Vệ tinh ELSA-d và sứ mệnh dọn rác không gian

QUỐC HƯNG 27/03/2021 08:40

Một sứ mệnh mới được thiết lập bởi công ty khởi nghiệp Astroscale có trụ sở tại Nhật Bản để khởi động thử nghiệm công việc dọn sạch các mảnh vỡ hay rác không gian.

Doanh nhân Nobu Okada bên mô hình ELSA-d. Ảnh: Astroscale
Doanh nhân Nobu Okada bên mô hình ELSA-d. Ảnh: Astroscale

Các nhà khoa học không gian cảnh báo, sau hơn 60 năm các nước thực hiện các vụ phóng tên lửa, trái đất đang bị bao vây bởi một đám mây rác thải không gian vốn ảnh hưởng đến các vệ tinh đang hoạt động, các phi hành gia, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống con người.

Theo Văn phòng rác thải không gian thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), hiện có hơn 8.400 tấn rác thải vũ trụ di chuyển theo quỹ đạo trái đất, trong đó có hơn 130 triệu mảnh vỡ có chiều dài nhỏ hơn 1mm, khoảng 750.000 vật thể lớn hơn 1,2cm đang quay xung quanh quỹ đạo với vận tốc khoảng 32.000km/h, ít nhất 26.000 triệu mảnh rác có kích thước bằng một quả bóng. ESA cho biết, rác không gian bao gồm rác thải từ vệ tinh hết hạn, không còn sử dụng, các bộ phận của tàu vũ trụ, như ốc vít hay lớp sơn của các thiết bị... Ví như vào năm 2009, vụ va chạm giữa vệ tinh Iridium 33 của Mỹ và vệ tinh Cosmos 2251 không còn hoạt động của Nga tạo ra hơn 1.800 mảnh vụn rác trên vũ trụ, theo thống kê của Mạng lưới giám sát không gian Mỹ.

Nhiều chuyên gia khẳng định, rác thải không gian ngày một tăng, nhất là khi cuộc đua phát triển tên lửa chi phí thấp của các công ty tư nhân nóng lên và cần được xử lý nếu không, sứ mệnh khám phá không gian có thể sẽ phải dừng lại hoàn toàn. Ngày 20.3 vừa qua, vệ tinh với tên gọi ELSA-d (dịch vụ Vòng đời cuối) của công ty Astroscale (Nhật - Anh) chính thức được phóng lên bằng tên lửa Soyuz từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan để bắt đầu cuộc thử nghiệm sứ mệnh dọn rác không gian trong vòng 6 tháng tới. Thiết bị thử nghiệm các công nghệ xác định, tiếp cận và thu giữ các vật thể trong quỹ đạo trái đất. Do đó, nhiệm vụ của ELSA-d được thực hiện bởi một “vệ tinh phục vụ” nặng 175kg và “một vệ tinh khách hàng” có trọng lượng 17kg. Hệ thống sẽ đóng vai trò thu gom, vận chuyển vệ tinh đã “chết” và rác thải lơ lửng trong không gian, rồi đốt cháy chúng một cách vô hại trong bầu khí quyển của trái đất.

Nếu thành công, ELSA-d có thể mở đường cho các dịch vụ thương mại trong tương lai nhằm giảm lượng mảnh vỡ trong không gian và thúc đẩy các hoạt động bền vững hơn trên vũ trụ. Công ty phát triển công nghệ loại bỏ mảnh vỡ vũ trụ Astroscale hiện là một trong những đơn vị nhận được tài trợ tốt nhất trong lĩnh vực dọn rác vũ trụ. Theo doanh nhân người Nhật Nobu Okada - nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc của Astroscale, đến nay chưa một công ty nào với duy nhất mục tiêu dọn dẹp mảnh vỡ trên vũ trụ đã huy động được số tiền nhiều như thế - hơn 130 triệu USD.

John Auburn - Giám đốc điều hành của Astroscale tại Vương quốc Anh, cơ quan tự hào được điều hành sứ mệnh thú vị này nói: “Đây là một vấn đề giống như nhựa trong đại dương. Chúng tôi đã làm việc trong 8 năm để biến một vấn đề khó khăn thành một công việc kinh doanh trong tương lai. ELSA-d là sứ mệnh đầu tiên nhằm chứng minh các công nghệ cốt lõi cần thiết cho việc gắn và loại bỏ các mảnh vỡ không gian, một bước tiến quan trọng nhằm mở rộng các dịch vụ trên quỹ đạo để bảo vệ không gian bền vững và an toàn vì lợi ích của các thế hệ tương lai”.

Astroscale đang cố thuyết phục chính phủ các nước về trách nhiệm “quét” rác vũ trụ của họ, nhất là Nga, Mỹ và Trung Quốc - những quốc gia thực hiện các vụ phóng tên lửa nhiều nhất vào vũ trụ, nhằm góp phần mang lại sự trong lành cho không gian.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vệ tinh ELSA-d và sứ mệnh dọn rác không gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO