Đứng ở trung tâm Tăk Pỏ (huyện Nam Trà My), từ bên này sông, không khó để nhận ra cánh rừng phía bên kia núi, nơi từng là khu căn cứ cách mạng. Ở đó có những câu chuyện cảm động về cuộc đấu tranh của cộng đồng Ca Dong, Xê Đăng dưới chân núi Ngọc Linh.
Cánh rừng đó, được gọi là “Rừng bác Năm Công”, để nhớ về nhà lãnh đạo cách mạng Võ Chí Công và nhắc nhớ cháu con về sự tồn tại, ý nghĩa của khu rừng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các chí sĩ cách mạng yêu nước, cùng cán bộ và người dân địa phương.
Tri ân người chí sĩ cách mạng kiên trung
Thời điểm bác Võ Chí Công hoạt động cách mạng tại Trà My (1960 - 1968), ông Hồ Văn Ny nói, lúc ấy ông là du kích xã, rồi bộ đội địa phương nên khá rành mạch câu chuyện về khu căn cứ dưới cánh rừng già.
“Hồi ấy, bác Công là người trực tiếp vận động, tuyên truyền người dân địa phương tham gia chống giặc. Bác cùng ăn, cùng ở với đồng bào nên được bà con yêu quý. Sau này, khi hòa bình lập lại, người Ca Dong, Xê Đăng đặt tên khu rừng già nơi căn cứ cách mạng thành “Rừng bác Năm Công” để tri ân, ghi nhớ công lao của bác Võ Chí Công - người chí sĩ cách mạng kiên trung đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Trà My” - ông Ny nói.
Trong chuyện kể của cộng đồng, “Rừng bác Năm Công” luôn được xem là báu vật chung bất khả xâm phạm, nên mỗi cán bộ, người dân đều cùng nhau chăm sóc, bảo vệ…
“Báu vật” của làng
Đầu tháng 8, tôi lên Nam Trà My đúng dịp địa phương tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4, cơ may gặp được ông Hồ Văn Ny - nguyên Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My. Khi câu chuyện về “Rừng bác Năm Công” được gợi nhắc, mắt ông Ny bỗng sáng lên, đầy vẻ tự hào, rồi dẫn chúng tôi đến tận cánh rừng để thăm thú, chiêm ngưỡng.
Nằm sâu trong khu rừng nguyên sinh của cộng đồng thôn 1 (xã Trà Mai), “Rừng bác Năm Công” được xem như “hình mẫu” về công tác quản lý, bảo vệ của địa phương.
Nơi đây, trước kia là căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5, gắn liền với giai đoạn hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công tại đây. Vì thế, ông Ny nói, mỗi lần đặt chân đến đây, đều vẹn nguyên cảm xúc và tự hào.
Không chỉ đơn thuần là rừng tự nhiên, nơi này cũng là dấu mốc của tình đoàn kết Kinh - Thượng, gắn chặt và bền bỉ suốt hàng trăm năm theo chiều dài lịch sử.
Ông Ny nói, ngay thời điểm ông đương chức Chủ tịch UBND huyện, lúc Nam Trà My vừa tái lập, khu rừng già nguyên sinh này đã là “báu vật” chung của làng, được cộng đồng bảo vệ nghiêm ngặt. Như “lá phổi xanh” của miền rừng Tăk Pỏ, với diện tích trải dài hơn 30ha, nhiều năm qua, cánh rừng già phía bên kia dãy núi vẫn sừng sững màu xanh.
Và hơn cả, mặc dù hứng chịu những trận “mưa bom, bão đạn” nhưng kỳ lạ thay, cánh rừng ấy vẫn đủ sức chở che bao lớp người làm cách mạng, tạo nên lá chắn vững chắc nơi rừng nguồn Trà My suốt hàng chục năm sinh tồn.
“Ngày nay, cánh rừng này còn giúp địa phương phòng chống sạt lở đất, tạo niềm tin cho cộng đồng mỗi khi mưa lũ về” - ông Ny chia sẻ.
Lần bước vào khu rừng, càng vào sâu, từng cây gỗ cổ thụ với đường kính trọn 3 - 4 người ôm hiện ra càng nhiều. Cây cao vút, bóng xòe rộng tạo không gian sinh cảnh độc đáo giữa rừng già. Dù đang buổi trưa, nhưng phía đỉnh núi hơi sương tỏa ra dịu mát, trong lành, với cây lá xanh non phủ dày.
Ông Ny kể, trước đây và cả bây giờ, người dân địa phương không ai có ý định xâm phạm cánh rừng. Là bởi, trong thâm tâm mỗi người, đó không chỉ là báu vật, mà còn là nơi từng che chở và gắn bó hoạt động cách mạng của bác Năm Công. Và hơn cả, đây cũng là di tích gắn liền với lịch sử đấu tranh của cộng đồng - một địa chỉ đỏ để nhắc nhớ cháu con tìm về mỗi lần đặt chân đến Tăk Pỏ.
Điểm đến “địa chỉ đỏ”
Nam Trà My đang bước đầu hình thành các điểm du lịch đặc trưng, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Ngoài mô hình làng cộng đồng, vườn sâm giống Ngọc Linh, thác nước, làng nghề truyền thống… bây giờ địa phương có thêm điểm mới đầy thú vị: “Rừng bác Năm Công”, với nhiều câu chuyện lịch sử đầy giá trị tư liệu quý về cuộc cách mạng đấu tranh chính nghĩa, cùng cộng đồng Ca Dong, Xê Đăng bám đất giữ làng.
Nơi này, là Khu di tích lịch sử quốc gia căn cứ Liên khu ủy và Ban Quân sự khu 5. Một dãy bậc tam cấp dẫn vào cổng di tích như rút ngắn con đường đất đá trơn trượt. Lối đi, vừa đảm bảo cho các chuyến tuần tra, vừa tạo “bước đệm” giúp quá trình phát triển du lịch sớm được hình thành.
Dừng chân phía đỉnh núi, một rừng cây cổ thụ quý hiếm với đủ loại, từ chò nâu, giẻ gai Ấn Độ, săng máu rạch, chò ổi… kín dày; xung quanh là thảm cỏ, cây xanh bóng mát như quyện vào không gian sinh thái giữa rừng đầy thú vị và độc đáo. Tất cả, như góp thêm vào lợi thế chung để khu di tích này trở thành điểm đến cho du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất thủ phủ sâm Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Văn Cẩn - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My cho biết, “Rừng bác Năm Công” có vai trò hết sức ý nghĩa với cộng đồng người dân địa phương. Đó như một dấu mốc quan trọng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là đồng chí Võ Chí Công đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vì thế, bảo vệ cánh rừng chính là bảo vệ giá trị lịch sử cách mạng, hướng đến nơi này trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ, cũng như không gian tham quan trải nghiệm du lịch sinh thái đầy hấp dẫn cho du khách.