Vẽ, như đan rổ

TRUNG VIỆT 02/01/2014 10:51

Tôi nghe họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói đã lâu, nhưng giờ mới tìm gặp. Ở thôn Đông An xã Quế Phước (Nông Sơn) này, người ta đều buông câu: “Vẽ đẹp lắm! Chị thứ năm, em thứ bảy, chị bày cho em, nhưng chị vẽ đẹp hơn”. Còn người mẹ thì nói: “Tiếc tài hắn không được đi học”...

Khác cảnh tượng tôi thấy ở những họa sĩ với giá vẽ, sơn, mực, ngồi chăm chú như thoát tục, chị đang vẽ trên nền nhà, ngồi xổm như đan rổ, xung quanh là đám con nít bu lại coi. Ngạc nhiên nhìn khách, tưởng là người đi thuê đặt vẽ. Chị là Trương Thị Năm. “Em vẽ từ năm 19 tuổi,  nay em đã 38 tuổi”. “Có học  trường nào không?”. “Học tư, thầy dạy cho ít”. “Vẽ chi là nhiều nhất?”. “Lúc đầu vẽ chân dung, bây giờ là phong cảnh”. “Chất liệu?”. “Dạ, sơn mài, sơn dầu, đen trắng”. “Nghe nói chị vẽ rồi mang xuống Hội An bán?”. “Dạ, ký gửi là chính, rồi người ta đặt mình vẽ”. Dưới nền gạch là bức đen trắng Chùa Cầu và cánh đồng, dòng sông với thuyền, cò bay màu sắc tươi mới. “Như bức này, bao nhiêu?”. “Em ký gửi 300 nghìn đồng/bức, còn họ bán bao nhiêu em không biết. Đen, trắng thì đắt hơn, khoảng 400 nghìn”. “Chị vẽ  bao nhiêu bức một tháng?”. “Ôi, làm răng em nhớ được, rồi cũng tùy vào nhu cầu khách, mùa khách du lịch nhiều nhất là từ tháng 9 đến tháng 2”. “Thu nhập nhiều không?”. “Dạ, cũng tùy”. “Ngoài vẽ, có làm chi nữa không?”. “Dạ không”.

Chị Trương Thị Năm với bức tranh đã hoàn thành.
Chị Trương Thị Năm với bức tranh đã hoàn thành.

Tôi nghe kiểu trả lời từ miệng người sáng tác nhẹ như đi cày, đan thúng mủng  này, là lần thứ hai. Cách đây mấy năm, tôi vào thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định, uống rượu với ông Tư Lương. Ông nội của ông là ông bầu gánh hát nổi tiếng vùng này, từng tiếp thi sĩ Tản Đà trên đường giang hồ ghé qua đây uống rượu rồi thưởng tiền cho con hát. Tư Lương già ốm, nhỏ thó, một con mắt bị hư, nhưng kể chuyện tiếu lâm cười ngả nhà. Đặc biệt, nghe anh em nói ông giỏi võ, nhưng cả ngày ngồi với ông, tôi chỉ nghe ông nói chuyện dạy bọn con nít, vì ở đây bà con thường cho con học với ông trước khi chính thức cho vào lớp 1. Ông  dọa: “Tụi bay lo mà học, cứ ngó tau đây, nhác học quá nên thầy đâm đui hết con mắt nè!”. Ông có thơ đăng báo Bình Định thường xuyên. Tôi hỏi: “Chú làm thơ nhiều không? Có đau khổ cho sáng tác không?”. Ông cười hà hà, tau không phải thi sĩ, tau chỉ lo một tháng đăng được ba bài là đủ trả tiền điện!

Chị Trương Thị Năm - “họa sĩ” nổi danh với nhân dân Quế Phước, Nông Sơn.Ảnh: Trung Việt
Chị Trương Thị Năm - “họa sĩ” nổi danh với nhân dân Quế Phước, Nông Sơn.Ảnh: Trung Việt

Phân tâm học, tâm lý học sáng tạo nghệ thuật đã nói chán chê về chuyện sáng tác, nhưng câu chuyện ham muốn thành danh đến mức cuồng, thì chẳng ai nói thấu đáo, vì nó thuộc về căn tính. Rồi cả chuyện môi trường học hành, sáng tạo sẽ giúp hay hại người sáng tác cũng đã dằng dặc với những khẳng định hoặc lời khuyên. Tính độc lập hay phụ thuộc trong sáng tạo, miễn nhiễm hay tạp nhiễm với hư danh, cũng đã nói mỏi miệng với bao tấn bi hài, mà rộ lên nhất là dịp cuối năm kết nạp hội viên trung ương, rồi giải thưởng này nọ… Sáng tác là nhu cầu nội tâm, dở - hay là do khiếu và nội lực. Tôi không bao giờ tin hội hè hay giải thưởng giải quyết được câu chuyện để đời hay bị “đời để” tác phẩm. Người sáng tác là người đã trưởng thành, ít nhiều va chạm với đời sống, biết rõ sự đời và tác phẩm như trò chơi vô tăm tích, chứ không phải trẻ con bi bô đến trường được cô cho phiếu bé ngoan là sướng tận cung trăng, ngày mai cố giật cờ tiếp. Xem viết, vẽ là phương tiện mưu sinh, coi nó như bất kỳ nghề khác, ở xứ mình xem ra còn ít lắm. Không sống nghề  khuân vác, công chức, thì viết, vẽ kiếm ăn, sạch sẽ, lương thiện như bao nghề lao lực lao tâm khác, cũng chẳng cần phải lên gân đau khổ hay sung sướng tột đỉnh. Nhưng ít có ai xem nó là chuyện trời đày thật sự, nói hay không nói cũng không thoát khỏi những đau đớn sáng tạo mà không thể ai chia sẻ được và cũng khó lìa bỏ được. Nói thẳng, ở ta, bệnh cầu danh, háo danh ở giới sáng tác lớn đến khủng, lắm khi bệnh hoạn. Ngay cả các vị trong tác phẩm của mình sổ toẹt trò chữ nghĩa nghệ thuật, coi nó là địa ngục giết người đầy hoang tưởng  và ma lực như ma túy, nhưng rồi sau đó lại dính vào vòng tròn ma thuật của cái gọi là “thử sức”. Giỏi truyện ngắn, thơ thì cứ làm đi, không  viết được nữa thì  gác bút, có chi mà xấu hổ, đằng này chuyển qua viết tiểu thuyết ba xu, phê bình nghiên cứu, bút ký “dở hơn dở nhà”, biến mình thành bia miệng cho thế gian.

Chị Năm nói: “Em ở trên núi, không làm ruộng rẫy thì vẽ. Ai cần, em vẽ bán kiếm tiền nuôi con, rứa thôi. Em quen phong cảnh rồi, nên cứ làm phong cảnh, thứ khác em không biết”. Thế thôi!

TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẽ, như đan rổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO