"Về nghe đất gọi tên mình..."

BẢO ANH 28/07/2018 11:14

Giống như ở tập thơ “Vọng nguồn” xuất bản năm 2015 và được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam trao giải C ngay năm đó, xuyên suốt tập thơ “Giấc mơ màu diệp lục” (NXB Đà Nẵng, 2018) mà Đinh Huyền vừa ra mắt bạn đọc cũng đầy ắp những hoài niệm về quê hương xứ sở, về những tên đất, tên làng. Dù rằng, ở tập thơ mới này, bài thơ được dùng để làm tên chung cho cả tập lại có vẻ là một bài thơ tình hơn là một bài thơ về quê hương. Có lẽ, tình yêu riêng tư trai gái nơi anh đã quyện hòa vào tình yêu lớn lao hơn, là tình quê, tình đất; đã khắc tạc vào từng dáng núi, hình sông... Đó là nơi chốn sinh thành, để mỗi người được gọi tên: “Mẹ khảm vào đất đai lời ru xanh xứ sở/ Đất đai cho mùa màng ngọt thơm nuôi lớn hình hài/ Quê hương từ đó thành tên!” (Mẹ, giọt đàn bầu). Đó là nơi chốn để quay về đầy yêu thương, ấm áp: “Tôi về tìm lại cố hương/ Tôi tìm tôi cuối con đường nhân sinh/ Về nghe đất gọi tên mình/ Nén hương ngưỡng vọng tạ tình. Thưa quê!” (Cố hương).

Tập thơ Giấc mơ màu diệp lục.
Tập thơ Giấc mơ màu diệp lục.

Trong tập thơ “Giấc mơ màu diệp lục”, rất nhiều tên làng, tên đất ở khắp các vùng miền của quê hương chưa mưa đà thấm được gợi, được gọi, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. “Ngỡ không có gì để kể với em/ ngoài Trung Mang và những đồi chè ngát xanh/ một Y Kông tuyệt thác/ một Bhờ Hồng huyễn du” (Khúc sau mưa). Ấy vậy mà lạ thay, vẫn không thấy nhàm mà thấy thương, không thấy riêng tây nhỏ nhoi mà chan hòa, không thấy sự liệt kê cơ học mà miên man da diết... Như trong mấy câu thơ này, Đinh Huyền viết riêng cho “làng Hà Tân thương yêu” của anh, nhưng có thể “ráp” vào một cách vừa vặn, cả hình hài lẫn cảm xúc, với bất cứ một làng quê Việt nào: “Chỗ ta ngồi bây giờ là vạt nắng/ Hàng cây xanh bão lũ cuốn phăng rồi/ Bầy chim lạ thôi không về hót nữa/ Bến hoang buồn thuyền vắng giấc mơ trôi” (Bên bến sông xưa). Một nẻo quê riêng chừng như không còn riêng nữa khi mà những yêu thương và nhớ nhung đã thấm vào máu thịt trong mỗi phút giây làm người. Thấm và hằn sâu, đến mức “Ngày đi chưa trở lại/ con đường hoài thai ký ức dấu chân” (Nỗi nhớ màu thạch thảo).

Từ điểm nhìn hiện tại, Đinh Huyền thả trôi cảm xúc của mình ngược về quá khứ. Một bữa cơm nghèo nơi làng quê cũ. Một bát nước chè giữa trưa ở một bản làng vùng cao. Một bến đò ngày hai buổi xôn xao trên sông mẹ Thu Bồn... Tất cả được anh tái hiện khi sáng rõ, lúc xa vắng, trong thảng thốt, nhớ nhung, tiếc nuối... “Thôi thì gởi mộng trong mơ/ Gọi xa xưa gởi sông bờ phù sa/ Dẫu gì cũng nhạt mùa hoa/ Hương xưa còn lại chỉ là dư âm” (Hương xưa). Và, khi mà dòng chảy thời gian mỗi lúc một trôi xa hơn, nỗi khao khát, ý hướng ngược dòng nơi tâm hồn anh như càng thôi thúc, không nguôi: “Nhiều đêm mộng thấy bến quê/ Bờ lau bạc trắng tóc thề lãng du” (Thời gian).

Sinh năm 1955, không còn trẻ nữa để ngao du đây đó, Đinh Huyền đang mải miết quay về, cùng với ký ức và thơ. Ở đấy, sau những đổ vỡ và mất mát, anh đã và đang tìm ra được những hồi quang lấp lánh, tươi ròng, để dỗ lòng mình và để câu thơ cất lên hy vọng: “em đừng trách vì sao sông cạn/ ánh mặt trời kia đang soi lòng nhau đấy/ chúng ta còn hồ đầy nơi cửa sổ tâm hồn rợp biếc/ hãy cứ nhìn nhau gieo niềm tin về một thu đầy” (Giấc mơ màu diệp lục).

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Về nghe đất gọi tên mình..."
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO