Về với nếp xưa

DIỄM LỆ 14/06/2017 08:48

Những ngày này, chộn rộn từ miền biển lên đến vùng cao, đâu đâu cũng lễ hội tưng bừng. Ở đoạn giao thoa giữa hai miền, một xứ sở trung du cũng đang rộn ràng đón khách.

  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Chợ quê - một sản phẩm du lịch mới của huyện Tiên Phước giới thiệu nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam. Ảnh: D.LỆ
Chợ quê - một sản phẩm du lịch mới của huyện Tiên Phước giới thiệu nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam. Ảnh: D.LỆ

1.  Bên con sông Tiên hiền hòa bao đời chảy ngược, một phiên chợ quê mang đậm dấu ấn xứ Tiên vừa được khai trương. Sản vật đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng theo những gánh gồng trên đôi vai người nông dân ra chợ. Nào mít, chuối, tiêu... rồi mứt gừng, mứt nghệ, khoai lang khô, đến rau ranh, rau dớn, ốc sông Tiên... đều được mang đến chợ quê. Phiên chợ hôm nay bà Nguyễn Thị Dần cảm nhận một không khí rất khác. Bà bảo: “Mọi khi cũng đi bán chuối, bán mít ở chợ, nhưng hôm nay chuối ở chợ Tiên Phước đã được người ta biết đến nhiều hơn. Người ta biết đó là chuối do nông dân trồng, chăm bón mà không dùng phân hóa học”.

Nét mới của chợ quê là những gian hàng nông sản sạch, an toàn do các hợp tác xã nông nghiệp ở Tiên Phước sản xuất hoặc thu mua từ nông dân. Ông Nguyễn Đình Khánh - Giám đốc Hợp tác xã Cảnh Tiên cho biết: “Sản phẩm rau được bày bán ở đây do hợp tác xã thu mua tận vườn của nông dân trên địa bàn huyện. Hợp tác xã là cầu nối đưa sản phẩm an toàn của người dân đến với thị trường. Sắp tới, hợp tác xã cũng sẽ trồng rau trên diện tích 2ha hoàn toàn theo quy chuẩn rau sạch, trồng trong nhà lồng. Ngoài bán ở chợ quê Tiên Phước, chúng tôi sẽ cung ứng cho các trường mầm non, công ty trên địa bàn huyện. Hợp tác xã cũng đã kết nối với Hội đồng hương Tiên Phước tại TP.Hồ Chí Minh để đặt đại lý phân phối sản phẩm rau sạch”...

2. Ẩn mình giữa những vườn cây trái sum sê, những ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi ở làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh) giữa vùng trung du xứ Quảng cũng rộn ràng vào hội. Chủ của những ngôi nhà cổ tất bật đón khách tới tham quan. Một nhóm bạn trẻ đến từ Đà Nẵng nghe giới thiệu tìm đến thăm làng cổ. Các bạn đã bị hút hồn bởi nét đẹp chân quê, mộc mạc đến bình dị của đất này. Họ đang đứng đó, chiêm ngưỡng vẻ đẹp hàng trăm năm tuổi của ngôi nhà cổ mà chủ nhân của nó đã cất công giữ gìn, bảo quản. Trong vườn nhà, cây trái ngát xanh. Trầm trồ trước những ngõ đá rêu phong, anh Nguyễn Đăng Hùng tỏ vẻ khá ngạc nhiên: “Tôi có đọc, có biết về ngõ đá, làng cổ qua các bài viết trên báo chí. Nhưng đến tận nơi, chiêm ngưỡng tận mắt mới thấy được hết cái đẹp của nhà cổ, ngõ đá, phong cảnh nơi đây. Chúng tôi từng đi phượt qua nhiều nơi, nhiều làng quê, nhưng nơi đây có nét riêng rất lạ, đẹp hút hồn người. Nét đẹp không gượng gạo theo kiểu sắp đặt, mà mang hồn cốt của một vùng đất”.

Đến với làng cổ Lộc Yên, du khách không chỉ được thăm thú cảnh vật, mà còn được đón tiếp bởi chính những ân tình của người làng cổ. Một đêm ở lại nhà ông Lê Thuận, đoàn du khách đến từ Thừa Thiên Huế hết sức thích thú bởi khung cảnh làng quê thơ mộng, yên bình. Họ được trải nghiệm cảm giác yên lành chốn thôn quê, thưởng thức những món ăn đậm đà hương vị xứ sở. Nông dân làm du lịch bằng tấm chân tình thuần hậu tạo cho du khách cảm nhận những điều rất khác. Trước ngõ, dòng kênh xanh róc rách chảy, bên hông nhà, giếng đá nước xanh trong mát lịm lòng du khách giữa trưa hè oi ả. Chị Dương Thị Công Lý (thành viên đoàn du khách đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế) trải lòng: “Sáng dậy sớm, rảo bước dạo trong làng, tận hưởng không khí mát lành thật dễ chịu, sảng khoái. Người dân ở đây đối đãi với khách bằng tấm lòng chân tình, khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng”.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về với nếp xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO