Có được thành công từ “đất khách”, nhiều doanh nhân gốc Quảng mong muốn đầu tư về mảnh đất quê hương mình. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy cơ hội đầu tư khi nền kinh tế của Quảng Nam liên tục phát triển, cơ chế thuận lợi… nhưng cũng “lo ngại” sẽ gặp nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu.
Lo nguồn nguyên liệu
Là một trong những chủ doanh nghiệp quyết định chuyển toàn bộ xưởng sản xuất từ TP.Hồ Chí Minh về Quảng Nam và đầu tư nhiều nhà máy tại quê nhà, ông Lê Trung Hoan - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại dệt may Tấn Minh chia sẻ, hàng may mặc của Việt Nam hiện nay chủ yếu là xuất khẩu, và thị trường ngày càng không dễ dàng bởi những đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Sau một thời gian gầy dựng được uy tín với khách hàng, công ty quyết định đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất về Quảng Nam. “Tôi được sinh ra và lớn lên tại đây, tôi hiểu con người quê mình. Lúc đầu, nhiều người bảo tôi chơi một cuộc chơi mạo hiểm khi bỏ Sài Gòn về đây, nhưng bây giờ lại cho đó là quyết định đúng. Tôi mạo hiểm và đã thành công ngay trên quê hương mình với hàng nghìn người quê tôi có được công ăn việc làm ổn định, sản phẩm tôi làm ra chất lượng và đảm bảo được đơn hàng của khách” - ông Hoan nói.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may thành công khi đầu tư về Quảng Nam. Ảnh: ĐẶNG HÙNG |
Nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của nhiều nhà máy, thương hiệu lớn về da giày trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Trần Quang - chủ một doanh nghiệp gốc Quảng cũng dự định sẽ đầu tư về quê nhà trong thời gian không xa. Tuy nhiên, điều ông Quang phân vân vẫn chính là nguồn nguyên liệu để cung ứng cho doanh nghiệp khi đi vào hoạt động. Ông chia sẻ: “Đầu ra thì chúng tôi đã lo được, nhưng đầu vào thực sự vẫn là một bài toán khó. Hiện nay, chúng ta chỉ làm ở khâu gia công, cứ có nguyên liệu chừng nào thì làm chừng đó với đơn hàng. Tôi mong muốn, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương cũng nên phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào, hoặc ít ra cũng tạo những điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể tạo dựng được một cơ sở để cung ứng nguồn nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất của chính mình và nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực”.
Đánh giá về cơ hội đầu tư ở Quảng Nam, nhiều doanh nghiệp lớn thành công ở TP.Hồ Chí Minh nhận định, qua các năm, nền kinh tế Quảng Nam phát triển một cách ổn định và bền vững. Ông Nguyễn Quang Hòa - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện máy Thiên Hòa cho biết, sau nhiều năm theo dõi sự phát triển của Quảng Nam, công ty dự định trong thời gian tới sẽ đầu tư về quê hương mình. Không chỉ nhìn thấy đây là một thị trường tiềm năng, chính nhu cầu và mức sống của người dân là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế của Quảng Nam. “Những khu phố chợ khang trang hiện đại như Điện Bàn, Nam Phước đã góp phần thay đổi diện mạo và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở Duy Xuyên, Điện Bàn… Điều doanh nghiệp mong muốn là chính quyền nên tạo điều kiện tối đa, tạo ra sự chủ động khi doanh nghiệp đầu tư về Quảng Nam” - ông Hòa nói.
Tạo điều kiện tốt nhất
Sự chủ động tối đa mà các doanh nghiệp mong muốn là vấn đề nguồn nguyên liệu, trong đó đất đai đã giao cho doanh nghiệp tại vùng nguyên liệu thì không nên giao cho địa phương quản lý mà tiếp tục để doanh nghiệp quản lý, đầu tư, làm khuyến công. Chia sẻ về câu chuyện ở các địa phương hiện nay còn tồn tại các doanh nghiệp có vốn của nhà nước và được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp tư nhân khác, luật sư Nguyễn Văn Lộc - thành viên Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh (người chuyên tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp) nói: “Nên bỏ cơ chế xin - cho để tạo chủ động tối đa cho doanh nghiệp chớp lấy cơ hội trong kinh tế thị trường, giao cho doanh nghiệp nghĩa vụ nộp ngân sách thông qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn. Điều này vừa tạo ra một môi trường thu hút đầu tư, vừa tạo bàn đạp và sự biến đổi linh hoạt của các doanh nghiệp. Nghe qua thì đơn giản nhưng thực ra rất quan trọng và hiệu quả nếu muốn hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư về địa phương mình. Bên cạnh đó, cũng cần phải đào tạo đội ngũ nhân lực làm việc chuyên nghiệp, am hiểu, nắm bắt nhanh những điều luật đổi mới để làm sao đó chính bản thân mình có những thay đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp”.
Khẳng định sự quan trọng của việc ổn định và phát triển nguồn nguyên liệu chính là điểm cộng lớn trong thu hút đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Lê Phước Thanh cho rằng: “Vấn đề nguồn nguyên liệu cũng xuất phát từ quan niệm của các doanh nghiệp, đó là cần thịt thì đi mua chứ không nhất thiết phải nuôi cả một con bò. Rõ ràng, quan điểm này không sai nhưng nó sẽ khiến doanh nghiệp bị động và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu. Nếu doanh nghiệp nào đó muốn đầu tư và phát triển nguồn nguyên liệu ở Quảng Nam một cách bài bản, quy củ thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất. Đó cũng là điều chính quyền Quảng Nam đang hướng đến trong sự nghiệp phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh”.
Trong một cuộc nói chuyện gần đây giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp đầu tư về Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, hiện tại và tương lai, chính quyền sẽ tiếp tục tạo nhiều cơ chế đổi mới để thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quảng Nam định hướng kiến tạo một môi trường đầu tư tốt chính là môi trường có cơ sở hạ tầng tốt, hội tụ đầy đủ yếu tố về giao thông, nguồn nguyên liệu, con người… Điều này cũng đã bước đầu được thực chứng bởi sự thành công của một số doanh nghiệp lớn ở Quảng Nam, các khu, cụm công nghiệp cũng đã phát triển và đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho tỉnh.
HOÀNG DUNG