Về quê lập nghiệp với mô hình trồng bưởi chuyên canh, phát triển chăn nuôi bò theo phương thức thâm canh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thọ và bà Huỳnh Thị Minh Hoàng ở thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức) có nguồn thu nhập ổn định, tạo sinh kế bền vững.
Nhiều năm trước, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thọ vào TP.Hồ Chí Minh mưu sinh với nhiều nghề khác nhau nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Nhận thấy tại quê nhà có vườn rộng lớn, có thể phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ông Thọ dành thời gian xuống các nhà vườn ở một số tỉnh, thành thuộc miền Tây học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây bưởi.
Sau khi về quê, vợ chồng ông Thọ tập trung cải tạo 8 sào đất vườn tạp quanh nhà và đầu năm 2017 đặt mua 105 cây bưởi da xanh - ruột hồng về trồng trên một nửa diện tích.
Thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế vườn - trang trại của HĐND huyện Hiệp Đức, ngành nông nghiệp và chính quyền xã Quế Thọ xét hỗ trợ gia đình ông Thọ 13 triệu đồng để có điều kiện mua cây giống, vật tư phân bón và lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.
Ông Nguyễn Văn Thọ cho hay, nhờ điều kiện thổ nhưỡng khá thích hợp, nguồn cây giống có chất lượng cao, nên vườn bưởi của ông sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đặc biệt, hầu hết cây bưởi đều ít bị nhiễm các đối tượng sâu bệnh nguy hiểm như nhện đỏ, ruồi vàng, bọ trĩ, sâu đục quả, nấm... Bà Huỳnh Thị Minh Hoàng (vợ ông Thọ) cho biết thêm, sau 3 năm chăm sóc, năm 2020 vườn bưởi của gia đình ra lứa quả đầu tiên.
“Trong tổng số 105 cây bưởi trong vườn, năm ngoái có 20 cây ra trái. Năng suất bưởi đạt khá, giá bán sản phẩm ổn định ở mức cao nên lứa đầu tiên, vợ chồng tôi thu về 70 triệu đồng. Thời gian tới, nếu thời tiết thuận lợi, sâu bệnh không bùng phát mạnh, vườn bưởi đồng loạt ra trái và cho sản lượng cao thì bình quân hằng năm gia đình tôi có thể có nguồn thu nhập từ 350 - 450 triệu đồng.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh - ruột hồng trên thị trường Quảng Nam và các địa phương lân cận khá lớn, trong khi nguồn cung chưa nhiều nên vợ chồng tôi dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chuyên canh loại cây ăn quả này” - bà Hoàng nói.
Cùng với việc xây dựng vườn bưởi chuyên canh, những năm qua vợ chồng bà Hoàng còn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò lai 3B với quy mô mỗi lứa từ 6 con trở lên. Sau khi trừ các khoản chi phí, hằng năm mô hình chăn nuôi bò thâm canh này mang lại mức lãi ròng khoảng 80 - 100 triệu đồng.
“Ngoài trồng bưởi và nuôi bò, gia đình tôi vừa đào một số ao đất và sắp tới dự kiến sẽ thả nuôi ốc bươu với số lượng lớn để tăng thêm thu nhập” - bà Hoàng nói.