(QNO) - Trong lũ, nước cuồn cuộn đổ về nhấn chìm và cuốn trôi mọi thứ. Lũ đi, cả làng bị vùi lấp dưới hơn 1 mét cát. Những con đường bê tông kiên cố chỗ thì bị nước lũ xé toạc, chỗ thì bị vùi sâu trong cát. Cuộc sống của người dân đảo lộn bởi lũ và cát. Đó là tình cảnh của người dân hai thôn Đại Mỹ và Thành Đại, xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc).
Mặc dù nước lũ đã xuống nhưng hai xã Đại Lãnh và Đại Hưng vẫn còn bị cô lập. Phương tiện duy nhất đến hai xã này là đi phà. |
Tan hoang thôn nghèo
Theo thống kê của UBND xã Đại Hưng, cơn lũ lớn bất thường vừa qua đã làm thiệt hại nặng nề về kinh tế cho xã. Theo đó, 4ha chuối trồng tết, 2ha rau màu bị lũ làm hư hại; 450 con heo và 750 con gà bị chết và trôi mất; bồi lấp 2ha đất sản xuất và làm hư hại nhiều công trình giao thông, kênh nội đồng… Tổng thiệt hại của cơn lũ ước tính ban đầu là 4 tỷ đồng. |
Sau cơn lũ kinh hoàng, chúng tôi tìm về thôn Đại Mỹ và Thành Đại (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) để ghi nhận những khốn khó mà người dân nơi đây phải gánh chịu. Để về đến được thôn Đại Mỹ và Thành Đại, chúng tôi phải vượt hơn 50km bằng xe máy theo quốc lộ 14B, qua nhiều điểm ngập lũ mới đến được Ba Khe (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc). Từ đây, phải mất 30 phút đi phà ngược sông Vu Gia rồi mới tới nơi. Trên đường đi, rơm rạ và rác còn vương trên dây điện, trên ngọn cây cao, bằng chứng của một cơn lũ kinh hoàng vừa đi qua. Con đường bê tông dẫn vào làng Đại Mỹ ngập sâu dưới hơn 1 mét cát. Hai bên đường, hầu hết nhà dân bị cát lấp hơn 1 mét, rác vướng trên tường nhà. Ngấn lũ vẫn còn in đậm trên 3 mét so với nền nhà.
Chị Trần Thị Cảnh (44 tuổi, trú thôn Đại Mỹ) vẫn chưa hết bàng hoàng: “Lũ chi ghê quá chú ơi. Chiều 15.11, tui đang làm đồng thì thấy nước lên vội bỏ chạy về nhà. Mới vừa tới nhà thì nước đã vào tới sân, chưa kịp dọn gì thì nước ào ạt kéo về nhấn chìm tất cả. Nào heo, nào gà, đồ đạc trong nhà bỗng chốc bị cuốn trôi. Tôi chỉ còn biết trèo lên nóc tủ thoát thân”.
Bà Trần Thị Thí (82 tuổi, thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) bên ngôi mộ trong vườn nhà bị lũ cuốn trôi. |
Bà Trần Thị Thí (82 tuổi), mẹ chồng chị Cảnh, đứng nhìn hai cái ao bị lũ đào sâu hoắm, nơi trước đây là hai cái mộ, than thở: “Tui sống gần hết đời người nơi đây mà chừ là lần đầu tiên tui thấy cây lũ về nhanh và chảy như thác. Từ trước tới nay chưa bao giờ có lũ như thế này, từ khi có mấy cái thủy điện ở thượng nguồn là làng mạc bị tàn phá, bị cát lấp. Nhà bị cát lấp, vườn thì bị lũ đào thành ao sâu, đến hai cái mộ bằng xi măng mà cũng bị cày xới đâu mất”.
Dân không biết thủy điện xả lũ
Cách đó không xa, bà Lê Thị Bảy (53 tuổi) đang gồng mình xúc cát bồi lấp trong nhà, bà bức xúc: “Họ (thủy điện – PV) xả lũ mà chẳng thông báo chi hết, làm dân tui chẳng kịp trở tay. Mưa không lớn nhưng chỉ mấy mươi phút là nước ngập trắng, nhấn chìm tất cả. Sau lũ xiết là nhà cửa, đường sá bị cát lấp sâu cả hơn 1 mét, không biết đến khi nào mới dọn xong. Heo gà thì lũ cuốn hết rồi, không biết lấy gì để sống”.
Nhà bà Lê Thị Bảy (thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng) bị cát vùi lấp sau lũ. |
Bà Bảy cho biết thêm, cả làng không ai nghĩ là có cơn lụt lần này (hôm 15.11) vì hôm đó trời mưa không lớn và chỉ mới mưa chưa được nửa ngày nhưng nước lũ về nhanh như chớp. Mấy cơn lụt trước, xã, thôn đều thông báo thủy điện xả lũ nên người dân chạy kịp, lần này không hề nghe thông báo thủy điện xả lũ nên lũ về chẳng ai trở tay kịp.
Nhiều năm qua, cứ mỗi khi các hồ chứa thủy điện như A Vương, Đắk Mi 4 và các thủy điện nhỏ trên thượng nguồn sông Vu Gia xả lũ là hai xã Đại Hưng và Đại Lãnh (nằm kẹp giữa hai nhánh sông Cái và sông Côn, thuộc hệ thống sông Vu Gia) bị nước lũ phá tan hoang.
Cát vùi lấp đường bê tông hơn 1 mét tại thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng. |
Ông Lương Thành Nhân (thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh), cho biết: Trước đây, mưa kéo dài 3 đến 5 ngày mới bắt đầu có lũ, nhưng lũ về rất chậm nên người dân có thể nhìn mưa mà đoán được. Nhưng kể từ khi có các thủy điện phía thượng nguồn, lũ lụt bất thường, sóng cuộn xiết như có sóng thần nên người dân không thể chạy lũ. Cứ mỗi lần lũ về, dân chạy thoát thân, còn tài sản, trâu, bò, heo, gà bị lũ cuốn sạch. Hàng trăm năm qua chỉ có lụt năm Thìn (năm Giáp Thìn, 1964 - PV) là kinh hoàng nhất, nhưng từ năm 2009 tới nay, năm nào cũng có lụt như năm Thìn.
Người dân dọn nhà bị cát vùi lấp. |
Ông Hà Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, cho biết: Cơn lũ vừa qua lũ về rất nhanh lại chảy xiết nên người dân không ai kịp chuyển tài sản chạy lũ. Về chuyện thủy điện xả lũ, các thủy điện lớn mỗi khi xả đều có thông báo đến huyện, huyện thông báo về xã, xã thông báo đến dân qua loa phóng thanh. Tuy nhiên lũ lần này nhanh quá, xã vừa thông báo thì lũ đã ngập tràn.
Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, cho biết thêm: Hiện nay chỉ có một số thủy điện lớn như A Vương, Đắk Mi 4 khi xả lũ là có thông báo, trong khi nhiều thủy điện nhỏ khác như: Sông Côn, Sông Vàng 1, Sông Vàng 2,…thì không nghe nói gì nên chẳng ai kiểm soát được mức xả lũ của các thủy điện này. Vì thế, mỗi khi các thủy điện lớn xả lũ thì các thủy điện nhỏ cũng “ăn theo” nhưng chẳng ai để ý.
NGUYÊN KHÔI
|