Vệ sinh an toàn thực phẩm: Vừa mừng vừa lo

P.NAM - K.LY 22/10/2018 02:27

Đã có những chuyển biến tích cực từ nhận thức của người tiêu dùng lẫn đơn vị cung ứng, kinh doanh về thực phẩm sạch; tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn Thanh tra liên ngành thực hiện Tháng hành động về ATTP tháng 4.2018. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đoàn Thanh tra liên ngành thực hiện Tháng hành động về ATTP tháng 4.2018. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Những tín hiệu đáng mừng

Với mong muốn cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, Ban quản lý chợ Tam Kỳ phối hợp với Hội LHPN TP.Tam Kỳ đã thành lập mô hình “Quầy hàng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Ngoài tuyên truyền, Ban quản lý còn tổ chức cho các tiểu thương trong chợ cam kết cung cấp sản phẩm vệ sinh an toàn cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, công tác truyền thông, giáo dục chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trong đợt cao điểm như Tháng hành động vệ sinh ATTP, Tết Trung thu, các mùa lễ hội hay chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới được ban quản lý chợ Tam Kỳ quan tâm. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tổ chức các hội thi, bài viết, sân khấu hóa phổ biến pháp luật về ATTP cho các đối tượng là người quản lý, sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Hay các buổi nói chuyện, tập huấn kiến thức về lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ, nhân dân, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn có nhiều người tham gia.
Chuyển biến lớn nhất phải kể đến là người sản xuất và kinh doanh đã cập nhật kiến thức về lĩnh vực này, chấp hành tốt hơn các quy định của Nhà nước trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Ngày càng có nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, các điểm bán hàng uy tín, chất lượng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm an toàn cho gia đình. Anh Lê Toàn Vương (đại diện Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành), chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm rau sạch cho biết, hiện đơn vị cung cấp cho 4 đại lý phân phối và hơn 150 khách hàng lẻ trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Mỗi ngày đơn vị bán ra 50 - 70 ký rau các loại. Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) chia sẻ, dù giá rau ở những cửa hàng thực phẩm sạch có đắt hơn ngoài chợ, song gia đình chị và các chị em ở cơ quan vẫn thường ghé mua. “Mức chênh lệch không bao nhiêu nhưng lại đảm bảo chất lượng, khiến chúng tôi yên tâm hơn khi nấu ăn cho cả gia đình” - chị Thảo nói.

Còn đó nỗi lo

Xu hướng tiêu dùng thông minh, lựa chọn thực phẩm sạch của nhiều người dân đã phần nào giúp hạn chế nguy cơ lan tràn của thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP vẫn tái diễn, thậm chí có nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị xử lý. Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng đối với hộ chăn nuôi Phạm Năng (xã Tam Thái, Phú Ninh) về hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Trước đó, khi kiểm tra mẫu nước tiểu của 3 con heo thịt trong trại chăn nuôi của ông Năng, Đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh phát hiện có chất Salbutamol với hàm lượng vượt ngưỡng hàng chục lần. Ngoài trường hợp trên, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cơ sở chế biến mỡ động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y hay giết mổ gia súc gia cầm trái phép.

Khảo sát qua một số chợ, đặc biệt các chợ cóc, chợ tạm tại các khu công nghiệp, nhiều hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, từ thực phẩm thịt, cá, rau quả cho đến các vật dụng sinh hoạt gia đình vẫn được bày bán. Tại những khu vui chơi, trước cổng các trường học, nhiều người bán chả cá viên chiên, bắp xào, nước giải khát pha chế... với nguyên liệu không rõ nguồn gốc, dụng cụ chứa thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, bày bán ngay bên lề đường, vỉa hè mà không che chắn. Các em học sinh, thậm chí nhiều phụ huynh vẫn mua tại những nơi này vì thói quen, sự tiện lợi, giá cả phù hợp với túi tiền, bất chấp những nguy cơ hiển hiện trước mắt.

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, những trường hợp vi phạm hành chính về ATTP, chất lượng sản phẩm, hàng hóa... mà gây hậu quả lớn hoặc ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp chưa được công khai. Trước thực trạng thực phẩm như hiện nay, khó có thể phân biệt được thực phẩm nào sạch, thực phẩm nào kém chất lượng. Ngoài kỹ năng nhận biết thực phẩm sạch của người tiêu dùng, vẫn cần nhất là sự quyết liệt của cơ quan chức năng. Bà Vũ Thị Thanh Nga - Phó Trưởng ban quản lý chợ Tam Kỳ cho biết: “Bên cạnh việc Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các tiểu thương có ý thức trách nhiệm về ATTP thì cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử phạt các cơ sở không đảm bảo vệ sinh ATTP, có như vậy thì công tác vệ sinh ATTP mới đạt hiệu quả cao”.

P.NAM - K.LY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vệ sinh an toàn thực phẩm: Vừa mừng vừa lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO