Về vùng đất học

LÊ THÍ 01/07/2017 10:14

Quảng Nam là vùng đất học nổi tiếng, trong đó Điện Bàn là địa phương tiêu biểu. Nhắc lại chuyện khoa bảng ngày xưa không nhằm mục đích đề cao khoa cử mà cốt cổ vũ tinh thần “học tập suốt đời” và “học đi đôi với hành”!

Nhà thờ Tộc Phạm ở Ngân Câu, Điện Bàn, nơi thờ  “Đệ nhất khoa bảng Quảng Nam” - Phạm Như Xương.
Nhà thờ Tộc Phạm ở Ngân Câu, Điện Bàn, nơi thờ “Đệ nhất khoa bảng Quảng Nam” - Phạm Như Xương.

Dù là vùng đất mới, Quảng Nam vẫn được các nhà nghiên cứu xếp vào vùng đất học. Trong suốt 100 năm khoa bảng Nho học dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 254 cử nhân, 24 phó bảng và 15 tiến sĩ. Với 39 đại khoa, Quảng Nam được xếp thứ 6 trong số 23 tỉnh thời bấy giờ (Theo Phạm Ngô Minh -  Trương Duy Hy: Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn, Nxb Văn Nghệ, 1995).

Điều ai cũng biết là để làm nên vùng đất học đó, có sự đóng góp lớn lao của Điện Bàn với 6/15 tiến sĩ (40%), 9/24 phó bảng (37,5%) và 108/254 cử nhân (42,5%), xếp vị thứ nhất trong số các huyện của cả tỉnh. Điện Bàn xứng đáng được xếp là vùng “đất học hàng đầu” của đất học Quảng Nam. Rất nhiều vị khoa bảng của Điện Bàn được vinh danh không chỉ là do việc học giỏi, đỗ cao mà còn vì biết kết hợp tài tình giữa học với hành, đã để lại một sự nghiệp vẻ vang.

Những điều lạ

Nói đến khoa cử của Điện Bàn, ngoài việc đây là huyện có nhiều người đỗ đạt nhất tỉnh trong lịch sử khoa cử thời Nho học, còn có thêm nhiều điều lý thú khác.

Điện Bàn là nơi có người đỗ cao nhất. Ngoài Phạm Phú Thứ (1821-1882) là một trong hai song nguyên (đỗ thủ khoa cả hai khoa thi Hương và Hội) của cả tỉnh (người thứ hai ở Tiên Phước là Huỳnh Thúc Kháng), Điện Bàn còn là quê hương của vị Hoàng giáp duy nhất của cả tỉnh. Trong số 15 tiến sĩ của cả tỉnh chỉ có Phạm Như Xương (1844-1917) là đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ còn 14 vị kia đều đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Phạm Như Xương vì thế được tôn vinh là “Đệ nhất khoa bảng Quảng Nam” (Khoa cử triều Nguyễn không có các học vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa như thời Lê, thay vào đó là Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân). Không những đỗ cao, Phạm Như Xương còn sẵn sàng chấp nhận “bị đục tên trên bia đá ở Văn miếu” để đem sở học của mình phục vụ cho dân tộc với việc viết Hịch Văn thân và tham gia trực tiếp phong trào Nghĩa hội.

Điện Bàn đóng góp “nhân sự” cho các danh xưng cao quý khác của đất học Quảng Nam như tứ hùng, tứ hổ, ngũ phụng tề phi, lục phụng bất tề phi…

Về danh xưng Tứ hùng, theo cụ cử nhân Hồ Ngận trong Quảng Nam xưa và nay, đó là 4 người được nhân dân vinh danh gồm Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Tiểu La Nguyễn Thành. Điện Bàn đóng góp một người là Trần Quý Cáp.

Về danh xưng Tứ hổ, theo GS.Phạm Ngọc Khánh thì đó là “Bốn người học hành uyên bác, trí tuệ tài hoa, có sức mạnh phi thường trong trường văn trận bút của Quảng Nam, gồm Phạm Liệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp. Điện Bàn đóng góp 2 người là Phạm Liệu và Trần Quý Cáp.  

Còn với danh xưng Ngũ phụng tề phi, Điện Bàn lại đóng góp đến 80% “nhân sự” với 2 tiến sĩ (Phạm Liệu, Phạm Tuấn) và 2 phó bảng (Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến).

