Về quê trồng tiêu, khởi nghiệp...

THANH THẮNG 16/08/2017 08:28

Sau nhiều năm làm du lịch ở Đắk Lắk, anh Vũ Chí Công ở thôn 3, xã Tiên Ngọc, (Tiên Phước) về quê lập nghiệp bằng cách lập vườn trồng tiêu bản địa. Qua 4 năm dày công chăm sóc, đến nay vườn tiêu anh Công đã ra trái mùa đầu.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Tiên Ngọc, sau khi học xong THPT, anh Công xin vào làm việc tại một công ty du lịch ở tỉnh Đắk Lắk. Qua nhiều năm làm du lịch, anh có dịp tiếp xúc với nhiều mô hình trồng tiêu đem lại hiệu quả cao ở tỉnh Đắk Lắk. Tìm hiểu, anh biết tiêu Đắk Lắk có giá 100 nghìn đồng/kg mà người trồng vẫn có lời, trong khi tiêu Tiên Phước lại rất cao, trên dưới 700 nghìn đồng/kg mà ít thanh niên chọn để khởi nghiệp. Vì thế, anh Công bắt đầu tìm hiểu về các mô hình trồng tiêu ở các nơi để chuẩn bị dự định mà mình ấp ủ bấy lâu, đó là khởi nghiệp từ cây tiêu Tiên Phước. “Khi thấy cây tiêu đem lại lợi ích kinh tế cao, tôi bắt đầu vừa đi làm du lịch, vừa tranh thủ tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của những người trồng tiêu ở Tây Nguyên để về quê áp dụng vào việc trồng tiêu Tiên Phước”  - anh Công nói.

Khi đã nắm vững được kiến thức cũng như kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây tiêu, năm 2010 anh Công trở về quê khởi nghiệp từ cây tiêu bản địa. Ban đầu, anh chọn trồng thử nghiệm trên một số cây choái có sẵn. Sau đó mở rộng dần diện tích vườn tiêu. Đến cuối năm 2014, anh cải tạo hơn 2ha vườn tạp của gia đình, đầu tư gần 200 triệu đồng để mua vật liệu về đúc trụ xi măng và mua giống tiêu Tiên Phước. Khi hoàn thành các khâu chuẩn bị, anh đào hố trồng trụ xi măng xen lẫn với cây choái tươi có sẵn, trồng 500 choái tiêu Tiên Phước. Anh làm vườn bài bản, trồng tiêu đúng theo kỹ thuật nên được huyện Tiên Phước hỗ trợ 48 triệu đồng để lắp đặt hệ thống ống nước tưới phun khắp vườn tiêu.

Tuy học hỏi được nhiều kinh nghiệm nhưng là lần đầu thực hiện, anh Công đã gặp phải không ít khó khăn, từ chọn giống tiêu đạt chuẩn của giống tiêu Tiên Phước cho đến các khâu chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh cho vườn tiêu. “Khi thấy tôi đầu tư vốn liếng trồng 500 choái tiêu, nhiều người bảo tôi bị “khùng” vì bỏ ra quá nhiều vốn cho một dự án không mấy khả quan. Nhưng tôi không nản chí, càng dốc sức xây dựng vườn tiêu làm dấu mốc cho sự phát triển kinh tế vườn, làm giàu từ mảnh đất quê của mình” - anh Công tâm sự. Nhờ sự quyết tâm và dày công chăm sóc, đến nay vườn tiêu của anh Công đã lên xanh tốt đều và bắt đầu cho trái.

Với kết quả ban đầu rất khả quan, anh Công dự định trong thời gian tới sẽ cải tạo khu vườn, mở rộng diện tích, đầu tư trồng thêm 1000 choái tiêu nữa để phát triển kinh tế, góp phần cùng với những người trồng tiêu ở quê xây dựng thương hiệu “đặc sản” tiêu Tiên Phước.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về quê trồng tiêu, khởi nghiệp...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO