1. Ai cũng có quê. Quê thường ở những làng xóm ở cách xa phố thị. Đó là nơi mình sinh ra, lớn lên với những kỷ niệm ấu thơ ở trường học, bến sông, mái đình, đồng ruộng… Quê cũng là quê cha đất tổ, ở đó có bà con thân thuộc, có dòng tộc nội ngoại mà từ nhỏ ta vẫn theo cha mẹ trở về trong những ngày giỗ, chạp. Lớn lên, đi học, đi tìm kế sinh nhai, công tác… nhiều người trong chúng ta đã rời khỏi quê xưa. Nhưng xa quê mà lòng không xa, tình cảm không xa. Bởi vậy nhiều người đã trở về quê nhiều lầm trong năm: trong những ngày lễ tết, những dịp hội làng, hội tộc, giỗ đám, ma chay, viếng mộ tổ tiên hoặc thăm thú những người thân thích, đầy ý nghĩa với cội nguồn, bản quán…
Trao giấy khen cho con cháu có thành tích học tập tốt tại tộc Trương Công, Điện Bàn. |
Trong hơn mười năm trở lại đây, khi đời sống bắt đầu thong thả, nhiều người lại có thêm một lý do nữa để về quê: về quê làm khuyến học ở nhiều cấp độ khác nhau, từ xã, thôn, trường học đến họ tộc. Cuộc “trở về” này hết sức hệ trọng với tôi cũng như nhiều bạn bè, bởi nó không chỉ kết nối những môi thâm tình xưa cũ mà còn mở lối vào tương lai. Tương lai của những thế hệ mà nếu không có sự học, số phận nhiều bạn trẻ sẽ vô cùng bấp bênh.
Tôi có những người bạn quê gốc Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên rất hăng say với công việc ý nghĩa lâu dài này. Họ là những doanh nhân, là giáo chức, là những công chức nghỉ hưu. Một doanh nhân P.Đ.T. ở Thăng Bình, mỗi năm dành ra hàng chục triệu giúp học bổng cho học sinh nghèo các xã vùng cát. Một giáo chức nghỉ hưu, anh L.T., tự đi vận động lập các quỹ học bổng hằng năm giúp cho các cháu ở Duy Xuyên, Điện Bàn.
Hai doanh nhân khác, là các anh T.C.N. và L.T.K. ở Điện Bàn, không những lo giúp đỡ nhiều gia đình cựu chiến binh, đầu tư ở nông thôn để giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng năm nào cũng đóng góp hàng trăm triệu cho quỹ khuyến học của huyện, của xã, của thôn, của trường học ở quê mình. Anh K. còn bảo bọc cho một cháu là sinh viên y khoa con nhà nghèo cả về tiền ăn ở, tiền sách, tiền trường cho đến khi tốt nghiệp. Anh N. vận động cả những người thân lập ra quỹ “xóa nghèo bền vững” hàng chục triệu để cho những người trong làng mượn không lãi buôn bán, chăn nuôi thoát nghèo và giúp hiện vật như xe đạp, tiền học thêm, may áo quần trực tiếp cho các cháu mồ côi…
Còn nhiều tấm gương như vậy mà tôi chưa biết hết, nhưng tất cả họ đều âm thầm, lặng lẽ mà như có người đã nói: “Ta ăn cơm của làng, uống nước của làng từ nhỏ, cớ gì ta không có trách nhiệm với các cháu hôm nay!”.
2. Trong việc chăm lo việc học ở nông thôn, tôi lại thấy việc các tộc họ ở làng lập ra các chi hội khuyến học hết sức đáng ca ngợi. Ông chú tôi phụ trách chi hội khuyến học của tộc ở làng nói rằng, đó là một “mũi tên” cùng lúc làm được nhiều việc, từ khuyến học khuyến tài, đến kết nối dòng tộc và giáo dục tình cảm hướng về tổ tiên, cha ông và đoàn kết tương ái lẫn nhau giữa các thế hệ của mỗi tộc họ.
Tộc Trương Công ở làng Thanh Quýt, quê hương của lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy, của Mẹ Thứ là một ví dụ sinh động cho nhận định trên. Chi hội khuyến học của tộc thành lập cách nay 10 năm. Đã có trên 300 triệu đồng khen thưởng cho gần 600 lượt học sinh giỏi, hơn 40 sinh viên đậu đại học, 10 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các kỳ thi cấp tỉnh, thành phố… Từ năm 1975 đến nay, lần đầu tiên phong trào học tập trở thành một hoạt động nổi trội, thu hút sự quan tâm của mọi gia đình trong tộc và đã có 8 bạn trẻ là con em trong các chi phái đậu bằng thạc sĩ, cả trong nước và nước ngoài thuộc các ngành học.
Quỹ khuyến học còn tiến thêm một bước nữa là tham gia giúp các trẻ mồ côi, trẻ nghèo vượt khó, tiếp tục đến trường; vận động tài chính giúp các cụ già neo đơn, bệnh tật, già yếu với số tiền lên hàng chục triệu đồng mỗi năm. Chi hội khuyến học tộc này đến nay luôn có số dư quỹ gửi trong ngân hàng trên 100 triệu đồng là do sự vận động và đóng góp vừa rộng, vừa sâu trong tộc viên tại chỗ, ở các thành phố lớn và cả ở Mỹ, ở Úc, Canada gửi về quê đóng góp.
Thông tin vận động cho hoạt động khuyến học gắn liền với lịch sử tộc họ, ý nghĩa các hoạt động lẽ hội định kỳ các tấm gương danh nhân và truyền thống đoàn kết của các phái, chi. Qua đó khơi dậy tình cảm ở mỗi người; mỗi người cũng biết rõ họ là hậu duệ đời thứ mấy, biết cách xung hô thứ bậc với những người khác dù đang ở xa nhau nửa vòng trái đất. Gần đây, khai thác lợi thế của internet, chi hội khuyến học xung phong lập ra website và cả một trang facebook cho dòng tộc để thông tin nhanh chóng mọi tin tức và tiến tới xây dựng một bảng gia phả trên mạng…
Em Trương Công Khoa, đời thứ 15 của tộc vừa thi đậu vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói rằng, giờ đây chúng cháu đều vào website và trang facebook của tộc để chia sẻ các thông tin và tìm hiểu lịch sử ông cha thật tiện lợi. Ông Trương Công Tiến, đời thứ 13, một chuyên viên IT sinh sống tại Boston, Mỹ vừa có con trai giành giải nhất cuộc thi khoa học bậc trung học là Timothy Trương cũng rất sung sướng khi con mình nhận bằng khen, kỷ vật là hình ảnh nhà thờ tộc quê nhà. Theo ông Tiến, dù ở xa quê, nhưng tất cả anh chị em của ông cũng luôn bàn chuyện khuyến học, chuyện tộc họ của quê nhà mỗi lần gặp nhau. “Coi như chúng tôi cũng có mặt ở quê để lo cho các cháu rồi!” - ông Tiến nói…
Bà Trương Thị Thu Sương, một cán bộ hưu trí là người nhiều năm vận động bà con nội tộc ở TP.Hồ Chí Minh tham gia quỹ khuyến học cũng vừa có dịp về quê, chia sẻ: “Được về quê, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên và đóng góp phần nhỏ bé của mình cho việc học của các cháu là một việc ai cũng muốn làm thật nhiều. Chúng tôi rất mừng vì có một tổ chức tinh gọn nhưng năng động và khai thác được lợi thế của công nghệ thông tin để kết nối mọi người lại với nhau”.
NGUYỄN SÔNG HÀN