Về vùng "xuất ngoại"

LÊ QUÂN 17/12/2015 08:59

Ở vùng “rốn lũ” của khu B Đại Lộc, nơi ngày trước nghèo đói đeo đẳng, thì nay, những giấc mơ đổi đời đã thành hiện thực… Nơi này, như mọi người vẫn gọi vui là “làng xuất ngoại”.

Xã Đại Minh (Đại Lộc) với diện mạo nông thôn thay đổi nhờ phong trào xuất khẩu lao động. Ảnh: L.Q
Xã Đại Minh (Đại Lộc) với diện mạo nông thôn thay đổi nhờ phong trào xuất khẩu lao động. Ảnh: L.Q

Và để thực hiện công cuộc đổi đời, thanh niên xứ này đã chọn con đường xuất khẩu lao động, và thành những “công nhân quốc tế, công nhân liên lục địa” - như cách họ đùa khi nói về nhau. Chí thú làm ăn ở nước bạn, chắt chiu từng đồng tiền để trở về, gầy dựng nhà cửa, quê hương. Đại Minh bây giờ, với những ngôi làng được gọi tên bằng làng “Việt kiều”, làng “xuất ngoại”, đang vẽ ra những con đường thoát nghèo bền vững.

Đổi đời

Khác xa trong tưởng tượng về những làng quê thuần nông, những ngôi làng ở Đại Minh khiến người ta hình dung đến vóc dáng phố thị, với nhà cửa khang trang, đường sá tinh tươm. Chỉ riêng làng Phước Bình, chưa đầy một trăm hộ dân, đã có 40 hộ chọn con đường xuất khẩu lao động để vươn lên. Có nhà một người đi, có nhà đến tận 6 người cùng đi. Họ rủ nhau làm những cuộc đổi đời nơi xứ người. Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời. Và họ thành công, khi trở về quê nhà. Có người đi 5 năm, mang về được hơn tỷ đồng. Người đi 3 năm, cầm về mấy trăm triệu đồng làm vốn mưu sinh. Cứ vậy, bao nhiêu khổ ải khó khăn nơi xứ người tự họ lo liệu, chỉ hy vọng đến ngày trở về tích lũy được số vốn đủ để trang trải cuộc sống ở quê nhà.

Con đường lập thân, lập nghiệp

Anh Ngô Bá Kông - Bí thư Đoàn thanh niên xã Đại Minh, người đầu tàu cho phong trào đưa thanh niên đi xuất khẩu lao động, cũng là người trăn trở nhiều nhất cho những chuyến trở về và lập nghiệp trên quê hương thanh niên lao động. “Bản thân tôi trước đây đã từng đi xuất khẩu lao động nên hiểu rõ hiệu quả kinh tế của chương trình này. Đi xuất khẩu lao động, người dân phải bỏ ra số tiền lớn và tâm lý chi phối bởi những thông tin lừa đảo phản ánh trên báo chí. Nhận thấy sự lo lắng đó, mình đã trực tiếp đi gõ cửa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động ở Đà Nẵng để tìm đối tác tin cậy. Đoàn thanh niên xã còn làm việc trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên có thể dễ dàng vay vốn ngân hàng, hoàn thành thủ tục, giấy tờ, hồ sơ đi xuất khẩu lao động một cách nhanh nhất. Từ những thanh niên đầu tiên đi xuất khẩu lao động thành công sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), đã mở ra một con đường lập thân, lập nghiệp mới cho thanh niên ở xã Đại Minh” - anh Ngô Bá Kông chia sẻ.

Quan trọng hơn, như Kông nói, thông qua chương trình hỗ trợ này của Đoàn thanh niên xã, nhiều suy nghĩ lâu nay của các bạn trẻ, kiểu như tốt nghiệp trung học phổ thông xong nếu không đậu đại học là đi học trung cấp, cao đẳng theo phong trào, nhưng lại không biết sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp, đã thay đổi. Họ xác định, con đường lập nghiệp có thể chọn đi xuất khẩu lao động, vừa học tiếng vừa học nghề, trở về có vốn mưu sinh.

Bắt đầu manh nha từ những năm 2005, đến đầu năm 2010, phong trào đi xuất khẩu lao động của thanh niên Đại Minh rộ lên. Những năm ấy, thị trường được nhắm đến là Hàn Quốc. Sang đến đầu năm 2013, khi thị trường Hàn Quốc bão hòa, thị trường Nhật Bản là lựa chọn hàng đầu. Hiện tại, tính cả 40 lao động đã trở về, xã Đại Minh có khoảng 100 người tham gia xuất khẩu lao động. Và cũng chính con đường này đã góp phần thay đổi diện mạo của những ngôi làng ở Đại Minh. Ông Võ Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Minh cho biết, số lượng thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài của xã đang dẫn đầu huyện Đại Lộc. “Đây là nguồn lực quan trọng góp phần làm thay đổi đời sống người dân trong những năm gần đây. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 25 triệu đồng/năm. Nếu năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 14% thì đến cuối năm 2015 chỉ còn 3,9%” - ông Phúc nói.

Bây giờ về Đại Minh, gần như mỗi ngôi nhà có tầng lầu kinh phí xây dựng hết 70% từ tiền ngoại tệ. Anh Lê Văn Tâm - một người trở về sau khi đi lao động ở Hàn Quốc giới thiệu với chúng tôi những cái tên như Hồ Tấn Sinh, Lê Đức Nam, Lê Đức Lực… Anh còn làm cho chúng tôi một bản thống kê nho nhỏ, trong lúc thay dầu máy cho khách, rằng cứ một người đi xuất khẩu lao động, trung bình mỗi tháng gửi về cho gia đình ít nhất 20 triệu đồng, so với mặt bằng thu nhập ở quê thì còn gì bằng. “Nếu có cơ hội, tôi cũng sẽ tiếp tục đi xuất khẩu lao động” - anh Tâm nói. Sang Hàn Quốc đầu năm 2007, đến 2012 trở về, anh Tâm nắm được gần 1 tỷ đồng trong tay. Vợ anh Tâm, cũng là người đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, sau khi hết hợp đồng, hai người trở về quê nhà, kết hôn và mở cửa hàng kinh doanh từ số tiền dành dụm được nơi xứ người.

Những câu chuyện ngẫm suy

Nghe nói đến tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, ai cũng ham. Nhưng sau hàng trăm triệu, thậm chí đến cả tiền tỷ, là những giọt nước mắt cay đắng. Nhưng một khi đã ra đi, là chấp nhận. Như anh Hồ Tấn Sinh nói, làm gì thì cũng phải trả giá, ở quê làm ruộng thì phải chịu nghèo, muốn làm giàu thì phải chịu cực khổ. Tâm lý như vậy, nên dù có bao nhiêu tủi buồn, họ cũng gắng chịu. Nhớ về quãng thời gian ở xứ người, khi mọi thứ đều được quy thành tiền, hễ sai sót, trễ giờ là trừ thẳng vào ngày công, nên áp lực của một người thanh niên nông thôn phải chịu không hẳn dễ dàng. “Qua đó, phải mất một năm trời mới không còn thấy mệt mỏi vì thời tiết thay đổi, thích ứng với lịch sinh hoạt công nghiệp của họ. Buồn nhất là những ngày lễ, tết ở bên mình, gọi điện thoại về nhà để nghe được không khí, rồi anh em ngồi khóc với nhau” - anh Sinh chia sẻ. Mang tiếng đi nước ngoài làm việc, chứ cứ quanh quẩn ở công xưởng với nhà trọ, có đi, có biết được nơi nào. Mỗi tuần được nghỉ Chủ nhật thì tranh thủ ngủ, để bù cho những ngày trong tuần, phải làm việc quần quật 14 - 16 tiếng.

Với tay nghề cao, phong cách làm việc công nghiệp, nói được ngoại ngữ, thế nhưng, nhiều lao động chia sẻ, sau khi về nước rất khó để tìm được việc làm, bởi các công ty, cơ sở sản xuất vẫn chủ yếu cần lao động phổ thông, trả mức lương thấp. Tìm nơi trả mức lương xứng đáng ở quê nhà là điều rất khó, trong khi cơ hội quay lại các nước để làm việc thì ít. Tại Đại Minh, cũng đã có nhiều lao động sau khi về nước có chút vốn nhưng sau đó lại rơi vào cảnh tay không vì thiếu hướng mưu sinh, lo trang trải cho cuộc sống. Cùng với Ngô Bá Kông - người thanh niên đầu tàu khởi phát nên phong trào đi xuất khẩu lao động ở làng quê này, một nhóm thanh niên từng đi xuất khẩu lao động đã hùn nhau thành lập tổ hợp tác thanh niên, góp vốn mở trang trại chăn nuôi thỏ, dế, rắn mối, cá. Qua đó góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ xuất khẩu lao động để phát triển kinh tế của địa phương. Và dù chỉ mới thành lập chưa đầy một năm, nhưng số vốn họ đem về từ nước ngoài đã phát huy tác dụng. Hơn thế, còn mở ra cơ hội cho khá nhiều thanh niên địa phương cùng tham gia. Và chính những thanh niên làm nên trang trại tập thể này, vẫn ước mong họ sẽ làm giàu ngay trên chính quê hương, chứ không phải biền biệt xứ người tận mấy năm trời.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về vùng "xuất ngoại"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO