Về với sông Lăng...

BHƠRIU QUÂN 11/07/2021 06:40

Theo chân anh Alăng Rất - Chủ tịch UBND xã Lăng (huyện Tây Giang), chúng tôi ngược dòng Lăng. Sông - khi thì bày ra một màu xanh ngắt, khi thì quanh co, chảy xiết, cá tôm giăng mắc đầy lưới như dành đãi khách về với đại ngàn...

Sông Lăng vẫn còn nguyên sơ với những rừng lim xanh ngát trên đồi. Ảnh: Bhơriu Quân
Sông Lăng vẫn còn nguyên sơ với những rừng lim xanh ngát trên đồi. Ảnh: Bhơriu Quân

Ngược dòng

Sông Lăng cách trung tâm xã Lăng hơn 10km, bắt nguồn từ chân núi T’coong thuộc xã Lăng, chảy dài hơn 100km trước khi nhập vào hạ lưu sông Bung. Trong cuốn “Những kẻ săn máu” của Jean Le Pichon có nhắc đến sông Lăng (sông Lên), được quân bản xứ của Đồn 6 thời Pháp thuộc, năm 1937 thị sát để tăm vàng và kiểm soát người bản địa sống dọc hai bờ sông.

Sông Lăng len lỏi chảy qua đồi núi, rừng nguyên sinh với nhiều động vật, thực vật quý hiếm. Để đến được nhánh chảy của sông Lăng, chúng tôi phải men theo dòng suối A Rất hơn ba giờ đi bộ, nhiều đoạn bước trên vách đá men theo vực sâu.

Cơlâu Vy, một thanh niên nhanh nhẹn của thôn Tari vừa đi soi đêm về biếu chúng tôi những con kỳ nhông béo mộng và quay lại dẫn chúng tôi theo hướng mình để không mất dấu chân. Vy nói, lâu lắm rồi mới có người về thăm nơi này.

Tác giả và thành quả trong một buổi sáng bắt cá với các thành viên “săn bắt cá” dọc sông Lăng.
Tác giả và thành quả trong một buổi sáng bắt cá với các thành viên “săn bắt cá” dọc sông Lăng.

Anh Alăng Rất kể, trước đây người dân các thôn Tari, Pơ’ning, Bhalưa, Jơ’da sinh sống ở khu vực sông Lăng, sau năm 1975, người dân lần lượt chuyển cư về sống gần trung tâm xã Lăng. Về đất mới nhưng họ không bỏ đất cũ, cố giữ để giao lại cho con cháu tiếp tục canh quản, khai thác theo đúng luật lệ của làng.

Dọc theo hai bên bờ suối A Rất vẫn còn dấu tích của làng cũ, cây trái sum sê. Thỉnh thoảng gặp những người dân bắt cá, thăm bẫy, lên rẫy. Càng đi xa càng thấy nhiều sức sống mới với những căn nhà duông (zơng) hội tụ từ 3 đến 5 nhà làm chung trên mảnh đất cũ, rộn tiếng nói cười.

Cách đó không xa, lại có những mái nhà zơng lác đác kho lúa đựng đầy bồ. Vài chỗ, đất rẫy vừa đốt dọn còn thơm mùi khói và tro tàn, bên cạnh là rừng nguyên sinh với những cây gỗ lớn vẫn được người dân canh giữ không để cháy lan vào rừng.

Mỗi mùa đốt rẫy, cả làng phải làm “đường băng”, cùng canh giữ đến khi cháy tàn mới về. Anh Alăng Rất cho biết: “Hộ nào phát và đốt rẫy đều xin ý kiến thôn để cùng hỗ trợ giúp đỡ.

Nhờ tính cộng đồng cao, nhiều năm nay tình trạng lấn rừng, cháy lan rừng trên địa bàn xã ít xảy ra. Một phần nhờ sự nghiêm minh của chính quyền xã, trước khi phát rẫy người dân cam kết chỉ phát trên đất rẫy truyền thống của cha ông để lại, tuyệt đối không xâm lấn vào rừng già và phải thông báo cho thôn biết để hỗ trợ kịp thời”.

Nguyên vẹn rừng lim

Xuôi theo dòng chảy suối A Rất, sông Lăng hiện lên trước mặt, cuồn cuộn trong xanh, lượn vòng quanh núi chảy dài hợp lưu với sông Bung, tạo thành lòng hồ thủy điện Sông Bung 4. Sông có chỗ cạn, chỗ sâu, trở thành nơi lý tưởng cho chúng tôi ngụp lặn bắt cá thỏa thích. Mẻ lưới đầu tiên dính ngay cá ploo, cá cha - bh’rông, còn lại cá liêng, rô phi, bống dính trắng lưới nhỏ.

Theo người dân, ở sông Lăng cá ngon nhất là cá ploo và cá cha - bh’rông, thịt chắc, vị ngọt, nướng rất thơm. Những người đi bắt cá từ bao đời đều biết cách khai thác để không làm mất giống cá ngon này, họ chỉ lấy về những con cá to, con nhỏ đều thả lại để tiếp tục sinh sôi.

Chúng tôi làm trại ngủ đêm trên bờ sông Lăng. Hai bên bờ, cách mép sông chưa đầy năm mét là những cây lim già sừng sững, thẳng tắp. Alăng Rất chỉ cho chúng tôi cây lim cao hơn 35m, đường kính gần 1m. Rừng lim trải rộng trên diện tích khoảng 7.000ha, cây to có đường kính từ 0,80 - 1m khoảng 400 cây; có hơn 1.200 gốc cao trên 40m; còn lại cây nhỏ hơn.

Tôi nhìn quanh, nơi đây toàn “vựa” cây ươi và khu rừng thiết lim chạy dài lên tận đỉnh đồi. Anh Alăng Rất thông tin thêm: “Từ vụ phá rừng ở xã Zuôih (huyện Nam Giang) giáp với xã Lăng trước đây, huyện mới thành lập Trạm kiểm soát Lăng - Zuôih, hạn chế được việc phá rừng lim trên lâm phận xã Lăng quản lý.

Với địa bàn rộng hơn 220km2, xã Lăng không đủ khả năng để kiểm soát nếu không có người dân. Việc mở rộng khu sản xuất về hướng sông Lăng để người dân vừa sản xuất vừa canh giữ đất rừng, cùng với chính quyền quản lý tốt địa bàn.

Cây ươi nơi đây vẫn còn nguyên mùa lá đỏ khắp rừng và chưa có người nào bước đến hái lượm, chặt phá. Những tổ ong rừng bám đầy trên cành cây cổ thụ, nhìn từ bờ sông có thể ước được lượng mật nhiều ít”.

Cơ hội khai thác tiềm năng dọc theo sông Lăng đến gần khi tuyến Lăng - Zuôih đang được đầu tư mở tuyến dài 32km (hiện mới làm đoạn từ xã Zuôih dài 16km). Người dân xã Lăng mong mỏi tuyến đường này sẽ sớm hoàn thiện, để khoảng cách giữa hai xã Lăng - Zuốih ngày càng gần nhau hơn. 

Đêm. Sông Lăng rì rào nước chảy. Vài người tranh thủ câu đêm.  Ánh trăng bàng bạc trên đầu. Tiếng ếch rừng vọng inh ỏi bên khe suối Bhalưa đối diện lán ngủ. Ếch, cá, kỳ nhông... khu vực này nhiều vô kể. Phía trên là đất làng cũ thôn Bhalưa, họ cũng về ở trung tâm xã ổn định.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về với sông Lăng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO