(QNO) - Vệ tinh Capella 2 mới vừa được phóng lên quỹ đạo trái đất có thể chụp được ảnh với bất kỳ điều kiện thời tiết hay ánh sáng nào.
Khi được phóng lên quỹ đạo, Capella 2 có kích thước bằng một chiếc máy giặt, nhưng khi bay đến không gian, vệ tinh tăng kích thước bằng chiều dài của một chiếc xe tải nhỏ và mở ra một ăng-ten có kích thước bằng một phòng ngủ nhỏ.
Vệ tinh này có thể chụp được hình ảnh ở bất kỳ nơi nào trên trái đất với độ phân giải cực kỳ cao. Thậm chí, radar của nó còn đủ mạnh để xuyên qua bức tường của các tòa nhà. Theo nhà phát triển, vệ tinh này chỉ có thể quan sát được bên trong những công trình có cấu trúc đơn giản nhưng không có tác dụng đối với những công trình phức tạp chẳng hạn như nhà cao tầng.
Capella 2 được thiết kế bởi Công ty Capella Space (Mỹ), sử dụng radar khẩu độ tổng hợp (SAR), có thể quan sát rõ trái đất bất kể thời gian nào trong ngày, bất kể tầm nhìn bị không khí hay mây bao phủ. Công nghệ này đã được NASA sử dụng từ những năm 1970. SAR bắn các tín hiệu vô tuyến cực mạnh để “chiếu sáng” một mục tiêu cụ thể và thu thập dữ liệu về tiếng vọng của từng xung phản xạ lại, phân tích chúng để tạo ra hình ảnh chi tiết.
Vệ tinh có khả năng chụp ảnh độ phân giải 50cm x 50cm với bản cập nhật mới nhất có tên là chế độ Spotlight cho phép phơi sáng lâu lên đến 60 giây trên một khu vực được nhắm mục tiêu (AOI), mang lại hình ảnh “trong như pha lê”.
Capella hiện chỉ đang thử nghiệm một thiết bị duy nhất, nhưng đã nhận được hợp đồng với các cơ quan chính phủ, bao gồm Văn phòng Trinh sát quốc gia và Không quân Mỹ.
Công ty Capella khẳng định rằng công nghệ này sẽ tuyệt đối không được sử dụng để theo dõi người dân kể cả khi họ ở trong nhà. Mặc dù sóng radar có thể xuyên qua các bức tường, tuy nhiên nó vẫn còn yếu và không thể chụp được hình ảnh bên trong.
Capella cho biết công nghệ mới của họ là một cách để giúp mọi người trên khắp thế giới sử dụng không gian ngoài trái đất để cải thiện công việc và cuộc sống bằng cách giám sát mọi thứ từ khí hậu đến cánh đồng và cơ sở hạ tầng. Công ty Capella đang nghiên cứu tạo ra một chòm sao vệ tinh gồm 36 thiết bị kết hợp lại để có thể giám sát “mọi nơi trên thế giới mỗi giờ” - theo Daily Mail.