Những đoàn khách từ Nam ra Bắc tìm về khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở TP.Tam Kỳ mỗi ngày mỗi đông hơn. Những câu chuyện về lòng tri ân, cứ dài ra theo ngày tháng…
Được ví như một nơi để nghĩa tình trùng phùng, để hiện tại gặp lại quá khứ bằng những cuộc tri ân, dòng người từ khắp cả nước đổ về khu Tượng đài Mẹ VNAH ngày một nhiều hơn; nhất là trong những ngày tháng Tư lịch sử. Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ, khu Tượng đài Mẹ VNAH đã đón gần 5.000 lượt khách tìm về. Từ những lão ông, lão bà tuổi đã 80, những thương bệnh binh đi lại khó nhọc đến những người trẻ cũng như thế hệ măng non. Họ tìm thăm nơi này, không phải chỉ để chiêm ngưỡng một khu tượng đài lớn nhất nước, mà sâu xa hơn nhắc nhớ về ân nghĩa từ mảnh đất lành và bình an của hiện tại. Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, trong chuyến viếng thăm Tượng đài Mẹ VNAH tháng 1.2016, đã ghi lại cảm xúc của mình: “Cuộc đời và sự nghiệp của các Mẹ VNAH sống mãi với non sông đất nước. Con cháu các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tri ân các Mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam những người chồng người con thân yêu. Tinh thần Mẹ VNAH bất diệt”. Còn Ủy viên trung ương Đảng, bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (hiện là phó thủ tướng - PV) bày tỏ lòng biết ơn của mình: “Cảm ơn Mẹ Thứ, cảm ơn những người mẹ VNAH đã sinh ra những người con anh hùng đã hiến dâng máu đào cho Tổ quốc, cho đất nước được độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc. Cảm ơn các mẹ, thế hệ chúng con sẽ mãi mãi khắc ghi công ơn với các mẹ, nguyện cống hiến trọn đời vì tổ quốc, vì nhân dân, để đền đáp sự hy sinh của mẹ và sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ”.
Thế hệ măng non thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: B.HẠNH |
Nhiều người gọi Bảo tàng Mẹ VNAH là “bảo tàng trong lòng Mẹ”. Bởi đây là nơi tiếp nối câu chuyện về hành trình đi đến hòa bình của đất nước, từ tấm lòng của những người phụ nữ, người mẹ Việt Nam. Hiện tại, Quảng Nam đã tiếp nhận hiện vật của gần 30 tỉnh thành trên khắp cả nước với gần 250 hiện vật, chưa tính những tư liệu, hình ảnh khác. Vừa qua, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Ban Quản lý quần thể Tượng đài Mẹ VNAH tại Quảng Nam đã phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Những tư liệu, hiện vật, hình ảnh về mẹ VNAH và chân dung mẹ VNAH TP.Hồ Chí Minh”. Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 21.10. Đợt trưng bày này giới thiệu đến công chúng hơn 100 hình ảnh chân dung, 125 hiện vật, tư liệu do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kỳ công sưu tầm, bảo quản và 40 hiện vật có ý nghĩa được lựa chọn từ gần 200 hiện vật do các tỉnh/thành trao tặng cho Không gian trưng bày Mẹ VNAH (nằm trong quần thể Tượng đài Mẹ VNAH). Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cùng với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh cũng chuyển giao 35 hiện vật, 184 tư liệu, 114 hình ảnh và 6 tài liệu phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền cho Bảo tàng Mẹ VNAH (nằm trong lòng Tượng đài Mẹ VNAH). |
Lịch sử trận mạc của Việt Nam đã khắc ghi tên những người mẹ trở thành bất tử. Khu Tượng đài Mẹ VNAH trở thành địa chỉ lưu giữ “kỷ vật của mẹ” và là nơi để tỏ bày lòng thành của cháu con. Mặc nhiên, nơi này là chốn nhất định phải đến của những người mẹ VNAH trên khắp cả nước. Từ TP.Hồ Chí Minh, mẹ VNAH Lê Thị Tuyết Mai, tròn 85 tuổi, đi cùng cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận 5 (TP.HCM), rất khó khăn khi bước đi, nhưng khuôn mặt già nua vẫn không lộ vẻ mệt nhọc. Mẹ kể, người con trai duy nhất của mẹ hy sinh tại chiến trường Quảng Nam năm 1975. “Bằng mọi giá trước khi chết, mẹ phải về thăm nơi con mẹ ngã xuống. Mẹ thật sự vui, rất vui. Ước mong được một lần về đất Quảng cũng đã toại nguyện. Dù có mệt mấy cũng phải đi” - mẹ nói. Và như thế, những câu chuyện dài ra theo mỗi bậc thang dẫn đến khu vực đặt đền thờ.
Những người trực tiếp làm công việc quản lý, hướng dẫn tại khu vực Tượng đài mẹ VNAH, không giấu hết những niềm xúc động, niềm vui, mỗi khi được tiếp đón các đoàn viếng thăm ở độ tuổi thanh thiếu niên. Với lứa tuổi thanh niên, đến thăm và tổ chức hoạt động ở đây mang ý nghĩa của câu chuyện về nguồn. Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Trưởng ban Quản lý Tượng đài Mẹ VNAH chia sẻ: “Đoàn thanh niên các trường đại học thường tổ chức nhiều hoạt động tri ân ở đây. Trường phổ thông, tiểu học trên địa bàn thành phố đều chọn tượng đài để tổ chức lễ kết nạp Đoàn, Đội” - bà Hạnh nói. Tổ chức được một hoạt động về nguồn không phải chuyện dễ dàng, nhất là đối với thế hệ trẻ. Và câu chuyện phải đổi mới cách thức làm việc, sinh động hóa những di tích lịch sử cách mạng, hay tạo nên sức hút từ chính ý nghĩa của khu lưu niệm, mới hy vọng rằng chuyện “về nguồn” không còn là hình thức.
LÊ QUÂN