“Lục phụng bất tề phi”

Lục phụng bất tề phi là danh xưng mà nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân đề nghị, bởi ông không mặn mà lắm với danh hiệu Ngũ phụng tề phi, vì những vị đó chỉ học giỏi nhưng không để lại sự nghiệp vẻ vang bằng “lục phụng”. Đó là 6 “con phụng” tuy không “tề phi” - không đỗ một khoa, nhưng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp của dân tộc, gồm là Phạm Phú Thứ (tiến sĩ), Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu (phó bảng), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (tiến sĩ), Phạm Như Xương (Hoàng Giáp)... Với danh xưng này Điện Bàn góp 4 người.

Điện Bàn cũng là vùng đất duy nhất của Quảng Nam và rất hiếm hoi của cả nước có Ngũ tử đăng khoa, đó là gia đình tộc Nguyễn ở làng Túy La (nay thuộc xã Điện Hồng) với 5 anh em cùng thi đỗ, trong đó 2 người đỗ cử nhân là Nguyễn Thành Ý và Nguyễn Tĩnh Cung  và 3 người đỗ tú tài là Nguyễn Khắc Trân, Nguyễn Chánh Tâm và Nguyễn Tu Kỹ.

Điện Bàn cũng là nơi diễn ra “hiện tượng lạ” trong khoa cử với trường hợp của Trần Quý Cáp. Ông vốn là người học giỏi, uyên bác nhưng thi mãi không đỗ cử nhân (trong khi học trò của ông thì nhiều người đỗ phó bảng, tiến sĩ). Khi được đặc cách thi Hội (nhờ học trò bảo lãnh) thì đỗ ngay Á khoa, đã để lại một câu đối để đời trong lịch sử khoa cử: “Tố tiến sĩ khước dị, tố cử nhân khước nam. Ức ức dương dương vô phi tạo ý; Áp Đình nguyên tại Hội, áp Hội nguyên tại Đình. Vinh vinh quý quý hà tất khôi khoa”. Tạm dịch: Đỗ tiến sĩ thì dễ, đỗ cử nhân lại khó. Thăng trầm không phải là không do ý trời. Đỗ trên người đỗ đầu thi Hội trong thi Đình, đỗ trên người đỗ đầu thi Đình tại thi Hội. Thế là vinh hiển lắm rồi cần gì phải đỗ thủ khoa. (Khoa thi Hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ thứ nhất, Trần Quý Cáp thứ 2, Đặng Văn Thụy thứ 3… Vào thi Đình, Đặng Văn Thụy đỗ thứ nhất, Trần Quý Cáp thứ 2, Huỳnh Thúc Kháng tụt xuống vị thứ 4…).

Một điều lý thú đặc biệt mà ít người để ý đó là Điện Bàn là nơi có tiến sĩ trẻ tuổi nhất và tiến sĩ lớn tuổi nhất của vùng đất học Quảng Nam. Phạm Phú Thứ thi đỗ tiến sĩ khi mới 22 tuổi. Ông sinh năm Tân Tỵ 1821 và đỗ tiến sĩ năm  Quý Mão 1843. Ngược lại Phạm Tuấn lại đỗ tiến sĩ ở độ tuổi 46. Ông sinh năm Nhâm Tý, 1852, đỗ tiến sĩ năm Mậu Tuất, 1898.

“Tứ phụng tề phi”     

Khi nói đến khoa cử Nho học, người Quảng Nam thường tự hào về “Ngũ phụng tề phi”. Đó là khoa thi Hội năm Mậu Tuất 1898, Quảng Nam có 5 người thi đỗ gồm 3 tiến sĩ và 2 phó bảng. Nhưng sau này nhiều người không mặn mà lắm với danh xưng này không những vì các vị ấy không để lại sự nghiệp lớn về văn chương, chính trị mà còn vì đây không phải là sự kiện “hiếm”. Trong suốt lịch sử khoa cử của triều Nguyễn có đến 8 khoa có “ngũ phụng tề phi”, ngoài ra còn có 1 khoa “lục phụng” và một khoa “thất phụng”.

Thế nhưng, chuyện “Tứ phụng tề phi” ở một huyện lại là chuyện “rất hiếm”. Trong lịch sử khoa cử của triều Nguyễn chỉ thấy có hai huyện có được “chiến tích” này mà thôi, đó là Điện Bàn (Quảng Nam) với khoa thi năm Mậu Tuất (1898) và Nam Đàn (Nghệ An) với khoa thi năm Canh Tuất (1910).  

Lâu nay chúng ta - kể cả người Điện Bàn - cứ tập trung vào Ngũ phụng mà quên mất chuyện Tứ phụng! Có lẽ tỉnh Quảng Nam nên chia sẻ sự tự hào này của Điện Bàn và xem đây là sự kiện “hiếm có” của Quảng Nam hơn là chuyện “Ngũ phụng tề phi”.

LÊ THÍ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về vùng đất học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO