Không gian trưng bày các sản vật của núi, ngay trước cổng chính Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) tạo sức hút đối với người dân và du khách. Đây là dịp “thử nghiệm” đưa sản vật vùng cao đến gần hơn thị trường đồng bằng, sau thời gian dài quảng bá, giới thiệu.
Sản phẩm thanh niên khởi nghiệp
Không chọn lựa cách “xếp tầng” quen thuộc thường thấy, bên gian hàng trưng bày của mình, Huyện đoàn Nam Giang khéo léo bày biện các sản vật một cách bắt mắt và ấn tượng. Nhiều người tìm đến, dễ dàng nhận diện sản phẩm đặc trưng nhất, từ thịt heo đen hun khói, hoa đu đủ đực sấy khô, cho đến kiệu rẫy muối chua, muối ớt ràng ray… mang phong vị núi rừng.
Cuối tuần qua, tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), diễn ra Hội chợ trưng bày và kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên vùng đồng bào DTTS và miền núi tiêu biểu năm 2023, thu hút 13 gian hàng với hơn 60 sản phẩm đặc trưng tham gia. Thông qua hội chợ nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả tiểu dự án 2 (dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi); đồng thời kết nối, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm đặc trưng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đến các nhà đầu tư, đơn vị tiêu thụ.
Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, tất cả sản phẩm độc đáo này được thanh niên địa phương “ký gửi” đến hội chợ trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi do Tỉnh đoàn phối hợp với Công đoàn Các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh tổ chức.
Sau thời gian khởi nghiệp bằng sản vật đặc trưng, nhiều thanh niên miền núi Nam Giang hình thành nên các loại sản phẩm mang thương hiệu OCOP, được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
“Như sản phẩm hoa đu đủ đực sấy khô của cơ sở sản xuất Hương Quyền (xã Chà Vàl), được xem là mặt hàng khá độc quyền của thanh niên miền núi ở thời điểm này.
Bằng sự tìm tòi, học hỏi và đam mê khởi nghiệp theo hướng riêng, Hương Quyền đã phát triển trồng cây đu đủ đực lấy hoa, rồi hình thành sản phẩm hoa đu đủ đực sấy khô, kết nối thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế.
Hầu hết sản phẩm mang đến trưng bày lần này đều là mô hình khởi nghiệp của thanh niên, với kỳ vọng sẽ giới thiệu rộng rãi giúp sản vật vùng cao gần hơn với thị trường mới” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.
Mục tiêu kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên DTTS và miền núi xứ Quảng, cụ thể là thị trường thành phố lớn đã và đang được “chắp cánh” từ các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tổ chức thời gian gần đây.
Như sản phẩm cam sạch Ga Ry (Tây Giang), ngay khi vừa chuyển đến hội chợ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của người dân và du khách đồng bằng. Chỉ chưa đầy một tiếng đồng hồ, hơn 50kg cam đã được bán sạch trong sự tiếc nuối của những người đến trễ. Đây thực sự là tín hiệu khả quan, giúp nông sản vùng cao có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ xa hơn.
Kết nối thị trường tiêu thụ
Từ vùng núi Nam Trà My, chị Hồ Thị Thúy Ngân (Công ty CP lâm dược Ngọc Linh) mang đến hội chợ các sản phẩm được làm ra từ sâm Ngọc Linh và các dược liệu đặc trưng của vùng.
Từ một hộ thanh niên kinh doanh đơn lẻ, sau nhiều năm miệt mài công việc, Thúy Ngân thành lập công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản tại địa phương. Trong đó, lấy sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu chủ lực của vùng đất Nam Trà My làm “nguyên liệu” khởi nghiệp, tạo dựng thương hiệu và hỗ trợ thanh niên địa phương cùng phát triển kinh tế.
Vì thế, các sản phẩm của Thúy Ngân được trưng bày tại hội chợ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách. “Những sản phẩm đặc trưng nhất của miền núi Nam Trà My được trưng bày giới thiệu, hy vọng sẽ mang đến cho du khách sự lựa chọn đa dạng, kết nối thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng hơn” - chị Thúy Ngân nói.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Hoàng Văn Thanh, phong trào khởi nghiệp của thanh niên miền núi đang phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng cao được biết đến. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan, một số sản phẩm nông sản, đặc biệt là mô hình khởi nghiệp của thanh niên chưa kết nối được đầu ra ổn định, nhất là thị trường các thành phố lớn.
“Hội chợ nhằm cụ thể hóa phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên miền núi đến gần hơn với thị trường đồng bằng, nhất là tại các khu công nghiệp, thanh niên công nhân trên địa bàn tỉnh.
Điểm khác biệt độc đáo của hội chợ này nằm ở chỗ, toàn bộ sản phẩm được mang đến trưng bày, giới thiệu đều là mô hình khởi nghiệp riêng của thanh niên miền núi. Ngoài ra, để khuyến khích thanh niên miền núi khởi nghiệp, trong chương trình hội chợ, chúng tôi tuyên dương 6 gương thanh niên miền núi khởi nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp, cống hiến cho cộng đồng địa phương” - anh Thanh nói.