Về nơi đá dừng…

NAM KHUÊ 01/05/2022 09:09

Một bữa ngồi cà phê, người bạn quê miền Tây hỏi: “Quê mày đẹp hông, khi nào rủ nhau về Nông Sơn chơi!”. Mình nói với bạn rằng quê mình có núi, có sông, có những con đường chạy theo dáng hình chân núi, có những bãi bồi xanh ngắt ven sông. Cảnh quê sơn cước, hữu tình ấy khiến cho đá cũng phải dừng lại!

Phong cảnh hữu tình ở Hòn Kẽm Đá Dừng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Phong cảnh hữu tình ở Hòn Kẽm Đá Dừng. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Dòng Thu Bồn bắt nguồn từ đỉnh núi cao nhất nằm trên dãy Trường Sơn. Từ đỉnh Ngọc Linh ngàn năm, sông âm thầm lách giữa núi non cheo leo, hiểm trở để trườn mình qua Nam Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức.

Đến địa phận Nông Sơn quê mình, dòng sông như bị chặn đứng lại bởi những vách đá sừng sững, dòng chảy đột ngột bị thắt lại rồi ào ào tuôn chảy xuống hạ lưu. Người Quảng chèo thuyền trên sông, nhìn lên núi đá ngàn năm mà bùi ngùi: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ, quá chừng bậu ơi”.

Về quê mình đi, ngồi ca nô từ bến đò Trung Phước ngược dòng sông chảy bâng khuâng. Bến đò cũ càng, bình yên nằm đó bao đời. Đò từ Hội An cập bến Trung Phước mang theo cá mắm để rồi đò lại ăm ắp sản vật miền núi xuôi dòng.

Đứng ở bến đò, nhìn qua bên kia sông có thể thấy những bậc thang rêu phong dẫn lên cổng làng Đại Bình. Làng xanh rì cây trái, dựa lưng vào núi, ngó mặt ra sông. Nhớ nhắc ca nô chạy chậm thôi, để nhìn ngắm những nà ăm ắp đậu phụng, khoai lang, bắp, dâu… chạy dọc ven sông.

Núi Cà Tang u tịch nghiêng bóng xuống Thu Bồn. Mảnh đất này từng là nơi cộng sinh người Chăm và người Kinh. Những huyền tích, những nét văn hóa tưởng xa xăm lu mờ hóa ra vẫn luôn tồn tại. Dinh Bà Thu Bồn - thờ nữ tướng người Chăm nằm ở làng Trung An.

Mùa xuân khai hội, người dân long trọng làm lễ để tưởng nhớ ơn người có công hiển linh phò trợ. Theo nhà thơ Tường Linh, Cà Tang phiên âm theo tiếng Chăm có nghĩa là vách nhà, từng là hậu cứ vững chắc của người Chăm xưa...

Mỗi lần ngước đỉnh Cà Tang mình lại nhớ cụ Bùi Giáng. Cụ Bùi lên Cà Tang chăn dê chỉ chừng ba năm nhưng cả đời vẫn luôn đau đáu về cố quận: “Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”. Mà nào đâu riêng Bùi Giáng, đất này từng một thời gắn bó với Tường Linh, Tạ Ký, Khương Hữu Dụng, Hoàng Châu Ký…

Đò ngược dòng, qua làng Dùi Chiêng, lên thêm xíu nữa đi qua Tí, Sé, qua những địa danh như Đá Ngang, Nhũ Sơn, Thạch Bích… Và rồi, Hòn Kẽm Đá Dừng hiện ra với hai vách đá dựng đứng, sừng sững. Nơi dòng sông thắt nút cổ chai đó là điểm cuối của thượng nguồn Thu Bồn.

Ca nô dừng lại, giữa nguyên sơ đất trời mà thưởng thức cá sông nướng chấm muối ớt, tô mỳ Quảng hay ghé bãi bồi nào đó nổi lửa nướng gà thì còn gì bằng. Món ăn quê mình cũng mộc mạc, chân chất như người quê. Là tô canh sen - loài rau duy nhất có ở làng Đại Bình - nấu tôm ngọt lừ. Là mớ sùng đất lũ trẻ con đào được ngoài nà. Là chén bánh bèo, mớ nhộng tằm căng mình béo ngậy…

Về quê vừa ăn vừa nghe mấy cụ cao niên kể chuyện thời đèo Phường Rạnh đầy thú dữ, cọp beo. Nghe kể chuyện đêm đêm lập lòe ánh lửa bay từ đỉnh núi Chúa qua đỉnh Cà Tang mà bà con vẫn thường gọi là núi Ông, núi Bà. Về nơi đá dừng, mỗi địa danh, mỗi món ăn đều có biết bao nhiêu chuyện để kể, để thương!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về nơi đá dừng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO