- Cô Tư ơi! Vệ sĩ Bin Đen thế nào rồi?
- Với vết thương ở đầu, nó có sống không, bà Tư?
- Chừ nó nằm viện, bao giờ lành bệnh trở về?
- Vệ sĩ Bin Đen không có ở nhà, buồn quá…
Bà Tư phát mệt khi trả lời bọn trẻ. Bà không ngờ con chó đen lai giống Bắc Âu lại được trẻ con ở xóm Đầu Cầu này quý mến đến thế. Trưa, đi học về, cởi ba lô sách vở khỏi vai để trên bàn, bọn trẻ ùa tới nhà bà hỏi thăm tình hình Bin Đen. Hôm xưa, nó bị mấy tên trộm chó dùng móc sắt mố vào đầu lúc trời chập choạng tối. Cũng may, nó nhanh nhẹn tránh né kịp, chiếc móc sắt chỉ làm rách mảng da đầu nên thoát nạn. Nó chạy vào nhà, vừa run rẩy vừa rên ư ử. Bà Tư vội băng bó vết thương cho nó rồi thuê xe ôm bồng ẵm nó đến cơ sở thú y Yêu Thương Động Vật để bác sĩ thú y thăm khám, chữa trị.
Sự có mặt của Bin Đen ở xóm Đầu Cầu là do cô con gái út của bà Tư mua của ai đó ở Đà Nẵng. Thấy ba mẹ ở nhà quanh quẩn vào ra cũng buồn, cô con gái út mua nó làm quà cho ba mẹ. Nó là con chó lai. Mẹ là giống chó Bắc Âu, còn cha là giống chó Phú Quốc. Cả người nó đen tuyền, chỉ mỗi hàm răng là trắng. Bin Đen rất tinh khôn. Với người lạ, nó luôn cảnh giác, dè chừng, nhưng với người quen, nhất là trẻ con trong xóm, nó rất lành hiền. Bọn trẻ chọc ghẹo thế nào đi nữa, nó vẫn không hề nổi cáu.
Xóm Đầu Cầu trước đây có trên dưới hai mươi con chó. Nào Vàng, Vện, Đốm, Nâu. Nào Lucky, Body, Linda, Misa… Tất cả lần lượt bị đám “cẩu tặc” bắt trộm sạch, chỉ còn mỗi một Bin Đen. Nó rất tinh khôn. Đánh bả, nó biết, không ăn. Bắn súng điện, nó nhảy loi choi tránh trớ. Có lần, đám “cẩu tặc” vồ nó bằng móc sắt. Nhanh như cắt, nó né ngón đòn hiểm ác, tung người bay lên ngoạm bả vai tên cầm lái. Gã loạng quạng làm ngã xe, cả hai chổng kềnh ra đất. Tên ngồi sau quờ tìm móc sắt bị nó ngoạm cổ tay giật mạnh. “Ối! Chó… chó…”. Hai gã “cẩu tặc” vừa bò vừa lết, kêu như cha chết. Cả xóm đổ ra. Và hai gã “cẩu tặc” bị bắt quả tang trộm chó, dân xóm Đầu Cầu trói gô lại, trình báo với công an phường “điệu” về trụ sở làm việc. Lúc đó là ba giờ sáng. Xem lại camera an ninh, mọi người mới rõ mọi chuyện. Nhà bà Tư ở ngay đầu xóm. Con đường bê tông kéo dài đến cuối xóm và kết thúc bởi ao nước rộng mênh mang chắn ngang. Người lạ tới, loanh quanh một hồi, muốn ra phải trở lại lối cũ. Ai cũng yêu quý Bin Đen vì nó là “vệ sĩ bốn chân” ngày đêm canh giữ cho cả xóm. Nó nhìn mặt, biết người ngay, kẻ gian. Thấy ai khả nghi, nó lặng lẽ đi theo… Nhiều tên trộm cắp vặt bị bắt quả tang tại trận là nhờ có nó.
- Bao giờ Bin Đen lành vết thương, về nhà, bà Tư? - Thằng Bờm hỏi.
- Bác sĩ nói độ vài ba hôm nữa! - Bà Tư cười - Mà con có đi thăm nó?
- Ơ… Con không biết! - Thằng Bờm thật thà trả lời.
Rồi hắn hỏi bà Tư, nếu đi thăm Bin Đen thì mua gì? “Thứ chi cũng được! Bin Đen thích sữa chua, yaourt, xương gà, xương heo…”. Bà Tư nói. “Con không có tiền! Để con về xin ba má. Mà bà Tư ơi, Bin Đen nằm viện ở phố, con làm sao tới đó cho được?”. Thằng Bờm băn khoăn. “Bà Tư đùa vậy thôi! Ít bữa Bin Đen về, con và các bạn đến chơi với nó”. Bà Tư bảo. Thằng Bờm quý Bin Đen bởi “vệ sĩ bốn chân” bắt tên trộm đột nhập vào nhà giữa thanh thiên bạch nhật. Hôm đó, thằng Bờm và đám bạn cùng trang lứa kéo đến nhà thằng Ú chuyện phiếm. Hắn khóa cổng nhưng không khóa cửa. Hai nhà gần nhau, chỉ cách ngăn bằng hàng rào chè tàu cao đến vai người lớn. Tên trộm để xe máy đằng xa, lân la tới trèo cổng ngõ vào nhà lấy chiếc laptop và chiếc ví da ba hắn thay quần áo để quên trên bàn. Lúc trèo cổng quay ra, tên trộm bị Bin Đen nhe hàm răng trắng ởn xáp tới. Nó vừa cất tiếng sủa liên hồi, vừa canh giữ không cho tên trộm nhảy xuống đất chạy thoát. Nghe tiếng Bin Đen sủa dữ dằn, gấp gáp, thằng Bờm và đám bạn ùa ra thấy tên trộm tay cầm chiếc laptop, tay bu cây trụ cổng, mặt mày tái xanh tái xám. Hẳn nhiên, tên trộm bị người lớn tóm cổ giải giao cho công an phường xử lý.
Bé Ty thoát khỏi trận đòn của mẹ vì tội mải chơi ô ăn quan để thằng cu Bi đi lạc cũng là nhờ có Bin Đen làm vệ sĩ. Xế chiều hôm đó, bé Ty ẵm thằng cu Bi chưa đầy hai tuổi sang nhà bé Nu chơi. Khép hờ cổng ngõ lại, bé Ty yên chí thằng cu Bi không đi đâu cả, chỉ thơ thẩn trong sân nhà bạn. Lấy que củi kẻ vẽ xuống nền đất mịn dưới tán cây vú sữa ở góc sân, bé Ty và bé Nu nhặt lượm những viên sỏi bằng ngón tay cái người lớn chơi ô ăn quan. Cả hai cuốn hút vào trò chơi dân gian, quên béng thằng cu Bi. Ngắt hoa bứt lá đã đời, hắn đẩy cánh cổng ngõ ra ngoài, theo đường bê tông lang thang lên đầu xóm. Khi đi ngang qua nhà bà Tư, thằng cu Bi bị Bi Đen chặn lại. Nó cứ nhảy cà xơn ngáng đường và sủa gâu gâu. Thằng cu Bi thích chí vì cứ ngỡ Bin Đen đùa với hắn, dấn tới. Bin Đen đứng trước mặt hắn vẫy đuôi. Thằng cu Bi chụp lấy, nắm chặt. Chỉ chờ có thế, “vệ sĩ bốn chân” quay lui, dẫn thằng cu Bi về nhà. Thoạt đầu, nó đi hơi nhanh, thằng cu Bi theo không kịp, thả tay, đứng gọi: “Bin chen! Bin chen!”. “Vệ sĩ bốn chân” quay lại vẫy đuôi cho thằng cu Bi cầm nắm. Lần này nó đi thật chậm, đúng ý cu Bi. Khi chó đi trước, người đi sau, dẫn nhau về tới nhà bà Bảy Dũ, Bin Đen mới cất tiếng sủa gâu gâu gọi gia chủ ra bồng bế cu Bi vào nhà.
Là con chó duy nhất của xóm Đầu Cầu, khi Bin Đen gặp nạn phải nằm điều trị, ai cũng cảm thấy trống vắng và lo lắng cho nó.
Hình ảnh con chó đen tuyền, cao to, nặng trên dưới ba chục cân thường chạy loăng quăng trên con đường bê tông chia xóm Đầu Cầu ra làm hai đã trở nên quen thuộc với mọi người. Gặp ai trong xóm nó cũng dừng lại vẫy đuôi, hít ngửi như gửi lời chào thân thiện. Vì thế, nó được cả xóm quý mến. Đặc biệt là bọn trẻ con rất thích Bin Đen. Cuối chiều. Tan trường. Đứa về trước, đứa về sau. Trong lúc chờ đợi bạn bè cùng trang lứa về nhà cất sách vở rồi ào ra khoảng sân chung là con đường cụt rộng dài để chơi những trò chơi con trẻ, những đứa về sớm chơi với Bin Đen. Chúng hành nó đủ trò. Đứng thẳng người bằng hai chân sau, hai chân trước “hìn bẩy” tay trái, tay phải. Dán người xuống đất bò trườn theo hình dích dắc. Ngồi chồm hổm bắt tay có thưởng. Nằm phơi bụng làm bệnh nhân cho chúng sắm vai bác sĩ khám bệnh… Bin Đen ngoan ngoãn làm theo sự sai khiến của bọn trẻ. Đôi lúc lười, nó nằm im, mặc cho bọn trẻ muốn làm gì thì làm. Khi tất cả đã tề tựu đông đủ, bọn trẻ chia phe đánh cầu lông hay đá banh, Bin Đen ngồi chầu hẩu chờ đợi. Cầu lông rơi vào bờ bụi, hay bóng đá bay quá xa, bọn trẻ thường bảo nó: “Bin Đen mau nhặt cầu lông đem về đây!”, “Bin Đen lượm bóng nhanh lên!”. Nó chỉ chờ có thể để lao đi phục vụ bọn trẻ chơi thể thao. Tàn cuộc chơi, bọn trẻ thường xoa đầu nó và thưởng cho cây kẹo hoặc chiếc bánh quy.
Điều trị tại cơ sở thú y Yêu Thương Động Vật gần một tuần, vết thương của Bin Đen đã lành miệng, cắt chỉ. Bà Tư thuê xe ôm bồng ẵm nó về nhà.
Xa xóm Đầu Cầu, xa bọn trẻ chưa đến một tuần nhưng Bin Đen thấy nhớ tất cả. Vừa thả xuống trước cổng, nó chạy tới từng nhà vẫy đuôi và kêu ư ử như muốn nói điều gì đó. Với bọn trẻ, nó chạy vòng quanh, vừa sủa ông ổng vừa vẫy đuôi rối rít. Rồi nó đứng thẳng người bằng hai chân sau, hai chân trước đập đập vào vai bọn trẻ biểu lộ sự mừng vui. Mọi người xúc động trước tình cảm nó dành cho cả xóm Đầu Cầu. Lâu, rất lâu nó mới trở về nhà, chạy lon ton khắp nơi hít ngửi. Bà Tư lấy ly sữa pha sẵn cất trong tủ lạnh đổ vào khay đựng thức ăn, bảo với Bin Đen: “Bồi dưỡng cho mày đó! Từ nay nhớ cảnh giác với những kẻ lạ, nhất là mấy gã chạy xe máy cà tàng, mắt liếc ngang liếc dọc…”. Nó kêu ư ử rồi cúi đầu xuống liếm từng hớp sữa mát lạnh. Có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Bà Tư ngó ra đã thấy bọn trẻ ùa vào sân, tranh nhau nói. “Bin Đen đâu rồi? Cho mày cục xương heo đây này”. “Xương gà tao cất trong tủ lạnh để dành cho mày đó”. “Tao chỉ có gói bánh xốp tặng mày thôi”. Bọn trẻ xóm Đầu Cầu đem thức ăn cho Bin Đen và sờ đầu sờ vai nó. “Bin Đen gầy hơn trước nhiều đúng không, bà Tư?”. Bé Nu nói. “Bộ lông đen tuyền của nó cũng không mượt như mọi khi”. Thằng Bờm nhận xét.
Vết thương ở đầu khiến Bin Đen “rút kinh nghiệm”, đề cao cảnh giác với người lạ hơn nữa. Để ý, bà Tư thấy nó không bao giờ nằm ở nơi trống trải xem bọn trẻ trong xóm chơi đùa trên đường làng, nhất là khi trời chập choạng tối. Nó chọn chỗ bụi bờ khuất lấp, ít ai nhìn thấy, nằm ghếch mõm lên hai chân trước ngó ra đường. “Được đó! Có như thế mày mới thoát khỏi sự săm soi của đám “cẩu tặc”…”. Bà Tư bảo với nó. Bin Đen kêu ư ử như muốn nói với bà Tư và bọn trẻ trong xóm rằng, “vệ sĩ bốn chân” biết rồi…
NGUYỄN TAM MỸ