Hai trục dọc giao thông chiến lược gồm quốc lộ (QL) 1 và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã, đang để lại những vết gợn sau khi được mở rộng, xây mới.
Đi QL1 qua Quảng Nam, người tham gia giao thông đang đi trên cung đường rộng phải đột ngột chuyển sang đoạn tuyến tránh Vĩnh Điện (cũng là tuyến chính QL1 hiện nay) với mặt cắt bị bóp nghẹt. Xe cộ hỗn hợp, nhất là ô tô tải nặng và xe khách nườm nượp lưu thông trên mặt cắt chật hẹp gây mất an toàn và được xem là “cung đường tử thần”. Qua khỏi cầu Câu Lâu mới, cung đường lại mở ra, nhưng chưa tương xứng với nhu cầu đi lại của nhân dân. Ngược lại, họ phải nộp phí sử dụng cho nhà đầu tư xây dựng công trình.
Tuy nhiên, đồng tiền bỏ ra chưa xứng, bởi mặt cắt rộng chủ yếu 16,5m (qua thị trấn rộng 20,5m) kéo dài từ Duy Xuyên đến Phú Ninh với 2 làn xe mỗi bên. Nghĩ cũng lạ, thiết kế của cung đường lại không có làn dành riêng cho xe thô sơ và người đi bộ. Họ bắt buộc phải “chung chạ” với làn xe cơ giới rất nguy hiểm, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Cử tri, Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam đã nhiều lần, nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ kiến nghị với Bộ GTVT về mở rộng thêm làn dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đã nhiều lần ghi nhận, song việc triển khai xóa “vết gợn” chưa tiến hành trên thực địa. Một số thông tin cho rằng, do Quảng Nam đã có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên không thể mở rộng QL1 ra thêm theo yêu cầu trước đây của nhân dân. Nhưng thử hỏi, QL1 qua các tỉnh, thành khác đã mở rộng quy mô, và bây giờ trục cao tốc Bắc - Nam nhánh đông đang triển khai cũng qua địa phận địa phương bạn thì trả lời sao đây?
Vết gợn khác là hậu thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa được giải quyết rốt ráo, kể cả đoạn 65km đầu tiên đã thu phí sử dụng đường bộ hơn 2 năm qua (ngày 2.8.2017). Thông cả tuyến gần một năm qua, nhưng việc hoàn trả các tuyến đường do địa phương quản lý bị hư hỏng, xuống cấp do nhà thầu mượn làm đường công vụ vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thi công chưa thực hiện. Việc nứt nhà, bồi lấp đất sản xuất gây bức xúc không được giải quyết rốt ráo… Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Phan Thái Bình - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV bằng văn bản mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc chậm trễ thuộc nhà thầu và chủ đầu tư (Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam), do nội dung này đã được quy định cụ thể trong hợp đồng xây lắp. Hiện nay, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu khẩn trương hoàn trả, dự kiến hoàn thành trong quý IV-2019. Song theo Sáu Còi, tính khả thi của thời hạn đặt ra là không cao, bởi vì với sự đủng đỉnh lâu nay, cộng thêm mùa mưa tại Quảng Nam nói riêng đang đến gần, khâu triển khai thi công chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hộ dân vùng hạ lưu các cầu LRB06 và đoạn mố A2 cầu Kỳ Lam (Điện Bàn) phải tiếp tục sống trong cảnh nơm nớp lo âu, do các hạng mục gia cố, chống sạt lở chưa làm, còn dòng chảy của sông Thu Bồn mùa mưa thì chảy xiết, nguy cơ xói lở và ảnh hưởng đến an toàn của nhân dân.