Về vùng đất anh hùng

NGUYỄN QUANG VIỆT 07/07/2015 09:00

Tháng 7, về xã Bình Dương (Thăng Bình), vùng đất 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng (2 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu Anh hùng lao động), chúng tôi tìm gặp những người con ưu tú, kiên trung bám đất, bám làng đấu tranh bất khuất một thời…

Căn cứ “lõm” Bàu Bính (xã Bình Dương) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT
Căn cứ “lõm” Bàu Bính (xã Bình Dương) được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ảnh: QUANG VIỆT

1. Trưa một ngày đầu tháng 7, trong cái nóng bức bối hầm hập, chúng tôi về thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Hòa (86 tuổi, ở thôn 2, xã Bình Dương). Trong căn nhà nhỏ của mẹ Hòa, chúng tôi được kể cho nghe biết bao câu chuyện từ ký ức chiến tranh. Mẹ Hòa có con là liệt sĩ Võ Thị Lực, hy sinh vào tháng 2.1968. Chồng mẹ, ông Võ Thành Danh tham gia chiến đấu ở vùng đông Thăng Bình, mang thương tật trong người, qua đời cách đây đã hơn 5 năm. Ở tuổi xế chiều, mẹ Hòa sống trong sự đùm bọc, thương yêu của bà con lối xóm cũng như sự chăm sóc, giúp đỡ của các nhà hảo tâm. Mỗi tháng, cán bộ xã Bình Dương đều nhận và mang số tiền 1 triệu đồng của 2 đơn vị nhận phụng dưỡng là Cục Hậu cần (Tổng cục Chính trị) và Công ty VNPT Vinaphone khu vực 3 (TP.Đà Nẵng) đến trao tận tay người cháu của mẹ Hòa để trang trải cuộc sống.

“Mẹ vẫn còn nhớ như in thời đấu tranh gian khổ tận những năm 1964 cho đến ngày giải phóng. Hồi đó, mẹ tham gia cách mạng, đấu tranh trong phong trào của phụ nữ, làm liên lạc, cảnh giới địch, đủ mọi hình thức” - mẹ Hòa nói. Trong ký ức của mẹ, phong trào đấu tranh của người dân Bình Dương hiện lên rất đỗi hào hùng. Đầu năm 1964, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình khóa VII đã thống nhất chủ trương phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh diệt ấp, phá kèm, xây dựng thực lực cách mạng tiến tới giải phóng quê hương. Đến giữa năm 1964, Huyện ủy Thăng Bình hạ quyết tâm giành lại toàn bộ vùng đông, lấy Bình Dương làm trọng điểm và nhanh chóng mở rộng phạm vi ra toàn bộ 7 xã vùng đông.

Đêm 3.9.1964, các lực lượng chính trị, quân sự của huyện Thăng Bình vượt sông Trường Giang về trú tại thôn 6, xã Bình Dương. Ban Khởi nghĩa xã Bình Dương được thành lập, phát động quần chúng nhân dân thực hiện đồng khởi, phá kèm kẹp, giành chính quyền. Đến 12 giờ trưa 5.9.1964, quân và dân Bình Dương nổ súng, xung phong tấn công vào Hội đồng hương chính xã Bình Dương. Lúc này, nhân dân các xã vùng cát nhất tề nổi dậy khiến bọn địch trở tay không kịp, tan rã nhanh chóng. Đêm 5.9.1964, hàng nghìn người dân Bình Dương hàng ngũ chỉnh tề, bừng bừng khí thế cách mạng kéo về tập trung tại Trảng Mó (thôn 2) tổ chức mít tinh mừng chiến thắng đồng thời thành lập chính quyền tự quản. Chính quyền tự quản cũng đã thành lập các tổ chức, đoàn thể như nông dân, thanh niên, phụ nữ, kêu gọi nhân dân đoàn kết, hiệp sức xây làng chiến đấu, chống địch càn quét, bảo vệ vùng giải phóng. Sau khi Bình Dương giải phóng, nhân dân các xã còn lại của vùng đông tiếp tục đoàn kết vùng dậy, giải phóng quê hương, tạo nên hành lang liên hoàn, làm hậu phương lớn của Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung.

  Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Hòa bên ngôi nhà tình nghĩa. Ảnh: QUANG VIỆT
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Hòa bên ngôi nhà tình nghĩa. Ảnh: QUANG VIỆT

Đồng hành với phong trào cách mạng địa phương, trong quãng thời gian 1963 - 1964, mẹ Dương Thị Hòa thường xuyên đặt hầm chông ở những địa thế hiểm yếu, không chỉ chống càn quét mà còn tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Mẹ Hòa còn tham gia đấu tranh trong đội du kích xã Bình Dương. Vừa mưu trí đấu tranh vũ trang với địch, mẹ Hòa vừa âm thầm vận động người dân xây dựng làng chiến đấu bảo vệ thôn, xã. Thời gian này, mẹ Hòa và những anh hùng chân đất Bình Dương đã xây dựng thêm nhiều làng chiến đấu ở khu vực ven sông, ven biển. Sang những năm 1968, mẹ kết nối phong trào cách mạng Bình Dương với các cơ sở cách mạng rộng khắp huyện Thăng Bình. Tết Mậu Thân (1968), mẹ Hòa tham gia dẫn đầu đoàn người xuống đường đấu tranh chính trị tại Hà Lam. Cuộc đấu tranh diễn ra không được như kế hoạch định trước. Sự phản kích quá mạnh của kẻ thù đã buộc đoàn người phải phân tán ra nhiều hướng để bảo toàn lực lượng. Lúc này nhiều đồng chí đã bị thương, ngay cả người con gái của mẹ Hòa là Võ Thị Lực cũng đã hy sinh… Sau quãng lặng của câu chuyện, mẹ Dương Thị Hòa nói: “Những ngày tháng 7 này, các đoàn công tác, cán bộ của xã, huyện sẽ về lại thăm mẹ. Các nghĩa cử lại được dịp tỏ bày. Sau chiến tranh, quê hương đổi mới, phát triển, mẹ rất vui”.

Từ một địa phương có xuất phát điểm thấp, đến nay kinh tế - xã hội ở Bình Dương đã có những chuyển biến tích cực. Trên địa bàn xã không còn trường hợp hợp ở nhà tạm, hơn 90% hộ dân trang bị các phương tiện nghe, nhìn, đi lại hiện đại. Năm 1995, toàn xã có đến 35% hộ nghèo, nay giảm xuống còn 13%. Cơ sở hạ tầng, cơ quan, trường học, trạm y tế, điện, đường ngày một hiện đại.

2. Trong ký ức của người dân Bình Dương, cụ Phan Thanh Toán - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình hiện ra như một pho sử sống. Cụ am tường, thuộc từng ngóc ngách địa hình, hiểu rõ từng tính cách con người nơi đây. Có được như vậy là vì cụ hầu như có mặt trong mọi phong trào đấu tranh cách mạng ở Bình Dương từ sau Hiệp định Giơnevơ cho đến những ngày thống nhất đất nước. Những năm tháng sống và chiến đấu tại Bình Dương vẫn còn in đậm trong ký ức cụ Toán. Cụ Toán kể, sau năm 1969 khi xã Bình Dương lần đầu tiên được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, phong trào cách mạng ngày một lớn mạnh. Bởi vậy, vào tháng 6.1970, địch quyết định mở cuộc càn quét quy mô lớn, âm mưu bình định Bình Dương. Mỹ - ngụy huy động 9 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên, 2 trung đoàn và 3 liên đoàn biệt động ngụy cùng 130 xe tăng, 40 xe thiết giáp. Với lực lượng lên đến 9 nghìn quân, gấp đôi dân số Bình Dương, chúng liên tục giày xéo lên mọi ngóc ngách của vùng cát Bình Dương. Để bám trụ chiến đấu, quân và dân Thăng Bình đã lập nên căn cứ “lõm” Bàu Bính làm nơi tập kết lực lượng của tỉnh, huyện tác chiến cho cả 7 xã vùng đông Thăng Bình.

Từ căn cứ “lõm” Bàu Bính, quân và dân Bình Dương phối hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện tổ chức hàng trăm trận đánh, chống giặc càn vùng giải phóng, đồng thời tấn công đồn bốt, diệt ác ôn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, bắn rơi hàng chục máy bay, phá hủy hàng trăm xe tăng, quân trang, quân dụng của địch. “Người dân Bình Dương đã không ngần ngại phá dỡ nhà để xây hầm bí mật, nuôi giấu cán bộ. Những người mẹ, người chị gan dạ, dũng cảm đã hiên ngang đứng cản xe tăng của địch, che chở bộ đội. Người dân Bình Dương đã viết nên những trang sử vẻ vang” - cụ Toán nói. Đến năm 1972, xã Bình Dương thêm một lần nữa được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

*               *
*

Đến xã Bình Dương vào những ngày này, dễ nhận thấy gương mặt làng quê khang trang. Các tuyến đường liên thôn, liên xã đã được trải nhựa. Các tuyến kênh mương nội đồng cũng được bê tông hóa chạy dọc những cánh đồng lúa xanh rì. Nhà văn hóa các thôn đều được xây dựng khang trang kiên cố. Cụ Toán mừng với các thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của xã anh hùng từ những ngày đầu sau giải phóng đến nay. “Sau ngày giải phóng đất nước, xã Bình Dương đi ra từ trong hoang tàn đổ nát, đầy rẫy chứng tích chiến tranh. Vậy nhưng, với tâm thế của vùng đất anh hùng, người dân đã đồng lòng cùng các cấp, các ngành tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa. Nông dân chú tâm tăng gia sản xuất; ngư dân mua sắm ngư lưới cụ, vươn ra biển lớn khai thác hải sản. Công cuộc phục hưng rừng phi lao chắn cát xâm nhập, giữ gìn nguồn nước cũng đã được mọi giai tầng xã hội hưởng ứng. Sức sống từng ngày trỗi dậy trên vùng đất anh hùng” - cụ Toán nói. Với nhiều thành quả thu được sau 10 năm kiện toàn sau chiến tranh (1975 - 1985), xã Bình Dương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về vùng đất anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO