(QNO) - Với những người Quảng tại TP.HCM, về quê nhân dịp nghỉ lễ dài ngày là lựa chọn đầu tiên.
Lễ 30.4 và 1.5 năm nay, cán bộ, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục. Đây là dịp lý tưởng để mọi người lên kế hoạch thư giãn, nghỉ ngơi. Trong khi nhiều người dân ở TP.Hồ Chí Minh tranh thủ “đổi gió”, kẻ lên Đà Lạt, người đi Long Hải, Vũng Tàu, thì nhiều người gốc Quảng quyết định về thăm quê hương hoặc nếu có ở lại cũng tổ chức họp đồng hương “tại gia”.
Gia đình chị Liên quê ở Đại Lộc vào Nam lập nghiệp đã 20 năm. Khi cuộc sống ổn định, gia đình chị tranh thủ khám phá những địa chỉ du lịch được nhiều người yêu thích như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Về sau, con cái đã lớn, cả nhà quyết định đổi hướng du lịch. Chị bảo, phải đưa các con hướng về cội nguồn. Quê mình có đến 2 di sản thế giới, có nhiều bãi biển đẹp, cạnh đó có chùa Non Nước, có Bà Nà và hơn nữa có thể ra Huế, Quảng Bình rất thuận tiện. Vì thế, những kỳ nghỉ dài ngày, chị chọn quê nhà làm điểm đến.
Những người Quảng nội trợ, buôn bán thì nghỉ lễ kiểu “ăn theo” chồng con. Chị Hảo kinh doanh ở chợ Tân Bình chia sẻ: “Chồng con được nghỉ tới 5 ngày, mà về quê thì phải đi đông đủ mới vui, nên tôi gác chuyện bán buôn sang bên, để không làm mất cuộc vui cả nhà”. Sửa soạn cho cuộc hành trình với tâm thế phấn khởi, các chị mua sắm đủ vật dụng cần thiết, cả quà cáp cho họ hàng ở quê. Vừa được về thăm người thân, thăm quê hương xứ sở, được đi du lịch, xem ra “nhất cử lưỡng tiện”.
Một số người không có điều kiện đi xa hoặc vì bận việc riêng thì chỉ đi lòng vòng thành phố, hay đến nhà bạn bè, đồng hương. Anh Lộc, quê Duy Xuyên mong đến kỳ nghỉ để thay mới lại mái tôn, nâng cao nền nhà chuẩn bị đối phó với mùa mưa ở phương Nam đang tới. Trong khi đó, bạn Diệu Hiền sinh viên năm 3 trường Đại học Hồng Bàng cho biết, kỳ nghỉ này không về quê, cũng không ở nhà trọ mà chạy qua nhà dì tranh thủ… ăn các món quê hương cho đỡ nhớ. Còn chị Thủy quê Đại Lộc chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, lễ lượt, tết nhứt gì, nhà tôi cũng đông khách. Thứ nhất là vợ chồng tôi cởi mở, nhiệt tình với khách quê, thứ nữa là vì nhà tôi lúc nào cũng sẵn sàng món Quảng”. Ba mẹ chị Thủy thường “tiếp tế” thức ăn cho gia đình con gái bằng phương tiện xe đò. Từ củ nén, ớt xanh, đến đường tán, ớt bột, nghệ bột, dầu phụng, bất cứ lúc nào nhà chị cũng có. Không có gia vị Quảng, sẽ không “ra” món Quảng. Điều ấy với chị đã trở thành… chân lý.
Kỳ nghỉ lễ dài ngày nào cũng thế, sân bay, sân ga, bến xe ở TP.Hồ Chí Minh người đông như nêm. Người người ùn ùn về quê. Đường sá Sài Gòn những ngày này trở nên vắng vẻ. Người rong ruổi trên đường phố phần nhiều là kẻ tha hương. Anh Lộc dù bận sửa nhà, nhưng cũng tranh thủ buổi tối đưa con đến Cảng Nhà Rồng, dạo công viên Tao Đàn, tạt nhà người thân ở quận 3. Anh cho rằng cách đi “thực tế” đó giúp các con hiểu thêm về nơi mình đang sống, về tình máu mủ ruột rà, tình đồng hương nơi đất khách.
PHI KHANH