Vẹn nguyên Lộc Yên

DIỄM LỆ 21/05/2022 07:46

(VHQN) - Trải qua bao biến thiên, nếp nhà xưa Lộc Yên vẫn lưu giữ vẹn nguyên. Người bước vào nhà, cảm giác đều phải tự sửa soạn mà nghiêm cẩn, mà giữ gìn gia phong.

Ngôi nhà cổ được lưu giữ qua bao thế hệ của gia đình ông Nguyễn Đình Hoan.
Ngôi nhà cổ được lưu giữ qua bao thế hệ của gia đình ông Nguyễn Đình Hoan.

Ngõ đá, bờ chè tàu, giếng đá, bờ đá giữ vườn giữ đất đã làm nên hồn cốt của một Lộc Yên nguyên sơ. Nguyên bản nhưng không lỗi thời, Lộc Yên vẫn đang hòa vào dòng chảy thời gian mà vẫn lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo.

Văn hóa đá nơi làng cổ

Đi trên những bậc đá dẫn vào căn nhà cổ của mình, ông Nguyễn Đình Mẫn giới thiệu, căn nhà gần 150 năm tuổi của gia đình ông được thừa kế nguyên kiến trúc cổ xưa.

Ông Mẫn đưa lối: “Dưới chân tôi và cô đang đi là ngõ đá đã giữ gìn hơn trăm năm rồi, nó có trước căn nhà cổ luôn. Ngay cả bờ chè tàu này cũng giữ từ xa xưa, cứ cắt tỉa vậy mà thành.

Ở Lộc Yên này, ngõ nhà nào cũng bờ đá. Xưa thì chất bờ đá là để giữ đất, nước, vườn, phân chia ranh giới các khu vườn. Giờ thì đá là nét đẹp văn hóa, là giá trị mà người dân Lộc Yên chúng tôi được khuyến khích lưu giữ, phát triển để phục vụ du lịch”.

Trong các căn nhà cổ, giá trị kiến trúc cổ kính được lưu giữ nguyên vẹn.
Trong các căn nhà cổ, giá trị kiến trúc cổ kính được lưu giữ nguyên vẹn.

Ngõ đá, bờ đá tô điểm thêm vẻ đẹp của làng hay những giếng đá cổ tạo nét riêng độc đáo cho Lộc Yên. Qua bao dâu bể, bờ đá ngày nay trở thành điểm nhấn, góp phần tạo nên nét đặc trưng cho làng cổ.

Người dân cũng đã phục dựng bờ đá bị ngã đổ, chất thêm bờ đá trên những lối đi vào làng, vào ngõ nhà. Ngay cả Nhà văn hóa làng Lộc Yên, nơi đón tiếp du khách đến tham quan làng cổ cũng được xây dựng và tạo cảnh quan từ đá. Đá hòa quyện với bờ chè tàu xanh, bên những vườn cây trái xanh mướt, không gian làng cổ Lộc Yên càng được tôn thêm nét đẹp cổ kính đã được gìn giữ tự bao đời.

Kể từ ngày Lộc Yên đón nhận Bằng di tích quốc gia “Làng cổ Lộc Yên”, một trong những ngôi làng cổ của Việt Nam, giá trị đã được công nhận được người dân tôn tạo, lưu giữ phục vụ cho định hướng phát triển du lịch.

Ngõ đá trở thành nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L
Ngõ đá trở thành nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L

 Màu thời gian in trên từng bờ đá, căn nhà cổ, hài hòa trong không gian khu vườn xanh ngát bao quanh căn nhà, tạo nên giá trị riêng có đặc trưng vùng trung du xứ Quảng.

Giữ nếp xưa

Theo gia phả của tộc Nguyễn (Lộc Yên), dưới thời Tây Sơn, ông Nguyễn Công Tuyết người làng Tận Phước (Tam Kỳ) đã đưa gia đình cùng một số dân đinh đến đây khai hoang lập làng đặt tên Lộc An thôn, về sau gọi là Lộc Yên. Đến nay qua 7 đời, làng Lộc Yên có nhiều tộc họ cùng sinh sống thuận hòa.

Ở Lộc Yên còn lưu giữ được 8 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 năm đến 150 năm, trải qua nhiều thế hệ, với kiểu thức kết cấu nhà lá mái và nhà rường, kiến trúc độc đáo, tinh xảo. Những ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Huỳnh Anh, Nguyễn Đình Mẫn, Đồng Viết Mão... đều có kiến trúc cổ nhà 8 cột cái, 3 gian 2 chái, kèo tam đoạn, giao nguyên có trụ trốn (đầy đủ bộ phận trỏng quả). Các ngôi nhà cổ Lộc Yên được đánh giá là quần thể có giá trị cao về mặt kỹ xảo và mỹ thuật.

Ngõ đá trở thành nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L
Ngõ đá trở thành nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: D.L

Men theo từng bậc của ngõ đá rêu phong dẫn vào ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Đình Hoan, màu thời gian vương trên từng bờ đá còn được giữ lại hơn trăm năm qua. Căn nhà bằng gỗ mít vẫn đứng vững chãi mặc thời gian trôi qua trên mái ngói cổ xưa. Đến đời ông Hoan, căn nhà đã qua 3 đời lưu giữ.

Như lời ông Hoan, lúc cha ông còn sống, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cử người đến hỏi mua căn nhà này nhưng cả ông nội và cha ông không đồng ý. Lần thứ hai, người đại diện của gia tộc họ Ngô lại hỏi mua để làm nhà thờ tộc, nhưng cũng không được.

Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, Tiên Phước nói chung là vùng bán sơn địa, chỗ cao là gò, đồi, vùng trũng thấp là thung lũng với suối khe. Làng này cách làng kia thường là những dãy đồi và giới hạn chu vi của làng bởi phần đồi bao quanh có thung lũng bên trong.

Làng Lộc Yên cũng với cảnh quan trên, trải bao thay đổi của thiên nhiên cũng như sự tàn phá của chiến tranh nhưng đến nay vẫn luôn được gìn giữ, trân trọng bởi các thế hệ người làng nên vẫn còn giữ nét đẹp thuở ban đầu.

“Khi đến thăm Lộc Yên, rất nhiều khách thập phương đều nhận xét rằng cảnh quan ở đây là đủ mang đặc trưng cho vùng trung du của cả huyện Tiên Phước. Làng Lộc Yên ngày trước cho đến hôm nay vẫn ở trong một thung lũng bao quanh là những đồi cây chen với đá, những ngôi nhà rường bằng gỗ vườn, vách bằng đất liên kết với đá, tất cả đều lợp mái bằng tranh, sau được thay bằng ngói âm dương.

Chính những ngôi nhà này đã phản ảnh tinh thần về kiến trúc sinh thái, kiến trúc thân thiện với thiên nhiên. Kiến trúc ấy dẫu là nhà ở dân gian nhỏ bé nhưng là bài học cho chúng ta hôm nay về sự hòa hợp của ngôi nhà ở với môi trường thiên nhiên” - ông Hỷ nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vẹn nguyên Lộc Yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO