Về quê

NGUYỄN NGỌC HẠNH 30/01/2016 08:44

Xưa nay, nhiều người đã từng viết về làng quê của mình. Mỗi người có một cách “về nguồn” khác nhau bằng chính ký ức và hoài niệm tuổi thơ mà họ đã mang theo suốt cuộc đời mình. Tôi vốn xa làng từ nhỏ, hình ảnh ngôi làng xưa bên dòng sông Vu Gia như một kỷ niệm khó  quên. Ai chẳng luôn nghĩ đến một tuổi thơ giàu có với nhiều kỷ niệm về làng quê của mình. Nhưng có lẽ chừng ấy thôi, chưa đủ. Điều quan trọng hơn là tùy ở khả năng lưu giữ nguyên vẹn hình ảnh trong ký ức của tuổi thơ và khả năng rung động trước những gì còn dự trữ trong ký ức về làng quê ấy.

Khe Lim, Đại Hồng. Ảnh: N.N.H
Khe Lim, Đại Hồng.

Nỗi nhớ làng luôn là tâm trạng khắc khoải, bồn chồn đến day dứt: “Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết/ Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê, bóng núi cứ chập chờn...”. Đấy là những câu thơ tôi viết đã lâu rồi. Viết về cái làng Đại Hồng nhỏ bé quê tôi. Một bên là núi non thơ mộng, nơi có thắng cảnh Bằng Am - Khe Lim nổi tiếng, bên kia là con sông Vu Gia hiền hòa chảy suốt tuổi thơ mình những năm tháng chiến tranh. Trong một góc nhỏ của ký ức, tôi vẫn luôn nhớ về làng quê ngày thơ bé với biết bao vui buồn. Những chuyến đò ngang mỗi ngày mẹ tôi tần tảo buôn gánh bán bưng để nuôi anh em tôi ăn học nên người.  Nhớ những gánh lòn bon trĩu nặng của các chàng trai nông dân ở làng tôi đi hái trái từ trên Hội Khách về. Loại trái cây đặc biệt này có vỏ màu vàng nhạt, ruột màu trắng gồm nhiều múi nhỏ và có vị ngọt lịm, đấy là đặc sản nổi tiếng của Đại Lộc quê tôi. Đến nơi đây, du khách thú vị biết nhường nào khi vừa thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái lòn bon đầu mùa, vừa nghe các cụ già kể lại truyền thuyết rất lý thú và hấp dẫn về Nguyễn Ánh, người đã gắn liền tên tuổi mình với loại trái cây này trong những ngày chạy nạn. Tôi được biết, mới đây, những địa danh như Bãi Quả, đường mòn Gia Long, Hội Khách... ở làng tôi đang được chính quyền địa phương có ý tưởng phục hồi “ngày hội xả vườn” để phát triển mở mang du lịch.

Thêm một hoài niệm khác về đặc sản của làng tôi. Ấy là sản phẩm bánh tráng cuốn. Tôi còn nhớ chiếc cối xay bột, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải bao quanh để mẹ tôi tráng bánh hằng ngày mang ra chợ bán. Ở làng tôi, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ tráng bánh và có thể tráng được theo kiểu “tay ngang” này. Bánh tráng có thể nhiều nơi đều có, nhưng ít nơi nào ngon bằng Đại Lộc; sản phẩm này đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng ở miền Trung.

Và dâu, tằm cũng là dấu ấn sâu đậm trong tuổi thơ tôi. Trong ký ức của mình, hình ảnh cha tôi lúc sinh thời, ông thường cho tằm ăn lá dâu. Lá dâu cho tằm ăn lúc tằm mới nở, phải là những lá dâu non, xắt thật nhỏ, nhuyễn như thuốc rê, được rải đều lên lớp tằm con. Đến khi tằm ăn ba, chỉ cần hái lá dâu về, rửa sạch, giũ cho khô, rải nguyên lá vào nong cho tằm ăn. Làng tôi vốn là một trong những vùng đất nổi tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tằm. Sau này, cứ mỗi lần về quê, ra đứng dọc bờ sông, hồi tưởng lại hình bóng cha tôi thời ấy, lúc ông ngồi bên ngọn đèn dầu hiu hắt để xắt lá dâu non cho tằm ăn khuya, tôi quặn lòng, không cầm được nước mắt.

Nhớ làng mình ngày ấy nghèo khó, càng thương cha mẹ đã bao năm vất vả, chẳng có một ngày vui, yên ấm. Những mơ ước nhỏ nhoi, ngày cha tôi còn sống, hằng đêm ông vẫn thầm mong. Mơ có một ngày con đường làng không còn lầy lội, ước ao chiếc cầu nhỏ sẽ bắc qua sông... Thế mà cho  đến khi nhắm mắt, vẫn chỉ là giấc mơ đối với người. Bây giờ mỗi lần về quê, chúng tôi chạy xe vun vút trên con đường 14B rộng thênh thang, trải nhựa êm ru nối làng quê của mình với phố thị thông qua chiếc cầu Hà Nha vừa đẹp lại vừa hiện đại, mới xây dựng trong vài năm gần đây, lòng bỗng gợi lên cồn cào nỗi ước mong ngày ấy của cha tôi.

Làng quê Đại Lộc.
Làng quê Đại Lộc.

Đại Lộc bây giờ đã khác xưa nhiều, không còn những con đường đầy bụi mù trong ngày nắng, lầy lội những ngày mưa; tất cả dường như đang mở ra một kỳ vọng vào tương lai tươi đẹp. Nhiều người con của quê hương xa xứ, khi trở về thăm quê, dường như ai cũng ngạc nhiên trước những đổi thay quá đỗi bất ngờ ấy. Hầu hết con đường làng nông thôn đã bê tông hóa; đã qua rồi cảnh ngập ngụa trong bùn lầy của ngày xưa ấy. Nhiều khu công nghiệp mới mở, thu hút các nhà đầu tư đến quê tôi, giải quyết nhiều lao động nông nhàn giúp đời sống của họ ngày ổn định, khá hơn. Điện đã thắp sáng khắp cùng thôn xóm. Ngôi trường bên chân núi bây giờ đã lợp ngói mới, khang trang; các em đến trường trong niềm vui tràn ngập mà tuổi thơ tôi ngày xưa chẳng hề mơ nghĩ tới.

Khi trò chuyện với người bạn cũ cùng làng, anh Đặng Hùng Trận, nguyên là phó chủ tịch huyện, anh cho rằng: Thay da đổi thịt ở một làng quê mang nhiều ý nghĩa lắm anh ạ. Sự cải thiện đời sống của người nông dân khác với thị thành, không hề đơn giản. Dễ gì chuyển đổi tập tục, thói quen của người nông dân một sớm một chiều sang nếp sống công nghiệp. Thực ra, cũng chỉ mới được phần nào thôi. Đại Lộc còn phải nỗ lực hơn nữa, thu hút nhiều nguồn đầu tư, tính toán thật hợp lý trong phát triển và hội nhập hiện nay, đặc biệt phải biết vận dụng, thích ứng với thực tế của quê mình để tránh sai lầm trong chiến lược định hướng phát triển vì một Đại Lộc đổi mới, đa dạng cho tương lai, đúng với mong đợi của dân mình. Nó không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài mà cốt làm sao để cuộc sống của từng con người thay đổi, tiến bộ và no ấm trên chính mảnh đất quê hương.

Bài thơ Làng tôi còn nhớ mình đã viết cách đây gần 30 năm, bây giờ đọc lại, hình như đâu đây vẫn còn nghe được lời thì thầm của một người xa quê đang hướng vọng về làng:  Cái làng ấy ra đi cùng tôi/ Mà tôi nào hay biết. Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết/ Con sông quê bóng núi cứ chập chờn/ Xưa, tôi sống trong làng/ Giờ làng sống trong tôi. Có lẽ, tất cả hoài niệm ấy vẫn còn trong tâm thức mà mỗi khi có dịp trở về, cái ký ức làng quê ấy như gợi lên trong tôi biết bao điều mà mỗi đời người đều lặng lẽ mang theo.

NGUYỄN NGỌC HẠNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO