Hằng năm, cứ vào Tết Độc lập 2.9, ngôi nhà của vợ chồng ông bà Tử Vi Dân - Huỳnh Thị Thuyền lại đón nhiều người dân trong vùng đến tổ chức đám giỗ Bác Hồ.
Người dân trong vùng thắp hương giỗ Bác. Ảnh: QUẾ HÀ |
Ngôi nhà của vợ chồng ông bà Tử Vi Dân - Huỳnh Thị Thuyền ở thôn Đông Trường, thị trấn Trà My (Bắc Trà My) được nhiều người biết đến, bởi ông bà đã cùng con cháu dành dụm, tích góp xây dựng nên quần thể Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến với Bắc Trà My - vùng chiến khu xưa, vào dịp Tết Độc lập 2.9, chúng ta sẽ thấy không khí vui tươi, nhộn nhịp, tràn ngập cờ hoa. Trước đó một ngày, người dân trong vùng cùng tụ hội về nhà ông bà Tử Vi Dân gói bánh, chuẩn bị các lễ vật để làm đám giỗ Bác Hồ (Bác ra đi về cõi vĩnh hằng đúng vào dịp Tết Độc lập). Mỗi gia đình tình nguyện sắp xếp công việc đến lo sắm sửa bánh trái, dọn dẹp khuôn viên quần thể Nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm bếp nấu nướng… Ai có hoa quả gì trong vườn, hái đem đến dâng lên Bác với tất cả tấm lòng thành kính. Ông Tử Vi Dân tâm sự: “Thoạt đầu, người dân thấy tôi làm giỗ Bác, họ tự nguyện đến dự. Rồi mỗi năm người về dự một đông thêm. Nhà chật chội quá nên tôi nảy ra ý định tạc tượng và xây nhà thờ Bác. Lúc trước khi chưa có nhà thờ, tôi thờ Bác chung bàn thờ với ông bà tổ tiên của gia đình. Ngày giỗ Bác, hai vợ chồng tôi mời bà con hàng xóm đến chung vui như giỗ gia tộc của mình. Từ nhiều năm nay, khi có nhà thờ Bác cũng là lúc người dân xung quanh cùng sum họp với nhau về đây để cùng làm giỗ Bác”.
Nghi thức giỗ Bác được tổ chức đơn sơ ấm cúng nhưng trang trọng, tôn nghiêm, và đầm ấm nghĩa tình vì xuất phát từ tấm lòng tôn kính, tri ân của mọi người. Mỗi năm, ông Tử Vi Dân tự tay viết văn cáo lễ giỗ Bác. Trong bài khấn của mình, ông luôn khấn nguyện mong Bác phù hộ, độ trì cho đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu đẹp, người dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Hẳn nhiên, ông cũng luôn cầu mong, các chiến sĩ nơi biên cương hải đảo được Bác phù hộ để ngày đêm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2014, trong đám giỗ Bác Hồ, ông cúng vị luật sư Loseby (người Anh) là ân nhân của dân tộc Việt Nam. Ông bộc bạch, dân tộc Việt Nam có truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngày ấy nếu không có vị luật sư Loseby cứu giúp thì Bác không thể thoát khỏi án tử hình ở Hồng Kông, trở về đất nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ông Phạm Thanh Vi - một người dân Bắc Trà My, cho biết, trước ngày 2.9, người dân trong vùng tới chung dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị cho một ngày rất đặc biệt, đó là ngày Quốc khánh cũng là ngày giỗ Bác. Đây cũng là dịp để mọi người gặp nhau chia sẻ những khó khăn, nhân đôi niềm vui trong cuộc sống, qua đó ôn lại công lao, tấm gương đạo đức của Bác để tình nghĩa xóm làng càng thêm gắn bó.
Năm 2008, khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được phát động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, trong đám giỗ Bác, ông Tử Vi Dân luôn dành thời gian kể cho mọi người nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Ông cũng dành thời gian sưu tầm tư liệu về Bác để trưng bày trong khu nhà tưởng niệm nhằm giúp mọi người có điều kiện tìm hiểu về Bác. Người dân trong vùng khi đến đây, không chỉ được nghe, mà còn ngắm nhìn những tư liệu và được gia chủ - người cựu chiến binh già, giới thiệu một cách chân thực, sống động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Đền thờ Bác Hồ của vợ chồng ông bà Tử Vi Dân ở Bắc Trà My đã trở thành địa điểm về nguồn giáo dục truyền thống cách mạng và học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của tuổi trẻ và các em học sinh.
QUẾ HÀ