham quan đến mỗi ngày một đông. Họ đến, rồi đi và để lại nhiều lời khen tặng, nhưng cũng không ít lời chê bai khiến người dân địa phương cảm thấy bẽ bàng.
“Nghe báo đài ca ngợi vậy, chớ Đại Bình có chi đâu tham quan!”. Thêm một ý kiến. Cũng đúng, không sai chút nào. Những ngày lễ vào dịp 8.3, hoặc 30.4, Đại Bình đón nhiều đoàn đến tham quan, có đoàn hơn một trăm người. Những dịp ấy không đúng mùa trái cây, trời lại nắng chang chang. Phụ nữ tham quan mang giày cao gót, mặc váy ôm mà đi lúc ban trưa thiệt là cực hình. Có đoàn không có tiền trạm, đi lang thang không có điểm dừng.
Bình yên làng quê Đại Bình. Ảnh: X.HIỀN |
Thêm một đoàn tham quan nữa về Đại Bình. “Vào coi thử làng văn hóa này như thế nào”. Khi biết tôi là người trong làng, bèn hỏi: “Chị ơi, nghe nói con gái Đại Bình đẹp lắm phải không?”. Tôi gật đầu mỉm cười. Du khách hỏi nhiều về văn hóa và con người nơi đây. Tôi khẳng định rằng: Con người quê tôi muôn đời vẫn thế: nghĩa tình - cần cù - chịu khó - nhân hậu - sẻ chia.
Tôi nợ làng quê tôi một đời không trả hết. Đợt trước khi bệnh nằm viện trở về, dân làng đến thăm tôi thật đông. Tôi xúc động vô cùng trước những lời hỏi thăm thân tình. Họ đem đến cho tôi nải chuối tiêu, năm ba quả cà chua, hộp sữa, chục trứng, hộp thuốc bổ… trong khi cuộc sống họ còn đầy khó khăn. Làng xóm quê tôi là vậy đó, mỗi khi ai đau ốm, cả làng rủ nhau đi thăm. Gia đình nào có tang, cả làng cùng chung tay lo hậu sự. Điều gì đã dưỡng nuôi tình cảm tốt đẹp đó? Phải chăng đó là tình quê một đời sâu nặng? Đó là tình làng nghĩa xóm có nhau “tối lửa tắt đèn”? Đúng như lời nhận xét của thầy giáo Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trong một lần về thăm Đại Bình: “Đi rất nhiều nơi, nhưng chúng tôi phát hiện nơi đây vẻ đẹp thầm lặng của một miền quê. Không tưởng tượng được đằng sau sự lam lũ, chân quê chứa đựng lòng người nhân hậu và một đời sống tinh thần phong phú đến như thế!”.
Đại Bình là một nơi chốn để đi về. Biết bao nhiêu cuộc ra đi, trở về, thành công, thất bại, nhưng mãi mãi nơi đó là chốn bình yên nhất để những đứa con lạc loài xa xứ quay về trú chân. Tôi là người ở lại, chập chững từng bước học tập cách sống bình dị, thật thà của người dân quê chân chất, nghĩa tình.
Một dấu hiệu khởi sắc, Đại Bình được chọn là làng du lịch sinh thái phía thượng nguồn. Với ý định tốt đẹp này, năm 2014 Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn Quảng Nam kết hợp với UBND huyện Nông Sơn tổ chức hội thảo ngay tại làng Đại Bình nhằm vạch ra phương hướng tốt cho làng du lịch sinh thái tồn tại. Trong buổi hội thảo đó có ý kiến của chính quyền địa phương, các nhà chuyên môn; đặc biệt là bài phát biểu của ông Hoàng Quy - đại diện nông dân làng Đại Bình, không chỉ thuyết phục hội thảo mà còn thể hiện được sự cảm kích của dân làng. Hội thảo thành công tốt đẹp, mang lại niềm tin, niềm hy vọng cho bà con.
Dân làng càng hy vọng hơn khi nghe Trưởng thôn mời họp bàn về việc xây dựng làng du lịch sinh thái, có lãnh đạo UBND xã, huyện về dự (vào tối 13.3.2015). Nhân dân đi dự rất đông. Nội dung cuộc họp được triển khai, trong đó có đề cập việc muốn có làng du lịch, trước tiên phải mở đường chính thành 6m. Lập tức cuộc họp có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng phần lớn bà con không thống nhất. Bởi lẽ, đường làng Đại Bình vốn dĩ rất đẹp, không hổ thẹn là một trong những làng quê đẹp của Quảng Nam, mà hàng chè tàu góp phần không nhỏ cho vẻ đẹp đó. Nếu mở đường, cảnh quan môi trường sẽ bị phá vỡ, đường làng rộng hoác, nửa quê, nửa tỉnh, không còn đẹp nữa, không còn có bóng cây che mát ngày nắng. Nếu trồng lại hàng chè tàu, không phải vài ba năm đã có thể phục hồi được. Với người nông dân, hàng chè tàu không chỉ trang điểm cho đường làng lối xóm, mà nó còn là ranh giới, là phạm vi bảo bọc, chở che cho ngôi nhà của họ từ nhiều đời nay. Nếu Nhà nước không có cách làm phù hợp, vĩnh viễn kế hoạch này không bao giờ thành công vì không được sự đồng thuận của nhân dân. Và làng du lịch sinh thái Đại Bình vẫn còn là ước mơ ở phía trước.
Nên chăng mở một con đường rộng hơn, lớn hơn, thoát khỏi phạm vi khu dân cư? Con đường này nếu mở đúng ở vị trí bờ rào ấp chiến lược khi xưa sẽ rất lý tưởng (cách phía sau Trường Tiểu học Đại Bình khoảng 20m). Ưu điểm dễ thấy của con đường này là việc bồi thường không đáng kể so với con đường chính. Nếu dự kiến này khả thi, đường điện cao thế sẽ dời về đường lớn này. Khu dân cư sẽ được mở rộng, đường dây hạ thế vào làng. Lúc bây giờ ta mới có thể phục hồi hàng cây ven đường. Tôi tin rằng nếu để dân làng vào cuộc như ước nguyện của họ, khoảng hai năm thôi đường làng Đại Bình sẽ rợp mát bóng cây như nguyên sơ của nó.
MẠC LY