Không phải những chốn sang trọng được bài trí bắt mắt mà lựa chọn những vùng đất hoang sơ với ý niệm gần với thiên nhiên đang được nhiều người trẻ lựa chọn. Và dĩ nhiên, là ở những vùng đất không có yếu tố dịch bệnh.
Du lịch gần nhà
Buổi chiều mùa hè. Khi mặt trời còn kịp rải những vệt nắng nhạt qua các ngọn đồi, một nhóm người trẻ vai mang đàn xúng xính áo váy đi... “săn ảnh”. Lần này, địa điểm họ chọn là Đập Ông Đà của xã Quế Trung (Nông Sơn). Vốn dĩ chỉ là một hồ chứa nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu đồng ruộng ở khu vực này, nhưng lâu ngày, cỏ phủ xanh dọc theo chân đập. Xa xa, các ngọn đồi keo đương mùa xanh lá. Tầm mắt người đến thăm như được mở rộng ra giữa trời xanh, cây cỏ.
Lê Thị Minh Tâm - một người trẻ sống tại Nông Sơn cho biết, chị cùng gia đình hay đến đây dã ngoại vì phong cảnh hữu tình và sự yên tĩnh. Đường sá không quá trắc trở. Người cũng thưa vắng. Như một cách để hòa mình với thiên nhiên, nhiều người trẻ ở các nơi cũng đang lựa chọn những địa điểm hoang sơ như vậy.
Minh Tâm nói, để cảm nhận được thiên nhiên thật sự, không có cách nào khác là phải sống giữa thiên nhiên. Nhưng trong mùa hè của sự phòng vệ “lên ngôi”, việc lựa chọn những vùng đất xa xôi là điều không thể. Và nhanh chóng, giới blogger du lịch đã đưa khái niệm “staycation” vào tự điển của những người “mê chơi”.
“Staycation” theo định nghĩa là một kỳ nghỉ tại gia hoặc gần nhà. Và khái niệm này vô hình lại đáp ứng được các yêu cầu du lịch trong mùa dịch này. Vừa thỏa cơn “thèm” du lịch trong khi vẫn đảm bảo hạn chế đi lại (chỉ đi trong nhà hoặc gần nhà), lại vừa dễ dàng hưởng được không khí trong lành mát mẻ.
Ở một nơi khác, nhiều người trẻ ví von là “vùng đất dưới chân tháp Eiffel”, khu vực bãi cỏ dọc theo sông Bàn Thạch, dưới chân tháp truyền hình An Hà (TP.Tam Kỳ) trở thành nơi check-in của giới trẻ tại đây.
Từ tầm cuối chiều, những tay “săn ảnh” lại đến đây để bắt trọn khoảnh khắc hoàng hôn. Trong nắng vàng mật xiên khoai, những bức ảnh nghệ thuật với “background” là bóng tháp xa xa trở thành xu hướng của người trẻ Tam Kỳ. Nhưng trên cả việc săn ảnh, như nhiều người đến đây chia sẻ, chỉ vì họ thấy mình được sống cùng thiên nhiên của quê xứ mình.
Hơi thở đồng nội
Quảng Nam có quá nhiều chốn nên thơ vẫn may mắn giữ được sự hoang sơ vốn dĩ, chưa có quá nhiều ý tưởng sắp đặt từ người làm du lịch khắp nơi. Đó cũng chính là nơi thu hút nhiều người thích khám phá, bởi những khác biệt của mỗi một vùng đất trên địa giới hành chính xứ Quảng vẫn còn nguyên đó.
Lê Trọng Khang - một nhiếp ảnh gia trẻ của Quảng Nam gần hai tháng nay “bám trụ” tại đồng sen Trà Lý (Duy Sơn, Duy Xuyên). Anh nói, không hiểu cơn cớ gì khung cảnh với đồng sen mênh mông này lại cuốn hút anh như vậy.
“Sáng chừng 4h tôi đã có mặt ở đây. Cùng với gia chủ, chúng tôi thưởng trà sen, nghe hương sen và chăm chú nhìn từng cánh sen bung nở” - Lê Trọng Khang nói.
Những bức ảnh từ đồng sen Trà Lý trong mọi khoảnh khắc của Trọng Khang khi đăng tải trên trang cá nhân luôn nhận được những cái xuýt xoa khen ngợi từ người xem. Không chỉ với Trà Lý, cách chừng gần 4km, những đầm sen men theo triền núi, như trải dài ra đến tận chân núi, ôm trọn cả thung lũng.
Trọng Khang nói có những người bạn nhiếp ảnh của anh khăn gói lên đây ở từ đầu mùa sen đến nay, xem chừng cũng đã gần trọn tháng. Không chỉ để có những bức ảnh đẹp. Thứ khiến họ vương vấn giữa mênh mông đất trời này là cảm giác thư thái, tự do, là hương vị và thanh âm của đồng nội phảng phất trong từng hơi thở.
Và khi giữa những ngày “ở yên”, mới thấy được thở một hơi thật dài giữa đồng xanh, giữa ruộng vườn, giữa hoang dại cỏ cây, mới quý giá bao nhiêu! Cách chữa lành cho đất là trồng cây. Còn cách làm lành những thương tổn va vấp mỗi ngày của mỗi người, hẳn phải cần đến những khoảng không tĩnh lặng.
Thế nên việc lựa chọn hình ảnh cánh đồng hay bãi cỏ xanh triền đê làm chốn thư giãn, hay tìm đến nơi thật xa phố thị giữa thung lũng sen hồng... cũng là cách để con người thích nghi với điều kiện dịch bệnh. Trong cơn khốc liệt của những tổn hại do đại dịch, chỉ cần được hít một hơi thở lành, đã là may mắn...