|
Phong trào cách mạng trong toàn tỉnh đang phát triển thì tháng 10.1930, địch phát hiện ra cơ quan Tỉnh ủy. Toàn bộ tài liệu của Tỉnh ủy bị tịch thu. Xứ ủy đóng tại Đà Nẵng cũng bị phát hiện. Các đồng chí trong Tỉnh ủy và phần lớn đảng viên, hội viên Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ trong tỉnh bị bắt, các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh bị bể vỡ. Cùng chung cảnh ngộ, hầu hết đảng viên ở phủ Tam Kỳ cũng bị bắt.
Sau vụ bể vỡ trên, phong trào cách mạng toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ở vùng An Hòa và các xã phía nam của phủ Tam Kỳ, được sự giúp đỡ từ phong trào cách mạng Quảng Ngãi, nên tiếp tục phát triển. Đầu năm 1932, sau khi ra tù các đồng chí Hồ Đắc Thành, Phan Kỉnh về bắt liên lạc với nhóm thanh niên ở Bàn Than, An Hòa (được thành lập từ năm 1929) và chuyển thành tổ Cứu tế đỏ, hoạt động theo Điều lệ và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ban đầu tổ Cứu tế đỏ có 4 người, do Võ Minh phụ trách, sau thời gian hoạt động tích cực, đã thành lập được 14 tổ Cứu tế đỏ ở các xã trong vùng, với 70 hội viên.
Rừng Định Phước, xã Tam Nghĩa, nơi thành lập Phủ ủy Tam Kỳ ngày 15.8.1933. Ảnh: tinhuyquangnam.vn |
Trước sự phát triển của các tổ chức Cứu tế đỏ, số lượng hội viên ngày càng đông, yêu cầu phải có một tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào là nhu cầu bức thiết của cách mạng địa phương. Ngày 2.12.1932, tại rừng dừa Đồng Dân, thôn Thuận An, xã An Hòa (nay là thôn Thuận An, xã Tam Hải) Chi bộ An Hòa được thành lập, lấy tên là Quang Ánh Minh, gồm 3 đảng viên: Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Hợp Phố, do đồng chí Võ Minh làm Bí thư. Tháng 4.1934, Quang Ánh Minh được công nhận chi bộ chính thức, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi trực tiếp chỉ đạo.
Như vậy, Đảng bộ lâm thời tỉnh Quảng Nam được thành lập (3.1930). Và chỉ sau hai tháng (5.1930), một chi bộ đảng (Chùa Ông) ra đời ở Tam Kỳ. Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Tam Kỳ - thể hiện xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam - đã sớm đưa phong trào cách mạng Tam Kỳ hòa nhịp với phong trào cách mạng chung.
Đặc biệt, trong thời gian bị địch vây ráp, khủng bố, đàn áp khốc liệt nhưng tại mảnh đất này vẫn thành lập được một tổ chức Đảng. Chi bộ An Hòa ra đời (2.12.1932), đánh dấu một bước phát triển mới, sự khôi phục sớm của phong trào cách mạng ở địa phương, góp phần vào sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ sau này, đóng góp tích cực khôi phục Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam và phong trào cách mạng toàn tỉnh. Đồng thời qua thực tiễn phong trào cách mạng đã xác định vị trí tổ chức Đảng ở Tam Kỳ trong tiến trình cách mạng của tỉnh Quảng Nam.
3.Trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các đảng viên trong Chi bộ An Hòa, các tổ chức Cứu tế đỏ được tập trung xây dựng - nơi để thanh niên yêu nước và tiến bộ rèn luyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng quần chúng cách mạng. Tháng 4.1933, Chi bộ An Hòa kết nạp thêm 6 đảng viên, phát triển 3 tổ đảng, giác ngộ được hàng chục thanh niên vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống bọn lý hương, cường hào bóc lột, chống gian lận trong việc thu thuế, tăng thuế, bày vẽ tệ nạn “xôi thịt” cúng tế, mê tín, dị đoan khiến đời sống nhân dân đã đói khổ càng thêm bần cùng… Sự lãnh đạo của Chi bộ An Hòa, nhất là thắng lợi ban đầu qua các cuộc đấu tranh đã lan tỏa đến các làng xã chung quanh An Hòa như làng Vân Trai (Tam Hiệp), Tịch Tây (Tam Nghĩa), Phú Xuân Hạ (Tam Quang)… Phong trào cách mạng lan ra các xã đã tác động, cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân, công nhân, dẫn đến một số cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân và công nhân lao động. Trong đó, điển hình là cuộc đấu tranh của nhân dân làng Phú Xuân Hạ (Tam Quang), của công nhân làm đường xe lửa đoạn Trà Lý - Bích Ngô và ga Trường Xuân (Tam Kỳ) bãi công, đòi giảm giờ làm, phát lương đúng kỳ… Những cuộc đấu tranh tuy còn hạn chế về quy mô và tổ chức nhưng cho thấy sự ảnh hưởng của Đảng, của Chi bộ An Hòa.
Việc mở rộng phạm vi hoạt động của chi bộ cùng với phong trào đấu tranh công nhân nổ ra liên tục, Chi bộ An Hòa không đủ khả năng lãnh đạo, cần có một tổ chức đảng cao hơn, lãnh đạo phạm vi rộng hơn, nhất là yêu cầu thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam để lãnh đạo trong toàn tỉnh. Trước tình hình bức thiết và hội đủ điều kiện để thành lập một tổ chức đảng cao nhất của tỉnh; thực hiện sự chỉ đạo của Miền ủy miền Đông Nam Bộ, đầu năm 1933 Chi bộ An Hòa tổ chức hội nghị tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa) nhằm kiểm điểm tình hình, bàn nhiệm vụ công tác mới của chi bộ. Nhưng khi vào hội nghị, nội dung đã chuyển sang bàn và quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam. Tỉnh ủy lâm thời gồm ba đồng chí: Võ Minh, Trần Học Giới và Lương Hợp Phố; đồng chí Võ Minh làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời; ra tờ báo Cờ đỏ để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng.
Sau khi thành lập, Tỉnh ủy lâm thời giao cho Chi bộ An Hòa, do đồng chí Phan Truy làm Bí thư, phát triển tổ chức đảng trong toàn phủ Tam Kỳ. Trước sự phát triển của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và yêu cầu của phong trào cách mạng địa phương, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ. Ngày 15.8.1933, tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa), Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được thành lập, gồm các đồng chí Phan Truy, Nguyễn Phùng và Đào Thuần Thăng; đồng chí Phan Truy làm Bí thư. Nhiệm vụ chủ yếu của Phủ ủy là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức đảng và quần chúng trong toàn phủ, đồng thời tổ chức học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa cộng sản và về nhiệm vụ của Đảng. Đến tháng 6.1934, Phủ ủy Tam Kỳ tổ chức cuộc họp tại thôn 3, xã An Hòa (Tam Hải) kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch tiếp tục phát triển tổ chức đảng và quần chúng ở những xã chưa có chi bộ, tuyên truyền phát huy ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, vận động tài chính cho Đảng. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Phùng làm Bí thư thay cho đồng chí Phan Truy. Hội nghị này được xem là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ hiện nay.
Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở Tam Kỳ vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đi lên, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và của cả nước, thực hiện cuộc cách mạng đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
LÊ NĂNG
(Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn “Lịch sử Đảng bộ TP.Tam Kỳ giai đoạn 1930 - 1945)