Từ các nhóm của hội đồng hương, những hình ảnh, clip bà con Quảng Nam ở TP.Hồ Chí Minh lên xe để về nhà, làm nghẹn lòng người đi kẻ ở, lan đến cả bạn đọc...
Anh Võ Văn Hòa (quê tại Hương An, Quế Sơn) kể, đêm trước ngày về (đêm 21.7 - PV), cả nhà anh chộn rộn. Hai cô con gái Bảo Châu, Bảo Nhi chạy quanh khu nhà trọ để chào tạm biệt bạn. Vì các con sẽ về lại quê nội của mình.
“Mình làm sơn nước theo kiểu nhựt trình, ngày có ngày không. Ngày có cũng được 400 nghìn đồng. Còn vợ là giáo viên mầm non, gần 4 tháng nay nghỉ ở nhà rồi. Chừ bấn quá, mình lại vừa gãy tay. Hai đứa con nhỏ nữa. Cả nhà hết nguồn thu, lấy tiền tích góp sống qua ngày. Nên có thông tin tỉnh đón bà con về là mình đăng ký ngay” - anh Võ Văn Hòa nói.
“Về quê có thể vẫn khó khăn vì dịch bệnh đang xảy ra, rồi không biết cách ly xong làm gì để sống, nhưng vẫn thấy bình yên hơn”.
Bà Nguyễn Thị Sáu (quê Quế Sơn)
Hai vợ chồng gần như phải tiết kiệm từng ngày, đặc biệt từ lúc TP.Hồ Chí Minh bùng phát dịch. Ở trọ tại Bình Tân, mấy tháng nay, Diệp - vợ anh, nhận thêm hàng gia công về làm trong lúc trường cho nghỉ dạy.
“Nếu có việc làm thì tháng mình cũng có lương chừng 4,5 triệu đồng, đủ lo tiền sữa, tiền ăn cho 2 đứa nhỏ. Nhưng cuối tháng 5 tới chừ thì không có hàng để nhận làm thêm nữa, vì xưởng họ nói cũng không chạy hàng được. Hai vợ chồng lay lắt miết mấy tháng, cứ động viên nhau ráng ráng chờ hết dịch. Không ngờ dịch nặng hơn” - chị Nguyễn Thị Diệp, vợ anh kể.
Giữa tâm dịch, ở nơi mà cả xóm trọ hầu hết là công nhân, xung quanh các khu khác, gần như đều có F0. Khi nhận được thông báo của Hội đồng hương huyện Quế Sơn là cả nhà anh được về đợt này, hai vợ chồng vừa mừng vừa run. Cho đến khi cầm trên tay 4 tờ giấy xét nghiệm âm tính, cả nhà lại gần như không ngủ để chờ đến lúc lên xe. Cuộc chuyện trò của chúng tôi bị ngắt quãng liên tục bởi tiếng con bé khóc.
“Nó say xe. Nhưng nghe sắp đến nhà rồi, thì mừng lắm” - anh Hòa nói thêm. Xe đến Bình Định. Anh Hòa nhắn: “Còn khoảng hơn 5 tiếng nữa em tới Quế Sơn rồi chị!”. Ở quê nhà Hương An, anh Hòa nói, mẹ anh ở một mình đang ngóng đón các con về.
Sáng qua, TP.Hồ Chí Minh mưa nặng hạt. Ông Mai Phúc - Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam tại đây nói rằng chưa bao giờ quãng đường giữa các phường trong cùng một quận lại quanh co như vậy.
“Mới đêm qua còn đi được, sáng ra thì hẻm đối diện nhà mình bị phong tỏa. Nhiều bà con sáng nay không đến được điểm tập kết vì lệnh phong tỏa bất ngờ này” - ông Phúc nói. Rồi ông gửi chúng tôi từng hình ảnh bà con lên xe.
“Sáng sớm nay, anh em tình nguyện đã đến nhiều chỗ trọ của những người già, tàn tật... không tự di chuyển được để giúp chở họ đến điểm tập kết lên xe. Hôm qua thì anh em chở họ đi xét nghiệm” - giọng ông ngắt quãng.
Bà Lê Thị Phò, năm nay 71 tuổi (Hương An, Quế Sơn) sáng qua được chính Chủ tịch Hội đồng hương đến chở tới khu tập kết. Ông Phúc kể bà đi bán vé số, tối về nhà trọ. Khi TP.Hồ Chí Minh có lệnh cấm bán vé số, rồi thực hiện Chỉ thị 16, bà Phò càng khó khăn.
Ngay lúc Quảng Nam có chủ trương sẽ đón bà con quê hương trở về, ông Phúc nói, người đầu tiên ông nghĩ đến là những người già như bà Phò, bà Hồng - những người già ở quê vào làm thuê, giữ trẻ, bán vé số nơi đất khách...
Với những người còn ở lại TP.Hồ Chí Minh, Hội đồng hương Quảng Nam sẽ hỗ trợ mỗi người một phần quà trị giá 500 nghìn đồng. Và gần 4 nghìn phần quà như vậy, đang từng ngày tới với bà con đồng hương Quảng Nam ở tâm dịch.
Hôm nay, 23.7, cả 10 chuyến xe đón hơn 400 bà con các huyện Đại Lộc, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Nông Sơn, Hiệp Đức, Quế Sơn, Nam Bắc Trà My, Tiên Phước về đến quê nhà. Mừng mừng tủi tủi, dù khó khăn thế nào, như lời bà Nguyễn Thị Sáu - vào phụ bán mỳ Quảng trong này đã mấy năm, Sài Gòn là nơi mình bôn ba kiếm tiền, nhưng khi khốn khó nhứt, thì luôn nghĩ đến chuyện về quê.
“Về quê có thể vẫn khó khăn vì dịch bệnh đang xảy ra, rồi không biết cách ly xong làm gì để sống, nhưng vẫn thấy bình yên hơn” - bà Nguyễn Thị Sáu (Quế Sơn) chia sẻ với người viết.
Về nhà thôi!