Ký ức không chỉ lưu giữ trong từng khuôn mặt cũ của người kẻ chợ, còn gọi về trong những luyến thương của bao người quê xứ Việt An (xã Bình Lâm, Hiệp Đức). Không rêu phong dưới mái đình Thị, cây đa già cũng thôi tỏa bóng từ nhiều năm, nhưng không vì thế mà phôi phai đi quá vãng của một thời, với ngôi chợ xưa tuổi đời tính bằng thế kỷ…
1. Ra Giêng, khi đã thôi những chộn rộn bán mua của tháng Chạp, chợ Việt An chừng như lại trở về với sự ồn ã ở mức… khiêm tốn hơn nhiều so với những ngôi chợ mới. Chắc phần vì tôi ghé chợ lúc đứng trưa, phần nữa vì nhiều tiểu thương có vẻ còn chưa vội dọn hàng khi giêng mới vừa được nửa.
Ngay cổng chợ là cụ bà với gian hàng xén rất quen của chợ quê: mấy xấp thuốc lá khô nhàu, vài mủng hành, nén… Cụ bỏm bẻm nhai trầu, và câu chuyện của cụ đủ để tôi hình dung về khung cảnh của ngôi chợ cũ, với những mái tranh liêu xiêu gió, người mua phải khom người mới vào được trong chợ, mái đình lúc nào cũng nghi ngút khói nhang và cả những gánh gừng, gánh cau trầu xếp dài… Đó là ký ức của cụ già về thời mới giải phóng, như trí nhớ của bao người dân sống nơi miền trung du Hiệp Đức, một thời chưa xa…
Ông Lưu Ngọc Châu, sáu mươi chín tuổi, chạy về nhà ngay bên hông chợ, lấy một tờ giấy A4 đưa tôi, sau khi nghe vài câu hỏi thăm về chợ Việt An trước đó. Tờ giấy in bài viết có chữ ký của TS. Ngô Văn Minh - Học viện Chính trị khu vực III, đầu đề “Chợ Việt An có tự bao giờ”.
Trong bài viết, TS. Ngô Văn Minh dẫn tư liệu trong sách Đại Nam nhất thống chí dưới thời vua Tự Đức (1848 - 1883) của triều Nguyễn có nhắc đến tên chợ Việt An trong số 32 chợ ở mục chợ quán, cho thấy chợ ra đời nếu muộn lắm cũng vào nửa cuối thế kỷ 19.
Cũng sách Đại Nam nhất thống chí, biên soạn năm 1909 dưới thời vua Duy Tân thì ghi chợ Việt An có trong số 63 chợ ở Quảng Nam, xếp ngạch thuế hạng 4 - chứng tỏ đây là chợ tương đối lớn. Tóm lược những tư liệu đã dẫn, TS. Ngô Văn Minh cho rằng “chợ Việt An ra đời sớm, ít ra cũng từ 150 năm trước và ngay từ đầu thế kỷ 20 đã nổi tiếng là một trong số các chợ lớn của tỉnh...”.
Ông Vương Cúc - một người hàng xóm của ông Châu cũng gần như cả phần đời gắn bó với chợ Việt An. Cuộc chuyện trò khề khà ngay bên chợ kéo dài bằng những mảnh ký ức rời rạc. Ông Cúc kể, hàng hóa chủ yếu của chợ ngày xưa là nông sản.
“Rau trầu từ miền ngược xuống, cá mắm dưới biển lên, gặp nhau như kiểu mít non với cá chuồn. Hồi sau giải phóng, Tân An (nay là thị trấn Tân Bình) còn chưa sầm uất như chừ, Việt An đóng vai trò như điểm kết nối hai miền xuôi ngược. Mà cái tôi nhớ nhất, là chuyện ba năm cháy chợ hai lần. Cháy miết, do toàn là mái tranh, bất cẩn củi lửa là cháy. Nhưng hồi đó hàng hóa đơn sơ lắm, gánh tới chợ bán hết buổi gánh về, làm chi còn cái chi khác để cháy ngoài mấy mái tranh. Người ta tới chợ sớm lắm, hai ba giờ sáng đã có người rồi, đứng trưa thì về hết” - ông Cúc nhớ lại.
Mấy người già bên cạnh “đế” thêm vô, chuyện rằng chỗ đình chợ vẫn còn giữ lệ cúng lớn ba lần. Lần đầu là lễ tế xuân rằm tháng Giêng, tới lễ cúng âm linh mùng một tháng hai âm lịch, cuối cùng là lễ tế thu vào rằm tháng Tám. Giờ vẫn giữ, tiểu thương từ lớn tới nhỏ đều đặn góp mặt, không sót ai trong lễ cúng. Gặng hỏi thêm, cũng chỉ nhặt nhạnh mấy mảnh ký ức vụn về người này người nọ, rồi chuyện chợ xây dựng khang trang, hoành tráng hơn, đình cũ cũng được làm mới kiên cố, chỉ có mỗi cây đa bị cắt đi và khoảng sân nay nhỏ hơn rất nhiều so với trước…
2. Nhà thầy giáo Nguyễn Tấn Ái chỉ cách chợ vài trăm mét. Ông kể với tôi một huyền sử về chợ Việt An, vẫn tồn tại trong trí nhớ của nhiều người tuổi ngoài năm mươi. Chuyện rằng hồi trước, dưới chân núi Gai có cái giếng mạch, quanh năm nước trong ngần, mát lạnh, ngọt lịm.
Bên chân núi có nhà ông Hương, mùng năm ông đi hái lá rừng làm nước lá mùng năm, đang bỏ nong phơi thì có con rắn trắng từ đâu bò vào giữa nong lá, nằm hóng nắng. Nằm đủ ba hôm thì ngài Bạch Xà mới trực chỉ hướng núi mà về, tự dưng cái thứ nước vàng sánh nấu từ nong lá ấy như có phép, uống vào trị được bách bệnh từ nhức mỏi thông thường tới… vàng da cổ trướng.
Một đồn mười, mười đồn trăm, người từ bốn phương tám hướng tìm đến nhà ông Hương xin lá thuốc. Ông Hương trở thành thầy thuốc nam có tiếng, người xin thuốc rồng rắn tới chờ, nghỉ chân bên dốc Tranh chờ nhận thuốc. Người đông, sinh ra mấy gian hàng bán đồ ăn, rồi thêm mấy trái mít, mớ rau, đông dần thành chợ.
“Chuyện rắn thần nghe quen quá, hình như ngài thần ni trườn từ bắc vô nam theo muôn ngàn chuyện, nhưng có cái thiệt là chỗ núi Gai quả sinh ra nhiều cây thuốc nam như cà gai leo, hà thủ ô, đẳng sâm các thứ. Rồi xứ này cũng có bao giai thoại kỳ nhân, như ông thầy Năm ra tới ngoài Bắc Thái mở nhà máy thuốc lá, giàu nức tiếng, tới khi nhà máy bị cháy mới về quê làm lão ông hiền lành khoái kể chuyện… con gái bắc. Tới một anh dân vệ của khu dồn sau làm chủ nhiệm hợp tác xã, rồi một đại gia vàng chơi ngông vô tới Sài Gòn ngồi sòng bạc của… Năm Cam, hay ông gánh nước thuê, thạo chữ Hán lẫn chữ Tây luôn tự hào mình gánh nước chứ không… bán nước” - ông Ái kể. Muôn chuyện cứ tuôn theo chén trà đầu xuân, pha thêm những sắc màu huyền nhiệm cho ngôi chợ có vẻ giản dị lành hiền giữa miền trung du xanh thăm thẳm.
Những điều cũ thường làm người ta nhớ. Đồng nghiệp của tôi, anh Võ Văn Trường vẫn hằn khắc những lần đi chợ tết từ thuở còn theo chân mẹ từ Đồng Tranh tới Việt An. Củ kiệu, củ hành, xấp lá chuối, mấy đòn bánh tét, rổ bánh chưng hay những vật dụng thường ngày như cây chổi, bó rau, bó hoa hay nải chuối, trái bòng chưng bàn thờ ngày tết..., mấy thứ đó thôi đủ để chợ họp từ sáng tới chiều của những ngày tháng Chạp.
“Dân họp chợ ở đây được xem là tứ xứ, từ Quế Sơn qua, Hiệp Đức xuống, Thăng Bình lên và cánh nữa đi ra từ Tiên Phước. Lời chào mời, câu trả giá bán mua âm vực giọng nói cũng rất khác nhau. Lâu thành quen, người sành chợ thuộc cả bản tính bán mua, cách nói chua ngoa của kẻ chợ từng vùng. Đặc biệt địa danh chợ Việt An cũng đã đi vào câu hát ru nằm lòng nhiều thế hệ: “Bồng con mà bỏ vô nôi/ Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Đông Phú, mua trầu Việt An” (Riêng câu cuối này có nhiều dị bản, như “mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”)... Vẫn là những ký ức vụn, nhưng cũng đau đáu một miền hoài nhớ trong anh, người quê xứ với chợ Việt An, sau bao năm rời quê, với lắm phen mệt nhoài cuộc mưu sinh của đời người.
3. Chuyển động không ngừng của thời cuộc, như một lẽ tất nhiên, đặt vào đời chợ - đời người những đổi thay. Với vị thế trung điểm của hai miền xuôi ngược, chợ Việt An sớm được đầu tư, mở rộng, khang trang hơn hẳn so với ngày trước. Nhưng, như mấy ông già trong chợ kể, cây keo phủ sóng khắp vùng, thế chỗ cho đất trồng gừng, trồng cau trầu hay mấy thứ nông sản hồi trước, nên thành ra gọi tên đặc sản của chợ thì… chịu. Sầm uất hơn, chắc chắn rồi. Song để đặt một cái gì riêng biệt vào chợ, thì khó.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Hiệp Đức nói, quy mô hiện giờ của chợ sẽ giữ nguyên ít nhất trong nhiệm kỳ này, câu chuyện quy hoạch mới sẽ dành cho một thời điểm xa hơn.
“Chợ Việt An đã được đầu tư theo quy mô chợ hạng hai, nên chưa có định hướng nâng cấp, chỉ tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở, từng bước xây dựng đô thị. Tương lai, khi dân số tăng, nhu cầu phát triển lớn sẽ tính việc phát triển hạ tầng thương mại cho toàn khu vực. Huyện sẽ phát triển một tuyến đường nhánh từ giáp Bình Lãnh (Thăng Bình), đi song song với tuyến Quốc lộ 14E hiện tại. Đồng thời đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh tuyến 14E tránh tuyến đường cũ qua Việt An, hình thành ba tuyến đường song song, nới rộng không gian đô thị cho toàn khu vực” - ông Việt nói.
Rồi sẽ thênh thang phố xá, theo câu chuyện quy hoạch của tương lai. Người kẻ chợ cũng đã bắt đầu nói với nhau nhiều hơn về viễn mộng, nhưng câu chuyện của ký ức, dù đôi lúc chỉ vụn nhặt bên chén trà đầu xuân, hẳn vẫn là một miền hoài nhớ. Đầu năm, ngược về phía núi, chuyến đi hóa ra lại mang nhiều dư vị, từ những câu chuyện bên sân đình Thị, với những người muôn năm cũ của đất này…