Ngót 10 năm nay Trà Linh không có hội đâm trâu. Vì cái nghèo quanh quẩn. Mùa hoa đỗ quyên năm nay, đồng bào Xê Đăng ở đó mới lại được đắm say trong men rượu cần giữa âm thanh giục giã của cồng chiêng…
Một góc nóc Tắc Lang, xã Trà Linh.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Từ Tắc Pỏ (huyện Nam Trà My) lên xã Trà Linh khoảng chừng 30km. Đón chúng tôi ở gần trụ sở UBND xã, ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã khoát tay bảo: “Gửi xe ở đây rồi đi cho kịp, trời cũng sắp tối rồi, xíu nữa là không đi được đâu. Nhanh thôi, men theo con suối chừng 30 phút là tới”. Ba mươi phút của ông là hơn tiếng rưỡi đồng hồ chúng tôi ngược núi. Khi màn đêm ập xuống cũng là lúc chúng tôi có mặt tại nóc Tắc Pang, nơi sẽ diễn ra hội đâm trâu của người Xê Đăng. Nóc chừng 30 hộ nằm san sát nhau men theo sườn núi giờ đã bắt đầu le lói ánh điện. Sau khi sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho chúng tôi, ông Hồ Văn Viêm - Trưởng Công an xã Trà Linh kéo chúng tôi xuống nhà của người thân gần đó để uống rượu, và ông giải thích: “Ở đây lạnh lắm, có rượu vào mới chống chọi nổi”.
Đêm của lễ hội
Đêm thật lạnh. Lạnh như cứa vào từng thớ thịt. Chúng tôi quây quần cạnh bếp lửa được đặt ở góc nhà, co ro chống rét, nhấp thứ rượu được nấu bằng gạo mùa ngâm với lá sâm Ngọc Linh. Vừa nướng mấy miếng da bò khô được treo nơi giàn bếp để làm mồi, ông Viêm vừa kể: “Cũng giống như những dân tộc khác, người Xê Đăng tổ chức hội đâm trâu để ăn mừng sau những vụ mùa bội thu, cầu sự bình an, xua đuổi bệnh tật… cho người thân trong gia đình, trong bản. Để chuẩn bị cho lễ hội, gia đình đó phải tuyển hơn 10 thanh niên khỏe mạnh trong bản vào rừng chọn loại cây thật dài, thẳng và đẹp về dựng cây nêu trước nhà, sau đó tiến hành trang trí, chạm khắc thật rực rỡ. Người Xê Đăng quan niệm rằng, cây nêu càng cao, càng đẹp thì may mắn càng nhiều cho gia đình, thôn bản tổ chức lễ hội. Trong gần một tuần lễ, những thanh niên này phải ở lại với gia chủ, bởi nếu về nhà thì lễ hội sẽ mất thiêng. Con trâu (vật tế lễ) cũng được chọn lựa rất kỹ, phải là trâu đực và khỏe mạnh. Ngoài ra, gia đình phải chuẩn bị rượu cần, heo, gà, vịt, lúa… đủ để thết đãi người dân trong xã, trong nóc đến dự hội”.
Mỗi lần đâm trâu như thế này thì gia đình tổ chức mời tất cả người trong nóc, trong thôn, thậm chí cả những bản làng ở Kon Tum giáp ranh cũng được mời. Như thôn 3 xã Trà Linh gồm 4 nóc: Tắc Pang, Tắc Lang, Hi Ló và Tắc Tu thì đều tập trung về nóc này để dự lễ hội đâm trâu, chia vui cùng gia chủ. “Như vậy thì tốn kém lắm nhỉ? Chắc cũng vài chục triệu là ít? Tiền đâu mà bà con tổ chức đâm trâu được?” - tôi hỏi. Dường như hiểu ý tôi, ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh giải thích, mỗi lần đâm trâu như thế này thì toàn bộ đều do gia đình tự lo, từ con trâu cho đến ché rượu cần, hay cơm nước để thết đãi khách. “Tuy nhiên, khác với trước đây, người dân không vay mượn để đâm trâu mỗi khi đến lượt nữa mà chỉ gia đình nào tích cóp đủ điều kiện thì đâm. Hơn nữa, đời sống của bà con giờ cũng đã khấm khá hơn hẳn từ khi cây sâm Ngọc Linh lên giá. Giờ nhà nào ít thì cũng có hơn trăm triệu lận lưng rồi...” - ông Thể nói.
Đúng 8 giờ tối, tiếng chiêng giục giã vang lên cả một góc núi, báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Từng đoàn người nối nhau đi quanh nóc trong tiếng reo hò mừng mùa màng bội thu. Khách phương xa được mời đến nhà của anh Hồ Văn Chiến và Hồ Văn Núi - là hai hộ tổ chức đâm trâu - dùng cơm tối. Xong, mọi người hòa mình vào đoàn người nhảy múa. Khi hoàn thành 5 vòng quanh nóc cũng là lúc họ uống rượu cần. Người nhà thay nhau đại diện mời khách từng bát rượu cần được ủ bằng những hạt gạo đỏ thắm. Và cuộc vui đó kéo dài đến suốt đêm, đến khi men rượu ủ mềm từng người thì nghỉ để chuẩn bị vào nghi thức chính.
Sau khi nhảy quanh nóc 5 vòng thì bắt đầu tiến hành đâm trâu.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Hôm sau, khi mặt trời lên quá con sào thì người dân tập trung quanh cây nêu được dựng sẵn trên bãi đất trống của làng. Vật tế lễ là con trâu và heo được cột sẵn. Trống dồn dập. Chiêng dồn dập. Sau vũ điệu quay cuồng quanh cây nêu, thanh niên trong làng dùng dây buộc chân trâu lại. Người trong gia đình tổ chức lễ tiến hành các nghi thức truyền thống để cầu sự may mắn, khỏe mạnh cho gia đình, cho bản làng. Mỗi sợi dây buộc vào sừng con trâu tượng trưng cho một điều ước may mắn gửi đến thần linh. Sau khi hành lễ, thanh niên trong làng dùng dao, mác đâm trâu rồi lấy máu hiến tế.
Thấy lạ, bởi những lần đâm trâu trước thì họ để con trâu chạy quanh cây nêu, hơn 10 người vây quanh sẽ dùng những cây giáo, mác dài hay những thanh nứa được vót nhọn để đâm cho đến khi con trâu chết. Đem thắc mắc hỏi một già đứng cạnh thì được giải thích: “Nhà nước nói đâm trâu như thế là ác. Người mình giờ không đâm theo cách cũ nữa. Chỉ hành lễ, trói lại rồi đâm thôi, không để chạy quanh nữa” - già Hồ Văn Khánh, nóc Hi Ló, thôn 3 xã Trà Linh nói. Sau khi đâm trâu thì mọi người ai về nhà nấy, đợi đến khi trâu được xẻ thịt, chế biến thì lại tập trung cùng ăn uống.
Xóa bỏ hay thay đổi?
Xoay quanh tục lệ đâm trâu của người dân tộc thiểu số dọc dãy núi Trường Sơn đã có nhiều tranh cãi xảy ra. Đa số cho rằng đó là một tập tục tàn nhẫn, bạo lực... không phù hợp với xã hội hiện nay, cần phải xóa bỏ. Nhưng liệu xóa bỏ một tập tục, kèm theo đó là những truyền thống văn hóa có từ lâu đời là giải pháp tối ưu? Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, chính quyền huyện vẫn đang tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tục lệ đâm trâu này. Bởi mỗi lần đâm trâu, chi phí bỏ ra không dưới 100 triệu đồng. Đó là số tiền quá lớn đối với người dân miền núi. “Tuy nhiên, nếu người dân đủ điều kiện kinh tế, hoặc vài hộ gia đình cùng chung nhau để tổ chức, không vay mượn như lúc trước nữa thì thiết nghĩ nên để bà con được tiếp tục lễ hội này. Đó là một lễ nghi, phong tục của đồng bào. Tuy nhiên, phải thay đổi một số nội dung của tập tục này theo hướng phù hợp hơn” - ông Bửu nhìn nhận.
Ở Tây Giang, đồng bào Cơ Tu cũng thường xuyên tổ chức lễ đâm. Và thời gian gần đây chính quyền huyện đã vận động người dân không tổ chức đâm trâu theo nghi thức cũ. “Nói xóa bỏ là hoàn toàn không đúng. Chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động người dân không tổ chức đâm trâu trước cộng đồng nữa. Nghĩa là các phần lễ nghi, những điệu múa tâng tung da dá hay hát lý, nói lý vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, đến phần đâm trâu thì người dân đưa trâu đi chỗ khác làm thịt rồi mọi người cùng ăn. Đó là một cách làm mới, khác đi cái mà trước đây bị coi là dã man...” - ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho hay.
Ông Nguyễn Tri Hùng - Phó Trưởng phòng tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) - cho rằng, việc xóa bỏ tục lệ đâm trâu sẽ phá vỡ những chuỗi hoạt động xoay quanh nó, như những điệu dân ca, dân vũ hay điệu múa truyền thống. “Đây là vấn đề tín ngưỡng của con người với thế giới siêu nhiên. Tục lễ này là dịp để người ta gần gũi với nhau, là sự gắn kết giữa người với người dưới sự chứng giám của thần linh. Cùng nhau gửi tới thông điệp cầu mùa màng bội thu, được sức khỏe... Để xóa bỏ một tập tục lâu đời thì rất khó, cần phải cân nhắc thật kỹ” - ông Hùng nói. Cũng theo ông Hùng, vẫn nên có lễ hội đâm trâu nhưng cần thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện nay. “Trong tập quán này được chia làm hai phần là phần lễ (hiến tế) và phần hội (ăn). Vậy thay vì gọi là lễ đâm trâu thì gọi là lễ ăn trâu. Đồng bào đâm trâu thường lấy máu của con vật để hiến tế. Nên chỉ đâm tượng trưng để lấy máu hiến tế, rồi đem con trâu ra một nơi khác để làm thịt thì sẽ phù hợp hơn” - ông Hùng kiến giải.
Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, tục đâm trâu là một tục lệ rất lâu đời, gắn bó với văn hóa của các tộc người. Tuy nhiên, tục lệ này đối với xã hội hiện nay được xem là không phù hợp. Vậy nên việc thay đổi cho phù hợp là hết sức cần thiết. Đó là tín ngưỡng dân gian, nên không thể nói bỏ là bỏ. Cần vận động người dân dần dần thay đổi, và việc vận động phải từ từ, không dùng quyền lực hành chính để cưỡng ép.
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG