Đầu năm 1908, từ Quảng Nam, phong trào chống sưu thuế - một trong những đỉnh cao của phong trào Duy tân - nhanh chóng lan rộng khắp các tỉnh Trung kỳ. Ngọn lửa yêu nước, căm thù thực dân xâm lược và tay sai bùng phát tại Quảng Nam đã trở thành rừng lửa khổng lồ, tuy chưa đốt cháy được chủ nghĩa thực dân nhưng cũng đã làm cho chúng khiếp sợ và tạo thêm niềm tin trong tầng lớp nông dân cho các cuộc tranh đấu sau này.
Đình làng Phiếm Ái, nơi họp bàn mở đầu phong trào kháng thuế. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
MỐC SON XUYÊN THẾ KỶ
Phong trào chống sưu cao, thuế nặng ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã trải qua hơn một thế kỷ, song những giá trị lịch sử mà phong trào mang lại vẫn còn vẹn nguyên…
“Ngọn lửa” từ Đại Lộc
Năm 1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng mở đầu cho việc xâm lược nước ta. Các phong trào yêu nước liên tục nổ ra ở khắp nơi nhưng cuối cùng bị thất bại. Năm 1897, thực dân Pháp tiến hành chính sách “khai thác thuộc địa” lần thứ nhất bằng những chính sách thực dân phản động và bảo thủ, bóc lột nhân dân ta hết sức nặng nề, đặc biệt là chính sách sưu thuế. Người dân không những phải nộp thuế mà còn phải đi phu, lao dịch, đắp đường…
Chung cảnh ngộ đó, Đại Lộc là một trong những địa phương của tỉnh Quảng Nam mà nhân dân chịu nhiều thống khổ bởi chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp. Đói khát, bệnh tật cộng thêm thiên tai, hạn hán liên miên đã dìm cuộc sống người nông dân xuống tận cùng đau khổ. Tên tri huyện lúc đó lại lợi dụng chính sách tăng thuế để khai khống số dân nhằm thu lợi cá nhân. Trước tình cảnh đó, vào đầu tháng 3.1908, tại một bữa đám giỗ tộc Trương làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa; một số hào lý đã bàn nhau làm đơn lấy chữ ký của lý trưởng các làng xã trong huyện gửi quan huyện xin giảm nhẹ sưu cùng các món thuế, bởi nhân dân quá khổ trước chính sách sưu thuế hiện hành; nếu không được sẽ gửi lên Tòa Công sứ Pháp tại Hội An.
Ngày 11.3.1908, hơn 400 người dân ăn mặc rách rưới kéo xuống huyện đường, nhưng viên tri huyện không dám nhận đơn, lại cấp báo với viên quan tỉnh và Công sứ Pháp nên đoàn biểu tình kéo nhau đi vây dinh Tổng đốc rồi vây luôn cả tòa Công sứ. Nhân dân các phủ huyện như Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An, Hòa Vang… cũng đồng loạt hưởng ứng tại địa phương mình, sau đó cùng kéo về Hội An nên số người biểu tình ở đây mỗi lúc một đông. Trước sức ép của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân phong kiến đã thẳng tay đàn áp, bắt một số người lãnh đạo phong trào đày đi các nhà tù hoặc xử quyết.
Những giá trị vẹn nguyên
Theo một số nhà nghiên cứu, mặc dù phong trào thất bại, song nó đã mang đến ánh sáng mới cho con đường cách mạng Việt Nam. Trước sức mạnh bởi đòn roi, súng đạn của kẻ thù, những yêu sách mang tính ôn hòa sẽ không mang lại kết quả, chỉ có bạo lực cách mạng mới đủ sức chống lại bạo lực phản cách mạng. Phong trào đã được nhận xét là “một cuộc cách mạng được chuẩn bị một cách cực kỳ khéo léo”. |
Phong trào đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng sau một thời gian cũng bị chính quyền thực dân, phong kiến đàn áp. Tuy nhiên, phong trào nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân bởi vì đây là phong trào đấu tranh vì quyền lợi chính đáng của những người dân nghèo khổ chống lại sự bóc lột của bộ máy cai trị thối nát lúc bấy giờ. Phong trào chống sưu thuế năm 1908 cũng thể hiện được lòng yêu nước, tinh thần, sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Lúc đầu, phong trào chỉ xuất phát ở một huyện, sau đó nhanh chóng lan ra các huyện, phủ trong tỉnh Quảng Nam và các tỉnh miền Trung. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân ta từ xưa đến nay cũng chính là giá trị bất biến, góp phần quan trọng vào sự thành công trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Có thể nói, phong trào chống sưu thuế đã giáng một đòn rất mạnh vào bộ máy chính quyền thực dân phong kiến đương thời. Ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, nhân dân nổi dậy phá buồng giam, đốt dụng cụ tra tấn, giải phóng tù nhân; hàng loạt tên tay sai gian ác bị quần chúng nhân dân vây bắt, có những tên ác ôn còn bị trừng trị thích đáng. Dù ở đâu, cuộc nổi dậy của nhân dân đều có sự “dẫn đường chỉ lối” của các nho sinh, thân sĩ - những người có nhận thức nhất định về xã hội lúc đó.
Phong trào chống sưu thuế ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam như một mốc son sáng ngời. Ở đó, các thế hệ người dân Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung, sẽ luôn tự hào bởi những gì cha ông mình đã tạo dựng. Càng tự hào hơn nữa khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất của những điểm khởi đầu cho các phong trào cách mạng tiêu biểu của quê hương, đất nước. Ghi nhận những giá trị lịch sử to lớn của phong trào chống sưu thuế, ngày 29.12.2017, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định số 5400/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm khởi phát phong trào chống sưu, thuế năm 1908 ở miền Trung (đình Phiếm Ái và nhà ông Nghè Tiếp), xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc là di tích quốc gia.
NGUYỄN THỊ TUYẾT
HỆ QUẢ TẤT YẾU!
Trong bài báo đăng trên tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc kỳ) số 3934 ra tháng 4.1908, ký giả người Pháp, ông E.Jolly cho hay: Năm 1898, nghĩa là 10 năm trước thời điểm nổ ra phong trào chống sưu thuế Trung kỳ, thực dân Pháp mới chỉ đưa ra một loại thuế: thuế thân, đánh một đồng bạc trên mỗi đầu người và còn giữ nguyên nhiều khoản miễn trừ mà luật pháp An Nam đã công nhận. Nhưng chỉ sau một năm, nhà đương cục Pháp đã giành lấy quyền thu tất cả loại thuế và chỉ chi cho triều đình An Nam một khoản tiền nhất định vừa đủ cho họ trang trải các việc tiêu dùng. Khoản thuế thân được tăng lên thành 2 đồng 20 xu cho mỗi đầu người với lý do là từ nay người đóng thuế thân không còn phải làm 30 ngày xâu như đã làm trước đây cho chính quyền An Nam. Thực ra đây chỉ là chiêu bài mỵ dân của thực dân Pháp. Vì số thuế mà Pháp thu được lại cao gấp 5 lần số thuế mà triều đình Huế từng thu! Năm tiếp theo, thuế lại tăng và cứ tăng thêm đều đều qua từng năm.
Ký họa phong trào kháng thuế ở Đại Lộc. |
Trong bức thư nổi tiếng gửi cho Chính phủ Pháp ngày 15.8.1906 có tên “Đầu Pháp Chính phủ thư”, nhà ái quốc Phan Châu Trinh bày tỏ nỗi khốn khổ đến cùng cực của nhân dân An Nam, mà nặng nhất, hãi hùng nhất là thuế khóa. Ông chỉ rõ: “Nghề làm ăn thì (Chính phủ) không dạy bảo, mối lợi thì không mở mang, chỉ biết sưu thuế thì tăng cho nhiều, bây giờ thì cùng khốn đến thế này, tại quan làm hại dân mười phần độ năm sáu, mà vì sưu thuế nặng nề thì mười phần đến ba bốn”. Phan Châu Trinh cũng cho hay: “Từ ngày thuộc quyền bảo hộ của nước Pháp, nào là bắc cầu, sửa đường, xây đồn lập ải, cho đến lương bổng của quan lại cũng tăng lên, chi tiêu tốn kém kể hàng mấy trăm vạn, mà số tiền thu vào trừ các ngạch thuế thương chính ra thì chỉ trông vào thuế đinh và thuế điền”, “mỗi tên đinh một năm đóng thuế thân rồi phải bốn ngày công ích và mười ngày công sưu”. Lối thu thuế của Pháp được cụ Phan thẳng thắn lên án là “tát hết nước mà bắt cá”. Nạn thuế khóa nặng và tràn lan cũng được mô tả khá chi tiết trong bài “Á tế á ca” (chưa định rõ tác giả): “Các hạng thuế các làng tăng mãi/ Thuế dinh điền rồi lại trâu bò/ Thuế chó cũi, thuế lợn lò/ Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế xe/ Thuế sản vật, thuế chè, thuế thuốc/ Thuế môn bài, thuế nước, thuế đèn/…/ Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn/ Thuế dầu mật, thuế sơn mọi chợ/ Thuế gạo ngô, thuế đỗ, thuế bông/ Thuế tơ, thuế sắt, thuế đồng/…/ Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng/ Làm cho thập thất cửu không/ Làm cho đau đớn, khốn cùng chưa thôi”.
Trong bài văn tế những người chết đuối (căn nguyên là do thực dân Pháp và tay sai đàn áp cuộc biểu tình đòi giảm sưu thuế năm 1908 có hơn 8 nghìn người tham gia tại Phú Chiêm - thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn ngày nay - khiến nhiều người dân phải nhảy xuống sông chết đuối), người dân đương thời trút nỗi căm hờn lên chế độ thuế khóa tàn bạo… Thuế khóa của thực dân càng đè nặng lên cuộc sống của người dân khi mà quan lại đương triều nhân đấy “đục nước béo cò”. Phan Châu Trinh chỉ rõ: “Bây giờ dân nước Nam đã sắp chết đến sau lưng mà quan lại thì trừ việc truyền lệnh thu thuế, không còn biết việc gì nữa, các quan bảo hộ cưỡng bách họ thi hành tân chánh, họ làm qua loa cho xong chuyện, thì họ nhân dịp để kiếm tiền, đã không có công hiệu gì mà lại thêm nhiễu dân nữa”.
Tiến sĩ Trần Quý Cáp, một vị quan của triều đình không kiềm chế được sự phẫn nộ đối với thực trạng này. Ông thẳng thắn và công khai lên án nghiêm khắc quan lại lúc bấy giờ: “Dân ta nay cực đà như chó/ Sao quan còn võng đỏ ngáng ngà/ Thời thế này tài trí bỏ riêng ra/ Quyền thế thậm, kim ngân đa mới khá/ Dám hỏi mấy người công khanh, hầu bá/ Ăn cơm vua, cầm quyền nước ngồi mà lo những chuyện chi chi?/…/ Xâu thuế này cực cả Tây, Đông/ Đông, Tây cực mà Bắc, Nam rồi cũng khổ…”.
Ký giả E. Jolly cũng chỉ ra rằng, các quan lại An Nam là những kẻ thủ lợi trong việc thu thuế: “Thật ra, những ông quan này không bao giờ được người dân mến chuộng. Trái lại người dân rất lo sợ vì lúc nào trong tay họ cũng ngoe nguẩy một ngọn roi mây. Họ rất thích làm cho người dân bản xứ phải nhớ mãi cái thời mà họ có đầy đủ uy quyền. Vì thế họ đã dùng mọi cách. Nào đưa tin thất thiệt cho các viên chức cai trị người Pháp, nào làm sai lạc mục đích của những việc làm của nhà chức trách Pháp trong mắt của người dân bản xứ. Và phải thú nhận là họ đã thành công dễ dàng trong công việc này vì viên Khâm sứ Trung kỳ là một nhà chính trị chứ không phải là một viên quan cai trị chuyên nghiệp. Những viên chức cai trị ít khi chịu nghe lời tư vấn của các quan lại An Nam vì họ hiểu dân chúng muốn gì, có những nhu cầu gì”.
Điều gì đến đã đến. Có áp bức có đấu tranh! Phong trào chống sưu thuế bùng phát từ huyện Đại Lộc, sau đó lan nhanh ra toàn tỉnh Quảng Nam và khắp 10 tỉnh Trung kỳ 110 năm trước, là một hệ quả tất yếu!
VÂN TRÌNH
THÊM NHỮNG GÓC NHÌN
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm phong trào chống sưu thuế - vốn khởi phát từ huyện Đại Lộc, phóng viên Báo Quảng Nam ghi nhận những góc nhìn của một số nhà nghiên cứu nhằm góp phần tôn vinh ý nghĩa và giá trị lịch sử của “cuộc dân biến”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn: “Tiếng kêu hùng khí”
Đã 110 năm trôi qua từ biến cố lịch sử năm 1908, nhưng tôi tin là những người Việt yêu nước vẫn không bao giờ quên biến cố lịch sử đó bởi cuộc nổi dậy ấy và tiếng kêu hào khí của Trần Thuyết (thường gọi Mục Thuyết, quê xã Phước Lợi, nay thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - PV) chính là hồn thiêng của ông cha, là khí chất của người dân xứ Quảng.
Cuộc nổi dậy ấy, xuất phát từ làng Phiếm Ái, huyện Đại Lộc đã nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh Trung kỳ, từ Thanh Nghệ cho tới Khánh Hòa, Bình Thuận, tạo một tiếng vang lớn, dội đến cả Paris, Tokyo, làm thức tỉnh những tâm hồn yêu nước. Tại Đại Lộc, cuộc biểu tình nhanh chóng trở thành phong trào đấu tranh. Tại Tam Kỳ, đoàn biểu tình, do Trần Thuyết dẫn đầu, đã vây kín Phủ đường Tam Kỳ, yêu cầu viên Tri phủ và Đề đốc Trần Tuệ phải xuất hiện, dẫn dân đi xin giảm sưu thuế. Trần Tuệ vốn là một tên tay sai bán nước, được thực dân Pháp phái đến giám sát tuyến đường từ Tam Kỳ đi Trà My để bảo vệ mỏ vàng Bông Miêu, và đàn áp nhân dân theo phong trào Duy tân. Trước khí thế sôi sục của nhân dân, Trần Tuệ sợ hãi trốn vào Phủ đường Tam Kỳ. Trùm Thuyết, người làng Phước Lợi, kêu to: “Dân ta xin quan Đại lý giao ông Đề đốc để dân ăn gan!”. Toàn dân đồng thanh: “Dạ” vang lừng. Trần Tuệ ngồi trong xe, hộc máu gục xuống, về đến Tòa Đại lý thì tắt thở.
Dẫu ngay sau đó, Trần Thuyết bị xử chém tại đầu cầu Tam Kỳ, nhưng tiếng kêu hùng tâm tráng khí ngất trời ấy vẫn còn vang dội.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng - Bùi Xuân: Tinh thần quật khởi
Phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Quảng Nam chỉ kéo dài hơn một tháng nhưng thể hiện được tinh thần quật khởi của nhân dân ở 7 phủ, huyện trong tỉnh. Đối sách của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều lúc đó là đàn áp, khủng bố. Hàng nghìn quần chúng bị tra khảo và bị giam ở nhà lao Quảng Nam. Nhiều người bị giết chết. Song dù bị đàn áp, khủng bố khốc liệt, tinh thần đấu tranh chống áp bức, bóc lột và ngọn lửa yêu nước của nhân dân Quảng Nam vẫn được nuôi dưỡng, giữ gìn. Ông Ích Đường trước khi bị chém vẫn dõng dạc tuyên bố: “Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác sẽ nổi lên. Bao giờ hết mía mới hết Đường”. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Chỉ mấy năm sau vụ chống sưu thuế năm 1908, nhân dân ta, trong đó có nhân dân đất Quảng đã chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy mới, đó là cuộc khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân năm 1916.
Nhà nghiên cứu Vu Gia: Lịch sử đã chọn Đại Nghĩa
Không ít nhà nghiên cứu cho rằng phong trào chống sưu thuế năm 1908 là một cuộc nổi dậy tự phát của nông dân. Theo tôi thì cần phải xem lại. Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Đại Nghĩa (1930-1975), còn cho biết thêm ngày đó những hội buôn, hội nông, kể cả các lớp học tư thục được mở công khai ở Phiếm Ái, Hòa Mỹ. Cùng thời gian ấy, Trần Cao Vân (quê vợ ở xã Đại Đồng, Đại Lộc) xuống Ái Nghĩa mở trường dạy học, nên đã góp phần truyền bá tinh thần yêu nước cho một số thanh niên, học sinh quanh vùng, trong đó có con em Đại Nghĩa... Chưa kể, nhân dân Đại Lộc đã có ảnh hưởng rất nhiều phong trào Nghĩa hội của tiến sĩ Trần Văn Dư và phong trào Duy tân của phó bảng Phan Châu Trinh. Do đó, việc ký đơn “xin xâu” và tạo ra cuộc biểu tình lớn, lan rộng khắp các tỉnh Trung kỳ cũng là điều dễ hiểu và có sự tổ chức hẳn hoi chứ không phải là cuộc nổi dậy tự phát của nông dân.
Tại sao lịch sử lại chọn Đại Nghĩa? Địa bàn vùng lưu vực sông Vu Gia khá quan trọng. Đứng chân được ở Ái Nghĩa có thể uy hiếp được tỉnh thành La Qua, áp lực lên vùng Hòa Vang và Đà Nẵng. Đại Nghĩa rõ ràng là “hiểm cứ”. Và những chiến thắng của Nghĩa hội ngày đó, nhất là những trận đánh quanh vùng như Bãi Cháy, Gò Muồng chắc chắn không thể thiếu cánh quân đóng ở Đại Lợi, không thể thiếu con em Đại Nghĩa. Đặc biệt Đại Nghĩa còn có lực lượng trí thức mới tương đối đông đảo, nên chỉ cần thời cơ chín muồi là có thể dấy động phong trào. Như thế, vùng đất Đại Nghĩa hội đủ yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Và cách đây tròn 110 năm, họ đã dấy lên phong trào chống sưu thuế, góp phần tạo nên mảnh đất màu mỡ cho cách mạng sau này gieo hạt.
TS. Huỳnh Bá Lộc - Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh:
Không thể tách phong trào chống sưu thuế ra khỏi cuộc vận động Duy tân đầu thế kỷ 20 của các sĩ phu cấp tiến. Tại Quảng Nam, số trường lớp được mở lên đến 40 trường nên những sĩ phu cấp tiến có tư tưởng mới đã khá đông ở các địa phương. Một đội ngũ đa dạng, hoạt động một cách độc lập và sáng tạo đã xuất hiện ở các huyện, xã. Từ đó, những sĩ phu Đại Lộc như Lương Chân, Hứa Tạo, Trương Hoành sớm nhận thức các vấn đề về dân quyền, họ cũng có khả năng thuyết phục dân chúng, phát động và tổ chức phong trào nhằm đòi hỏi các quyền lợi. Thêm vào đó, người dân Quảng Nam trong suốt một năm đã chịu nhiều thiệt hại, bị bóc lột trong các vấn đề xâu, thuế, nhất là tại Đại Lộc, khi quan huyện đã cố tình khai báo khống số dân để tăng việc xâu, sách nhiễu, đòi tiền người dân. Việc làm này như đổ dầu vào lửa. Không thể chịu nổi, dân chúng nhanh chóng tập hợp theo lời kêu gọi của các sĩ phu, ban đầu là bàn việc đi kiện quan huyện, và sau là kéo nhau đi xin xâu rồi đòi giảm thuế... Quá trình đó cứ thế mà bùng phát, người dân cả tỉnh Quảng Nam rồi các tỉnh Trung kỳ lân cận hay tin đã đồng lòng ủng hộ. Tinh thần của người dân Đại Lộc đã thổi bùng ngọn lửa vì nó phản ánh đúng với thực trạng chung của người dân Quảng Nam nói riêng, Trung kỳ nói chung.
Sở dĩ phong trào càng trở nên kịch liệt vì quần chúng đã khởi đầu phong trào với tinh thần bất bạo động; song chính quyền địa phương đã đáp lại bằng ngăn cản, bắt bớ và đàn áp. Như tất yếu, phong trào quần chúng đã tiếp tục được đẩy mạnh để tự bảo vệ mình. Đây là minh chứng cho tình thế “tức nước vỡ bờ” của phong trào quần chúng.
HOÀNG LIÊN (ghi)