Về thăm Mẹ

HỮU BÌNH 24/03/2015 15:54

 (QNO) - Bốn mươi năm sau hòa bình chúng ta mới có được một công trình hoành tráng, một khu tưởng niệm đầy ý nghĩa cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Về với mẹ Thứ là về với nguồn cội Việt Nam, về với sự bao dung, chở che của người mẹ.

Một ngày giữa tháng Ba, nhân chuyến công tác miền Trung, tôi cùng các đồng hương Phú Yên quyết định về Núi Cấm để chiêm ngưỡng tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng - công trình đang thu hút rất nhiều du khách đến thưởng lãm và chiêm bái. Núi Cấm cách trung tâm TP.Tam Kỳ hơn 5km về phía Đông, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú. Con đường vào khu Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng còn thưa thớt dân cư, tôi liếc nhìn nhẩm tính nhanh chừng vài chục ngôi nhà, khách tham quan ra vào tấp nập.

Tác giả trong chuyến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tác giả trong chuyến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Núi Cấm chỉ là quả đồi đất, nhưng có nhiều truyền thuyết về địa danh tại sao là “Núi Cấm”. Bắt chuyện, một cụ cao niên trong vùng, cụ kể: “Nguyên trong bản đồ cũ của Pháp vẽ mà tui đã từng thấy, núi có tên là núi Cam, do âm ngữ của người Quảng Nam nên nhiều người nghe và đọc là Cấm. Có người còn bảo Núi Cấm có vàng nên từng bị người dân kéo đến đào bới tan nát. Sau này, cũng bị cấm luôn, nên gọi thành núi Cấm”... 

Vừa đặt chân đến khu tưởng niệm trong khuôn viên tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, nhiều người trong đoàn chúng tôi không khỏi ồ lên ngạc nhiên. Phía trước tượng đài là quảng trường tiền môn với 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ chờ đợi ngày giải phóng. Vật liệu chính của tượng đài làm từ đá hoa cương có chiều cao 18,5m, hình cánh cung dài 120m, mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng. Công trình được xây dựng từ 20.000 tấn đá hoa cương vận chuyển từ Bình Định. Tượng đài lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Mẹ Thứ có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ.

Công trình văn hóa cấp quốc gia này được chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận. Quần thể kiến trúc tượng đài còn gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2m; đường kính hơn 1,2m làm bằng đá hoa cương. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh bà mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; mẹ Trung bộ tảo tần, nắng mưa, can trường; mẹ Tây Nguyên dành từng hạt bắp cho bộ đội; mẹ Nam bộ kiên trung, bất khuất… Được biết Quảng Nam là địa phương có nhiều mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.234 người.

Được biết tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400m2. Sau khi khánh thành, tại đây sẽ có bia ghi danh gần 50.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng khắp cả nước. Sau lưng tượng là “Bảo tàng trong lòng mẹ” diện tích 397m2. Nơi này cùng với phần rỗng bên trong khối tượng dành để trưng bày, bảo quản hiện vật về các bà mẹ. Khuôn viên tượng đài có 12 phiến đá đại diện cho các địa danh của đất nước, trên đó khắc 10 đoạn thơ, câu hát tỏ lòng biết ơn của người dân cả nước dành cho các mẹ. 

Ngoài ra ở phía dưới khu tưởng niệm còn có 12 khu nhà bát giác, thoáng mát, lát đá xanh quý hiếm. Nơi đây là khu nhà chờ để du khách dừng chân vào bên trong tượng mẹ Thứ, tất cả chờ đón ngày đại lễ. Con đường chính dẫn từ quảng trường đến chân tượng khoảng trên trăm bậc lát đá xanh, bề thế, hoành tráng càng tôn vinh sự uy nghiêm, thành kính của hậu thế với mẹ Thứ, người mẹ đi vào lịch sử, người mẹ anh hùng đã sản sinh ra lớp lớp con cháu anh hùng. Mẹ là biểu trưng sức mạnh Việt Nam ngàn đời bất diệt. Ngoài các bậc thềm, có tay vịn lan can inox, bên cạnh là đường dành cho xe lăn rất thuận tiện. Còn nhiều hạng mục công trình khác mà chưa thể kể ra đây - bạn hãy một lần về thăm mẹ Thứ để cảm nhận ngàn lần sức mạnh bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Tổ quốc ghi công, cả dân tộc Việt ghi công và hàng vạn người con đất Việt sẽ hành hương về bên tượng mẹ Việt Nam anh hùng, để thắp một nén tâm hương với lòng tri ân đến những bà mẹ đã hy sinh cho dân tộc được trường tồn hôm nay. Đứng dưới chân tượng mẹ, trong tôi nhợt nhớ lại lời bài hát “Đất nước” của Pham Minh Tuấn phổ từ thơ của Tạ Hữu Yên “...Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về mình mẹ lặng im…” sao mà nhân văn và trân trọng đến nhường nào.

Trong làn khói nhè nhẹ từ những nén hương trầm, không những tôi mà các du khách khác ai ai cũng ngân ngấn rướm lệ, trào dâng bao cảm xúc nghĩ về đất nước, dân tộc, nghĩ về sự hy sinh vô cùng cao cả của những bà mẹ Việt Nam của đất nước Việt Nam anh hùng. Lặng đi trước quá khứ hào hùng của cả dân tộc, trong cái vĩ đại lớn lao ấy, có công lao của hàng triệu, hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng mà mẹ Thứ là một điển hình cho sự hy sinh vô bờ bến ấy. Có lẽ ai đã một lần đến bên mẹ Thứ cũng tự nhủ lòng mình sẽ thêm nhiều lần nữa về thăm mẹ, để được đốt nén hương trầm, để được khóc bên mẹ, vì sự hy sinh của mẹ lớn lao quá, vĩ đại quá và tôi tự dặn lòng phải sống sao để khỏi phụ lòng mẹ.

Bầu trời, mặt nước yên bình, cánh đồng và những con đường mới trải rộng hôm nay có được là nhờ vào sự hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh. Bốn mươi năm, sau hòa bình (1975 - 2015) chúng ta mới có được một công trình hoành tráng, một khu tưởng niệm đầy ý nghĩa cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Về thăm tượng đài Mẹ, chúng tôi như thấy trở về với sự bao dung, chở che của Mẹ và tôi lại nhớ tới Bác Hồ khi sinh thời Bác tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang”. Chia tay Mẹ, chia tay Quảng Nam... chúng tôi tự nhủ mai này lại về thăm Mẹ.

HỮU BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về thăm Mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO