Vết cứa nghiệp vụ

TRÁC VĂN 22/06/2018 12:54

Thời đại 4.0, báo chí đối mặt với yêu cầu thông tin nhanh - mạnh - chính xác. Có thể thấy, phần lớn chỉ mới nhanh; nhưng một khi nhanh mà không chính xác, thì sức mạnh của báo chí đã bị bẻ gãy hoặc chệch hướng, trở thành công cụ của ai đó, thế lực nào đó.

Chẳng ai cản nổi dư luận đa chiều khi chúng ta đang hít thở với công nghệ số, thì chỉ còn cách duy nhất đó là chính xác và nhân văn mới giữ được niềm tin của dư luận dành cho báo chí.
Xin đơn cử hai chuyện sau để thấy báo chí đang có vấn đề về đạo đức và nghiệp vụ. Nghiệp vụ ở đây, đụng gay gắt đến vấn đề quyền lợi dân sinh và trách nhiệm chính quyền. Ở góc độ nào đi nữa, đều là chuyện đại sự. Chính vì thế, câu chuyện nghiệp vụ đã hàm chứa trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề báo.

Chuyện Thủ Thiêm

Theo một nhà báo am tường chuyện Thủ Thiêm 20 năm trước,  người này đã từng về đó, nhận đơn, viết bài, thì câu chuyện này có mới mẻ chi đâu. Ngay cả chuyện có hay mất bản đồ quy hoạch cũng chỉ là một “đòn” tung ra , nhắm đúng thời điểm để đưa (còn các cơ quan công quyền ấm ớ vụ bản đồ lại là chuyện khác). Chính vì thế, thông tin sao để không ngả nghiêng, là một câu chuyện khó.

Những ngày đó, Sài Gòn như sôi lên, ngồi đâu cũng nghe Thủ Thiêm. Liên tục báo giấy, báo mạng, báo hình, báo nói, dày đặc tiếng kêu của dân Thủ Thiêm, đi kèm những khuất tất của dự án này.

Tôi đến Thủ Thiêm,  ghé nhà một người nằm nay dưới chân cầu Thủ Thiêm thuộc phường An Khánh. Trưa nắng cháy mặt, tôi rúc vô một ngôi nhà  lợp tôn, nền đất ẩm ướt, cao chừng 1,5m nằm lút trong cỏ tranh và nước ngập tù đọng tứ bề. Tại chân cầu này, chỉ còn 4 căn nhà trụ bám lại, quyết không di dời vì cho rằng đền bù giải tỏa bất hợp lý.  

Chủ nhà nói như mắng vô mặt: “Báo chí cái chi, bao nhiêu báo nhỏ báo to tới đây, hỏi cho đã rồi có viết được chi đâu? Xin lỗi anh nhé, anh viết mà họ không cho đăng, anh làm được chi?”. Ông tố một hồi, mệt mỏi, rồi cũng kể nỗi khổ của những người ở lại giữa rắn rết, ô nhiễm, ngập úng, sống trầy trật qua bữa, quyết đi đòi cái điều mà ông cho rằng ông đúng, chính quyền sai, dồn ép dân.

Tôi xuống một ngôi nhà khác cũng sát mép sông Sài Gòn, ở phường Bình An, anh Hoàng chủ nhà ở ngay đầu đường dẫn vào con hẻm ngập nước gần gối, trong đó còn 1 hộ nữa bám trụ, nói:  Tôi có quen một nhà báo, bao lần tôi cung cấp tài liệu, nhưng có thấy ổng viết đâu?

Một thư ký tòa soạn nói mà nén…cơn điên: Ở đây vẫn là điều cũ rích!

Một là, vụ dân Thủ Thiêm phản ứng đền bù, quy hoạch trong và ngoài ranh không như quyết định ban đầu của Chính phủ; khá nhiều quyết định, văn bản của TP.Hồ Chí Minh liên quan đến vụ này;  20 năm rồi chứ có phải đột ngột khởi lên mới hôm qua hôm nay đâu, mà báo chí làm như trên trời vừa rơi xuống? 20 năm đó, dân kêu, báo chí biết hết, nhưng ở đâu không lên tiếng? Vai trò, trách nhiệm của truyền thông ở đâu trong vụ này?

Hai là, để ý thấy, vụ này các  báo đưa thông tin  cùng thời điểm, con số, phát ngôn, vấn đề… tất tần tật giống nhau.  Đơn cử chuyện ông Võ Viết Thanh nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh đưa bản đồ ra, rằng ông còn giữ chứ có mất đi đâu. Thế là chiều đó, các báo mạng rầm rập có y luôn.  Người đọc có quyền nghi ngờ. Và không thể không lăn tăn rằng,  vụ việc Thủ Thiêm, báo chí không  phải tự dưng mà lên tiếng tập thể. Mà đã như thế, vai trò độc lập của báo chí ở đây là zero!

Vụ cà phê “pin”

Vụ cà phê “pin” và hồ tiêu “pin” ở Bình Phước và Đắc Nông đang được công an điều tra. Nhưng lật lại sẽ thấy, báo chí… kỳ quái.

Công an ập vô nhà một chủ kinh doanh nông sản ở Đắc Nông, thấy đá, pin, vỏ cà phê. Hết. Thế mà báo chí rần rần lên là cà phê “pin”. Thông tin kinh hoàng này đã đánh thẳng vào thương hiệu quốc gia. Câu hỏi: Báo chí căn cứ vào đâu mà nói người ta làm cà phê “pin”, trong khi không hề tìm thấy một muỗng cà phê “pin” nào?

Bao nhiêu chủ  rẫy, cửa hàng bán cà phê ở Tây Nguyên chết đứng vì tin trên. Các quán cà phê ngay tại Sài Gòn, Hà Nội cũng sụt giảm doanh thu đến xót cả ruột. Nếu bây giờ, người chủ cơ sở trên kiện các báo đã đưa tin bậy, các cơ sở sản xuất cà phê yêu cầu các báo trả lời: Ông đền tôi ra sao đây khi ông nói chúng tôi  sản xuất cà phê “pin”, thì các tổng biên tập sẽ trả lời sao?

Lúc đó, có thể các báo sẽ nói: báo đưa theo nguồn tin từ cơ quan chức năng? Vậy cơ quan chức năng là ai nói? Sao các báo không làm tiếp để minh oan cho người ta, đồng thời lôi ra ánh sáng ông bà nào đã hồ đồ hại dân như thế?

Nói cà phê “pin” không xong, nhảy qua hồ tiêu trộn “pin”. Cứ thế rượt nhau chạy. Rượt và trượt.

Dễ thấy chẳng có một nghi vấn thông tin nào được đặt ra trên các báo trong thời điểm công an ập vào bắt người ta. Tại đây, biện luận cỡ nào đi nữa cũng thấy báo chí bị “dắt mũi”: cà phê “pin” ở đâu mà cứ tung rầm?

Đến  bây giờ, chưa thấy báo nào nói cà phê “pin” lên tiếng nói lại cho rõ. Đây là hành xử không văn hóa, vi phạm luật báo chí. Đừng nghĩ người ta không kiện mà anh ưng nói chi thì nói. Vụ này mà ở nước ngoài, chắc chắn lắm báo đóng cửa vì bị kiện sụp tiệm.

TRÁC VĂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vết cứa nghiệp vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO