Vẽ tại Ta Bhing

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 08/06/2018 12:41

Từ ngày 2 đến 12.6, các họa sĩ trong Chi hội Mỹ thuật tỉnh có chuyến đi thực tế tại làng Zơ Ra, xã Ta Bhing để vẽ, trải nghiệm với đời sống của đồng bào Cơ Tu.

Tranh vẽ tại trại thực tế của Chi hội Mỹ thuật tỉnh tại xã Ta Bhing. Ảnh: T.H
Tranh vẽ tại trại thực tế của Chi hội Mỹ thuật tỉnh tại xã Ta Bhing. Ảnh: T.H

Cái  thôn nhỏ mà tôi - người có nhiều năm đi công tác về ngành bảo tồn bảo tàng, khi đề nghị đã được các họa sĩ trẻ hưởng ứng khi gọi lên cái tên Zơ Ra của xã Ta Bhing. Nơi có nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu vẫn còn được duy trì. Nơi hấp dẫn nên có nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm. Nhưng để thuyết phục các họa sĩ, tôi kể lại vài lần đến Ta Bhing, đi điền dã những năm 80, 90 của thế kỷ trước cho những khai quật khảo cổ học và nghiên cứu kiến trúc cùng với các chuyên gia ngành dệt và kiến trúc Nhật Bản. Nhớ như ngày hôm qua, trong những ngày hè được trốn nóng và những đêm đông tháng mười hai được sưởi ấm dưới mái ngôi nhà cộng đồng của thôn - gươl.

Như cái tên gọi dễ viết sai là Za Ra, Zơ Ra hay Ta Bing, Ta Bhing… đã là niềm hứng thú cho chúng tôi. Trong không gian rộng thoáng của sàn tre gần 60 mét vuông là xưởng dệt thổ cẩm truyền thống do cơ quan FIDR (Foundation for International Development Relief) giúp đỡ, các  họa sĩ, có người lần đầu tiên được nhìn phụ nữ Cơ Tu dệt. Tôi vui vẻ được làm người hướng dẫn, giải thích cách dệt đặc biệt của Cơ Tu là phải cài thêm các hạt cườm vào trong chỉ dệt. Và công việc tạo những hoa văn bằng hạt cườm đậm nét và gần gũi, quen thuộc với đời sống nơi đây như dáng múa da dá (điệu múa của người nữ Cơ Tu trong các  ngày lễ).

Quan sát và suy ngẫm, hồ như người Cơ Tu xưa đã từng có một kỹ thuật lẫn mỹ thuật với thẩm mỹ cao trong cách điệu từ hoa văn trang trí trên trang phục, trên nhà cộng đồng từ vách, cột, mái nhà và độc đáo với mái ở đầu hồi uốn cong, nhìn xinh xắn như cái mai rùa. Tổng thể của quy hoạch làng xưa là một thể thống nhất trên mặt bằng với ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng (gươl) ở trung tâm và những nhà ở đông người dân sống bao quanh hình ô van như mặt bằng gươl. Các trang trí từ ngôi nhà; nhà mồ (pin) đến cột lễ (xnui) và cả trang phục cũng thống nhất kiểu dáng và chi tiết hoa văn.

Dẫu khí hậu của tháng 6 với những luồng nóng hầm hập từ gió tây mang đến, các họa sĩ trần mình bò ra trên sàn vẽ say sưa những chân dung, cố gắng bắt dáng các bà, các chị em - những người phụ nữ có đôi tay tỉ mỉ, tài nghệ trong thao tác, dáng thoăn thoắt xe chỉ… Các họa sĩ bỗng dưng cùng hòa nhịp với sự khó nhọc của các chị em mà tất cả bắt đầu từ nghệ thuật. Một hình ảnh mà các họa sĩ không thể không ghi lai là những cụ già và em bé. Dáng lưng còng của con người miền núi trải qua bao nhiêu mùa rẫy với chiếc gùi nặng trên đôi vai hay đôi mắt thơ ngây, hoang dã của núi rừng là một chút thách thức trong tạo hình của chúng tôi. Và sẽ là thiếu sót khi sáng sớm hay chiều tà mà không vẽ những phong cảnh với cây cỏ, mái nhà, sinh động thêm các gia súc thong thả tự do kiếm ăn trên đồi vườn, bãi rộng ccây lá xanh tươi khi cơn mưa chiều về.

Bằng những chất liệu khác nhau từ bút chì, bút sắt ghi nhanh, chất liệu có  màu như màu nước, acrylic trên giấy hay trên vải được căng trên khung gỗ có giá vẽ hẳn hoi cũng được vài họa sĩ cất công từ thành phố mang lên. Dễ chừng như ngôi làng trên tám mươi nóc nhà này lần đầu tiên có các họa sĩ về vẽ. Có thể bắt gặp ngay những đôi mắt hơi xa lạ của người dân khi ngày đầu tiên các họa sĩ đến. Nhưng hôm sau những bức tranh ký họa  hôm qua được treo lên trên vách gỗ đã là lời chào hỏi với người làng. Và nếu họa sĩ không vẽ ra lúa ra gạo, thì chúng tôi là các họa sĩ trong đợt thực tế này chỉ mong bán cho ai đó những bức họa ghi nhanh ấy với niềm mong góp số tiền cho người nghèo của thôn Zơ Ra. Một đề nghị rất hợp tình, một món quà nhỏ như lời cảm ơn. Một thời gian dẫu ngắn được lưu trú tại đây, đi và vẽ được bà con  giúp đỡ cùng sự gắn kết của con người làm nghệ thuật là kỷ niêm khó quên.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẽ tại Ta Bhing
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO