Ai đã từng là kẻ tha hương, sẽ nhớ thao thiết ngọn gió chiều ba mươi mang theo mùi hương ký ức về tết xưa dung dị mà sâu thẳm…
Gió cuối năm thật lạ lùng. Lạ từ xúc cảm và dễ làm lòng người rung động. Những hoài cảm về bình yên của làng quê cũ cứ đeo bám bước chân phố thị.
Tết nhứt thiết phải có thược dược. Cái màu hoa đã chấm son trong mặc định, để rồi có lướt qua bao nhiêu loài hoa rực rỡ phố xá chào tết, thì hình bóng cha quảy đôi gánh đi mua cho được cặp thược dược, như gánh cả mùa xuân về nhà. Cái màu của thược dược muôn hình vạn trạng và luôn sang trọng trong nỗi nhớ.
Dân ngụ cư ở phố làm gì thì làm cũng phải sắp xếp một chuyến về quê giáp tết. Ai còn cha còn mẹ thì về thăm nom cùng ít quà bánh đón tết. Còn nếu cha mẹ đã về miền mây trắng, thì quê nhà bỗng thênh thang.
Tôi cũng mang phận ngụ cư, sau khi cúng tiễn ông Táo về trời, lại về quê thăm mẹ và thắp nén nhang cho cha. Chỉ chừng ấy thôi mà nếu trễ hẹn với mình, lòng lại bồn chồn khó tả.
Qua 20 tháng Chạp, những tin nhắn của bạn bè phương xa cứ thế nối nhau bằng nỗi nhớ quê. Từ phương Nam, bạn gửi: “Hóng tết”, nghe thương chi lạ. Hóng tết cũng là mong ngóng sum vầy.
Hơn hai mươi năm chọn Sài Gòn là đất ở, nhưng hễ vừa qua tháng Chạp là chộn rộn như trẻ nhỏ, cho đến khi sắp xếp được lịch cho ngày về nhà. Chừng như không kìm lòng được, bạn lại nhắn “Đi về nhà” của Đen Vâu: “Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà”.
Tôi vẫn còn nhớ như in những bận rộn của mẹ, của cha với tết xưa. Cha xách câu liêm đi quanh xóm, chọn những tàu lá chuối sứ lành lặn hái về.
Mẹ ngồi bên giếng đãi cả ang nếp trắng ngà cùng với ít đậu xanh gói bánh. Mấy đứa con nít xúm xít phụ mẹ rọc lá chuối, lau sạch và đem phơi cho heo héo trong cái nắng chen từng cơn gió lạnh.
Nấu bánh tét phải dùng nồi chuyên dụng thật to, nên cha phải kê gạch làm bếp riêng. Củi phải là những gốc tre già được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Hơi nước nồi bánh tét trở thành một đám mây ngưng tụ trong ký ức tôi, nhỏ giọt thương miên viễn…
Ai cũng có thể chọn cho mình một nơi để già đi, nhưng không ai chọn được nơi ghi dấu kỷ niệm tuổi thơ. Xuân xưa chẳng bao giờ cũ, cứ mới rợi trong tâm can những người xa xứ.
Đưa tay chạm vào cành mai đang trẩy nụ nơi góc sân vườn nhỏ, nghe như mùi thơm của bánh in, bánh thuẫn, bánh lăn mẹ làm năm xưa tỏa ngát đâu đây.
Một năm trôi qua với bộn bề công việc, là lúc đặt lòng xuống để nghe những mùi hương xưa cũ: Về quê ngửi gió cuối năm/ Nghe mùi thương nhớ cầm lòng rưng rung…